Thứ hai, 20/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 30/03/2011
R&D: Tiếng than từ các doanh nghiệp phần mềm

Nếu thiếu R&D, doanh nghiệp khó tồn tại được lâu dài. Nhưng R&D không chỉ là việc của doanh nghiệp mà còn rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

Tổng doanh thu ngành phần mềm và nội dung số năm 2010 ước đạt 2 tỷ USD (~41.667 tỷ đồng, theo báo cáo Toàn cảnh công nghiệp phần mềm Việt Nam 2010 do VINASA công bố), cao gấp 40 lần so với năm 2000. Theo đánh giá của ông Phạm Tấn Công, Tổng Thư ký VINASA, sau 10 năm, ngành phần mềm trong nước đã có những bước đi dài đáng ghi nhận. Tuy nhiên, chặng đường 10 năm tiếp theo của ngành phần mềm dự đoán còn nhiều thách thức hơn khi mà doanh thu của ngành phần mềm hiện nay chủ yếu từ gia công và dịch vụ.

TS Edmund J.Malesky, sau khi khảo sát thị trường Việt Nam trong dự án PCI, nhận xét: nhà đầu tư điển hình hoạt động tại Việt Nam là một doanh nghiệp tương đối nhỏ, hướng tới xuất khẩu và có suất lợi nhuận thấp, làm gia công cho một nhà sản xuất đa quốc gia lớn hơn - do đó thường định vị ở điểm thấp trong dây chuyền giá trị sản phẩm (*).

Quả thực, so với những gì mà các doanh nghiệp Mỹ, Nhật, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc đang làm với những công ty trị giá hàng trăm tỷ USD, những con số mà ngành công nghiệp phần mềm đang làm được chỉ là một phần cực kỳ nhỏ bé, chủ yếu chỉ là gia công hoặc những sản phẩm giá trị thấp.

Để các doanh nghiệp phần mềm nắm bắt cơ hội trong ngành công nghiệp tri thức này, nhiều doanh nghiệp phần mềm xác định chỉ có nghiên cứu và phát triển (R&D) những gì riêng mình có thì mới tồn tại với một bản sắc riêng trong thời đại kinh tế tri thức và mới trường tồn được. Thế nhưng, R&D không phải việc của riêng từng doanh nghiệp mà rất cần sự hỗ trợ của nhà nước. Nhìn vào thực trạng hoạt động R&D hiện nay thì rõ.

Phối hợp kém

Hoạt động R&D nếu chỉ dừng ở mối quan hệ hợp tác viện – trường thì đã có từ lâu và rất nhiều nước trên thế giới đã triển khai mô hình viện nghiên cứu trong trường đại học. Ở Việt Nam, theo ông Trần Thế Trung, Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT, mô hình này đã hình thành và phát triển rất khả quan. Đã có doanh nghiệp đặt hàng nghiên cứu cho các viện và trường; cũng đã có nghiên cứu trong trường được phát triển thành sản phẩm kinh doanh. Tuy nhiên, những trường hợp đó chưa nhiều.

Không những thế, đứng ở góc độ kinh tế, mối quan hệ hợp tác trong các hoạt động R&D phải ở thế chân kiềng viện – trường – doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Trần Thế Trung, tỷ lệ các hoạt động có gắn kết 3 bên trong tổng các hoạt động khoa học công nghệ chưa chiếm đa số, có nhiều hoạt động của viện và trường không có liên hệ với doanh nghiệp. Còn trong các doanh nghiệp CNTT trong nước, chủ yếu mới dừng ở phát triển sản phẩm (tức chữ D trong Development), còn phần nghiên cứu chế tạo công nghệ mới (chữ R trong Research) thì chưa mạnh do cần những chuyên gia nghiên cứu trình độ cao, đầu tư dài hơn và rủi ro cao. Thậm chí, trong nhiều lĩnh vực cần có cả hạ tầng cơ sở các ngành công nghiệp phụ trợ - vốn rất thiếu ở Việt Nam.

Về góc độ chuyên môn, TS.Lương Chi Mai, Viện phó Viện CNTT, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam cho rằng sự hợp tác càng yếu. Lấy lĩnh vực nhận dạng và xử lý tiếng Việt mà bà đang theo đuổi hiện nay làm ví dụ. TS.Mai cho rằng các dự án còn manh mún, mỗi nơi làm một phần mà không có sự liên hệ hay phối hợp với nhau. Hầu hết các dự án về xử lý tiếng Việt (nhận dạng, tổng hợp, dịch tự đồng, tìm kiếm…) đều dựa trên phương pháp thống kê, mà đã dùng phương pháp thống kê thì phải dựa trên kho ngữ liệu rất lớn. Đáng tiếc, chúng ta chưa có kho ngữ liệu này. Điều mà bà trăn trở bấy lâu nay chính là làm sao có một chương trình có độ kế thừa lớn để những người nghiên cứu đi sau có thể sử dụng thành quả của người đi trước.

Bà Mai cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp có công trình nghiên cứu ứng dụng được là một chuyện nhưng có theo được, có bước cùng được với các nhà nghiên cứu thế giới hay không lại là một thách thức rất lớn bởi doanh nghiệp không thể tồn tại tách rời cộng đồng nghiên cứu. Lời khuyên của bà là nên tham gia các hội nghị quốc tế chuyên ngành để biết các nước đang làm được đến đâu, sử dụng công nghệ gì đồng thời tranh thủ giới thiệu các công trình của mình trên các tạp chí chuyên ngành uy tín.

Thiếu đòn bẩy tài chính

Xây dựng ngành Công nghiệp CNTT không thể không nói đến thương mại hóa. Mà muốn thương mại hóa cần đòn bẩy tài chính. Theo khảo sát của VINASA, ngân sách cho R&D chủ yếu từ doanh thu bán sản phẩm của doanh nghiệp. Không có doanh nghiệp nào dùng nguồn đầu tư từ ngân sách của chính phủ. Khó khăn tài chính và thiếu nhân viên có kiến thức và năng lực thực hiện R&D là thách thức lớn nhất đối với việc tăng cường, triển khai R&D ở các DNVVN. Điều đáng ngạc nhiên là các DN chưa coi vấn đề R&D cùng với vấn đề thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ là trở ngại lớn (trở ngại lớn nhất theo các doanh nghiệp là tình hình suy thoái kinh tế và nguồn nhân lực). Theo khảo sát, chi tiêu cho R&D đạt 2,7 điểm (tối đa là 5 điểm) đứng thứ 6 trong tổng số 14 yếu tố gây trở ngại cho doanh nghiệp.

Có định hướng nhưng xúc tiến chậm

Đề án đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về CNTT-TT đặt mục tiêu: “đến 2020 hình thành được các tổ chức R&D CNTT-TT mạnh, đặc biệt là các tổ chức R&D công nghệ của doanh nghiệp, đủ năng lực nghiên cứu phát triển sản phẩm mới có công nghệ cao”. Theo đánh giá của TS.Lương Chi Mai, đây là tín hiệu đáng mừng. Lần đầu tiên, R&D được chú ý không chỉ trong các đơn vị nghiên cứu thuộc nhà nước mà cả đối với doanh nghiệp. TS nhấn mạnh, “nếu thiếu R&D, doanh nghiệp sẽ khó tồn tại được lâu dài”.

Là một doanh nghiệp hình thành và đi lên từ hoạt động nghiên cứu khoa học, Naiscorp luôn xác định R&D là một thế mạnh và có những đầu tư thích đáng. Tuy nhiên, điều mà Naiscorp gặp vướng mắc lại là thiếu người làm R&D. Ông Nguyễn Xuân Tài, Tổng Giám đốc Naiscorp chia sẻ “Bộ phận khó tuyển dụng nhất là R&D. Người làm R&D ngoài giỏi chuyên môn còn cần sự tìm tòi, chịu khó, kiên nhẫn, sáng tạo. Nhiều khi làm cả năm trời không ra kết quả cũng không được nản chí mà càng phải quyết tâm hơn. Đáng tiếc môi trường giáo dục ở Việt Nam chưa thể cho ra lò những cá nhân có tố chất như vậy. Do nguồn tuyển không dồi dào nên việc tìm kiếm ứng viên vất vả hơn, nhiều khi không đủ ứng viên đạt yêu cầu, công ty phải dừng việc tuyển dụng”.

Không riêng Naiscorp, những doanh nghiệp có đầu tư nghiêm túc cho R&D đều rất mong được tạo điều kiện về môi trường kinh doanh, chế độ ưu đãi về thuế, cơ sở hạ tầng, kinh phí cho các chương trình nghiên cứu, hỗ trợ đưa sản phẩm ra thị trường… Nhưng tất cả những gì mà các doanh nghiệp đang nhận được chỉ là sự ủng hộ về mặt tinh thần.

Theo www.pcworld.com.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0