Mô hình này đã xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới và được nói tới khá nhiều tại VN. Tuy nhiên, theo thống kê của Viện Chiến lược bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin, cả nước mới chỉ có 49/64 tỉnh, thành và 22/26 bộ, ngành có website nhưng chỉ có 32% website của các bộ, cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân và doanh nghiệp.
Liệu những con số này có thể khẳng định CPĐT đã hình thành ở VN hay chưa? Bên lề hội thảo CPĐT diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 13 và 14-12, Tuổi Trẻ Online trao đổi với Thứ trưởng Bộ Bưu chính - viễn thông VŨ ĐỨC ĐAM.
* Thưa ông, ông đánh giá thế nào về mức độ sẵn sàng xây dựng CPĐT tại VN?
- Đã có nhiều tổ chức đánh giá vấn đề này mà gần đây nhất là đánh giá của Hội Tin học VN. Nhưng số liệu thống kê chính thức nhất là của Liên hiệp quốc, VN đứng thứ 105 trên 191 nước về mức độ sẵn sàng cho CPĐT. Nếu so sánh với mức độ phát triển kinh tế, thu nhập đầu người thì mức độ sẵn sàng về CPĐT của VN vẫn cao hơn mức trung bình. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng con số 105 không phải là con số làm chúng ta hài lòng.
Hiện nay cả nước có hơn 80% cơ quan có website nhưng điều quan trọng là những website đó được cập nhật thông tin như thế nào và những thông tin trên đó có được người dân và doanh nghiệp quan tâm không. Quan trọng hơn nữa là làm sao để những website đấy trở thành cổng giao tiếp giữa chính quyền với người dân, với doanh nghiệp, để người dân, doanh nghiệp có thể phản hồi ý kiến, giao tiếp với chính quyền. Vì thế, chúng ta còn một chặng đường rất dài phải đi.
* Như vậy có thể nói VN chưa có CPĐT?
- Nếu định nghĩa CPĐT theo năm giai đoạn (xuất hiện, tăng cường, tương tác, giao dịch, tích hợp) thì VN đang ở giai đoạn thứ nhất và thứ hai. Chúng ta mới bắt đầu thực hiện được một số công việc của giai đoạn ban đầu của CPĐT nên đương nhiên mô hình CPĐT chưa hoàn thiện và để hoàn thiện chúng ta phải làm rất nhiều việc.
* Ông đánh giá thế nào về các bước xây dựng CPĐT tại VN trong thời gian qua?
- Những năm qua chúng ta đã rất cố gắng nhưng vấn đề lớn đặt ra là tổng thể mô hình CPĐT ở VN thế nào, từng giai đoạn ra sao, nhiệm vụ trọng tâm của từng giai đoạn thế nào… thì đến giờ chúng ta vẫn chưa xác định được một cách rõ ràng.
* Vì sao những vấn đề đó còn vướng mặc dù từ năm 2004, Bộ Bưu chính - viễn thông đã trình Chính phủ đề án quy hoạch tổng thế phát triển CPĐT?
- Năm 2004, Bộ Bưu chính - viễn thông đã trình Chính phủ đề án quy hoạch tổng thể phát triển CPĐT tại VN nhưng đến nay các cơ quan chức năng còn đang xem xét. Mặc dù chúng ta đã có một loạt đề án, dự án liên quan đến CPĐT nhưng những đề án, dự án đó chỉ là một bộ phận cấu thành của mô hình CPĐT. Đề án của bộ đưa ra một mô hình toàn diện hơn về CPĐT, trong đó phân rõ từng giai đoạn, phân công rõ ràng, xác định vai trò chủ đạo… Tôi nghĩ nếu được thông qua nó sẽ tạo một nền móng vững chắc, bài bản hơn cho những đề án, dự án mà chúng ta đã triển khai.
Tuy nhiên, lý do đề án chưa được thông qua là do các bộ, ngành chưa thống nhất với nhau cách nhìn nhận bước đi làm thế nào để xây dựng CPĐT. Mô hình chung về CPĐT thì dễ thống nhất nhưng điều quan trọng là mô hình đó phải phân kỳ và phải xác định vai trò cho từng giai đoạn. Đấy là điểm mà các cơ quan chức năng vẫn còn ý kiến khác nhau.
Quan điểm của Bộ Bưu chính - viễn thông là CPĐT phải do toàn Chính phủ làm, không thể một cơ quan nào đứng ra làm được và phải làm thông suốt từ trung ương tới địa phương bằng một sự điều hành thống nhất.
Mặt khác, khi trình độ nhận thức và khả năng nắm bắt về công nghệ thông tin còn thấp kém thì vai trò của cơ quan chuyên trách về công nghệ thông tin rất quan trọng và đấy phải là cơ quan lĩnh trách nhiệm trước Chính phủ đứng ra tổ chức hệ thống cơ sở căn bản của nền móng kỹ thuật của CPĐT, tạo điều kiện như một công cụ tin cậy cho các cơ quan hành chính dựa vào công cụ đấy để đổi mới hoạt động, tiến đến phục vụ nhân dân thông qua mô hình CPĐT.
Theo Tuổi trẻ