|
Ngày 14/4/2011, các thành viên Hội đồng chung khảo Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam 2010 đã họp để chọn ra các ứng viên xứng đáng nhất cho VICTA 2010. |
Ngày 14/4/2011, các thành viên Hội đồng chung khảo Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam 2010 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng - Chủ tịch Hội đồng chung khảo - đã tổ chức phiên họp toàn thể để chọn ra các ứng viên xứng đáng nhất nhận giải thưởng của Bộ TT&TT. Các thành viên Hội đồng chung khảo đã dành trọn một ngày để xem xét và thẩm định hơn hai trăm hồ sơ để tìm ra 30 hồ sơ cuối cùng sẽ được xướng danh trong Lễ trao giải tổ chức vào sáng ngày 23/4 tại Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên VTV1.
Di động: Khó đoán "ngôi vương"
Ông Phạm Hồng Hải, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo nhóm Giải thưởng trong lĩnh vực viễn thông – Internet cho biết, số lượng doanh nghiệp Internet và viễn thông không nhiều như trong lĩnh vực khác và quy mô của các doanh nghiệp này cũng khác nhau. VICTA 2010 nhằm mục tiêu cổ động tất cả các doanh nghiệp tham gia và thấy được cơ hội đoạt giải của mình chứ đây không phải là sân chơi của các doanh nghiệp lớn. Việc chấm giải năm nay sẽ chủ yếu sử dụng các tiêu chí tương đối như tỷ lệ tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng, tỷ suất lợi nhuận... thay vì các tiêu chí tuyệt đối, nhằm nhấn mạnh yếu tố chất lượng, tăng trưởng và hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp, hướng đến các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới. Ông Phạm Hồng Hải cho biết, các giải thưởng năm nay cũng đã đi vào thực chất như giải thưởng về doanh nghiệp phát triển hiệu quả với các tiêu chí đánh giá chặt chẽ đi kèm. Bên cạnh đó, Giải thưởng cũng đã có các giải thưởng hướng đến khách hàng quan tâm như giải thưởng về chất lượng dịch vụ và gói cước.
Nếu như những năm trước VDC gần như không có đối thủ trong cuộc đua tới giải thưởng trong lĩnh vực Internet thì năm nay “đại gia” này đã gặp “kẻ ngáng đường”. Cuộc so găng tới các giải thưởng của VDC đã phải “chiến đấu” với các đối thủ mới tuy không có ưu thế về thị phần nhưng lại có đầy ưu thế về tốc độ tăng trưởng. Trong các gương mặt mới nổi trên thị trường Internet thì CMC TI lại là người mới nổi đang có tốc độ phát triển rất tốt. Hiện doanh nghiệp này chỉ tập trung “đánh” vào dịch vụ cáp quang đến nhà thuê bao.
Và trong lĩnh vực di động vẫn là cuộc so găng của các ông lớn là Viettel, MobiFone và VinaPhone, nhưng cũng đã có thêm đối thủ là các mạng nhỏ. Cũng giống như lĩnh vực Internet, các mạng nhỏ không có ưu thế về số lượng thuê bao, nhưng lại đang chiếm ưu thế về tính sáng tạo cao.
Với tiêu chí kết hợp chấm giải dựa trên cả yếu tố tương đối và yếu tố tuyệt đối nên sẽ làm cho tính hấp dẫn và khó đoán trước “ngôi vương” sẽ thuộc về tay ai. Giải thưởng năm nay sẽ kết hợp được cả việc cổ vũ các doanh nghiệp lớn nhưng đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia.
Hơn nữa, việc thay đổi tên gọi và các tiêu chí của giải thưởng cũng là để phù hợp mục tiêu chung của Nhà nước, thị trường như phát triển hạ tầng, hiệu quả kinh doanh, chất lượng dịch vụ, sự đa dạng của các gói cước, băng rộng hay phát triển bền vững các doanh nghiệp, bảo đảm sản xuất kinh doanh có hiệu quả thông qua lợi nhuận, năng suất lao động, thu nhập bình quân của người lao động. Ví dụ trước đây có giải viễn thông cố định xuất sắc nhất nhưng giải thưởng năm nay đã được đổi thành phát triển hạ tầng tốt nhất vì đối với viễn thông cố định, quan trọng nhất vẫn là hạ tầng.
Công nghiệp CNTT: “điểm nóng” phân phối và phần mềm
Lĩnh vực công nghiệp CNTT có 10 giải thưởng cho các lĩnh vực phần mềm, nội dung số, máy tính thương hiệu Việt, phân phối, tích hợp hệ thống và doanh nghiệp trẻ (thành lập 5 năm). Lĩnh vực này có 39 hồ sơ lọt vào vòng sơ khảo.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT), thành viên Hội đồng Chung khảo cho biết mỗi giải trong lĩnh vực công nghiệp CNTT năm nay đều có một bộ tiêu chí riêng, hầu hết có thể định lượng được để tiện cho các thành viên chấm giải. Mặc dù vậy, việc xét giải ở một số lĩnh vực rất khó khăn và mất nhiều thời gian tranh luận bởi có nhiều đơn vị ngang ngửa nhau.
Theo ông Đường, điểm khác biệt của Giải thưởng năm nay so với các năm trước là cuộc đua tranh rất khốc liệt ở giải thưởng dành cho doanh nghiệp phân phối sản phẩm CNTT. Giải này năm nay có sự tham gia nhiều tên tuổi trong lĩnh vực phân phối như FPT, Phong Vũ, IDC, Viễn Sơn và Công ty Viễn thông An Bình (Abtel)... Đây là lĩnh vực mà các thành viên Hội đồng sơ khảo và chung khảo mất nhiều thời gian cân nhắc nhằm chọn ra ứng viên ưu tú nhất.
Tương tự như các năm trước, lĩnh vực phần mềm (gồm 3 giải dành cho doanh nghiệp phần mềm hoạt động hiệu quả nhất, doanh nghiệp làm phần mềm và dịch vụ nội địa tốt nhất, và doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ xuất khẩu tốt nhất) cũng là mảng đua tranh rất gay cấn giữa các đơn vị. Mặc dù, FPT Software không có đối thủ xét ở quy mô (đạt hơn 1.000 tỷ đồng trong năm 2010) trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, cũng như Công ty hệ thống thông tin FPT (FIS) “vô đối” ở lĩnh vực tích hợp hệ thống nhưng một điểm mới trong công tác xét giải ở lĩnh vực công nghiệp CNTT năm nay là đặt “trọng số” cao hơn với các ứng viên có tỷ lệ lợi nhuận/doanh thu cao, chú trọng đầu tư nhiều cho nghiên cứu và phát triển (R&D)... Chính vì vậy, các doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2010 sẽ có lợi thế nhất định trong cuộc đua với những đối thủ có quy mô lớn hơn. Đây là nét mới hứa hẹn sẽ tạo bất ngờ tại đêm trao giải.
Ứng dụng CNTT: phát hiện nhiều điển hình mới
Đây là lĩnh vực có nhiều giải nhất (11 giải) và cũng là lĩnh vực có nhiều hồ sơ tham gia nhất (116 hồ sơ hợp lệ), trong đó khối doanh nghiệp có 70 hồ sơ và khối cơ quan nhà nước có 46 hồ sơ.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT (Bộ TT&TT), thành viên Hội đồng chung khảo, cho biết kết quả thẩm định hồ sơ và thẩm định thực tế các hồ sơ tham dự giải lĩnh vực ứng dụng CNTT năm nay phát hiện nhiều điển hình ứng dụng CNTT hiệu quả, đặc biệt là ở những địa phương kinh tế chưa phát triển mạnh, như: UBND tỉnh Đồng Tháp đưa toàn bộ tài liệu các cuộc họp lên website, yêu cầu người dự họp mang theo laptop (không in văn bản giấy); hay huyện Thanh Khê (Đà Nẵng) cho phép người dân tra cứu hồ sơ một cửa qua SMS; Cục Tần số Vô tuyến điện bắt đầu cung cấp dịch vụ cấp phép tần số qua mạng; Sở TT&TT Đà Nẵng quản lý BTS bằng Google Map...
Ở lĩnh vực doanh nghiệp, theo ông Phúc, Ban tổ chức giải năm nay duy trì việc chấm giải bằng phần mềm kết hợp với đánh giá cá nhân của các thành viên và thẩm định thực tế tại doanh nghiệp. Trong nhóm giải ứng dụng CNTT năm nay, các lĩnh vực thu hút nhiều đơn vị tham gia nhất là khối UBND các tỉnh/thành và các quận/huyện; các Sở TT&TT; các doanh nghiệp nhỏ và vừa; các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực tài chính.
An toàn thông tin: lĩnh vực mới
Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT), thành viên Hội đồng sơ khảo lĩnh vực đào tạo, an toàn thông tin và lĩnh vực khác, cho biết lĩnh vực này thu hút 34 hồ sơ tham dự. Qua 3 phiên họp, Hội đồng đã xác định rõ tiêu chí của từng giải, xác định thang điểm và từng trọng số. Để hỗ trợ các thành viên trong quá trình chấm điểm, Hội đồng đã xác định thêm các tiêu chí con và gửi hồ sơ cho các thành viên chấm độc lập. Sau khi có điểm tổng hợp chung, Hội đồng đã cử 4 đoàn đi thẩm định hồ sơ của 4 đơn vị. Qua quá trình thẩm định cho thấy, thực tế nhiều đơn vị còn làm tốt hơn so với hồ sơ kê khai. Có thể thấy trong lĩnh vực đào tạo, giải thưởng năm nay đã quy tụ được nhiều đơn vị có tên tuổi như Đại học FPT, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, khoa CNTT của Học viện Kỹ thuật Quân sự, trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt – Hàn, Công ty Cổ phần Đào tạo Ứng dụng Aprotrain... Điểm chấm cuối cùng của Hội đồng sơ khảo cho thấy các đơn vị chênh nhau không nhiều.
Năm 2010 cũng là năm đầu tiên Bộ TT&TT xét chọn và trao Giải thưởng VICTA cho các đơn vị xuất sắc trong việc ứng dụng cũng như cung cấp các giải pháp, dịch vụ an toàn thông tin. Qua hồ sơ của các đơn vị cho thấy, nhận thức về an toàn thông tin đã được nâng lên rất nhiều; nhiều doanh nghiệp cung cấp giải pháp, dịch vụ an toàn thông tin được xã hội đánh giá cao. Được biết, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) lần đầu tiên tham gia phối hợp tổ chức VICTA 2010 trong lĩnh vực này. VNISA đã tham gia cùng phát hiện, kêu gọi, vận động các tổ chức, doanh nghiệp tham gia giải thưởng...
Giải thưởng năm nay cũng xét thêm giải Doanh nghiệp CNTT-TT Việt Nam vì sự phát triển cộng đồng. Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh các doanh nghiệp có đóng góp nhiều cho xã hội bằng các chương trình cụ thể, số lượng người được thụ hưởng lợi ích từ các chương trình này…
Theo www.ictnews.vn