Cố GS, viện sĩ Nguyễn Văn Đạo từng nói với những người sáng lập Trường Đại học FPT rằng “đây cơ hội chưa từng có cho ngành giáo dục phát triển. Nếu dấn thân vào, chúng ta sẽ thắng lợi. Nếu bỏ qua là chúng ta có tội với đất nước”. Câu nói ấy của ông khiến những người sáng lập Trường Đại học FPT phải suy nghĩ. Làm sao đào tạo được nhân lực số đông, chất lượng cao?
|
TS.Lê Trường Tùng trong lễ tốt nghiệp của các sinh viên khóa I ngày 24/3/2011. |
Thực tế, mức học phí tại Đại học FPT cao hơn nhiều trường. Nhưng bù lại, qua 4 năm đầu hoạt động, đã có 10% sinh viên được hỗ trợ kinh phí để ra nước ngoài giao lưu học hỏi; 94% sinh viên tốt nghiệp đầu tiên có việc làm chính thức ngay khi ra trường; 100% sinh viên có laptop phục vụ học tập…
Với những kết quả ấy, TS.Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT mạnh dạn bày tỏ quan điểm: “Giáo dục đại học không còn là một tháp ngà học thuật nằm ở thượng tầng kiến trúc xã hội, mà phải trở thành một ngành dịch vụ, đáp ứng quyền có học vấn sau phổ thông với chất lượng cao của người học, quyền có được nguồn nhân lực chất lượng cao của các tổ chức doanh nghiệp, và cao hơn nữa là phải xem như lĩnh vực đầu tư có tầm quan trọng từ nhà nước, từ xã hội, từ gia đình và người học, vì sự phát triển của đất nước trong tương lai. Giáo dục đại học cũng chỉ có thể thành công nếu vận dụng được sức mạnh tổng hợp, tích hợp được các nguồn tài chính, các tài nguyên học tập, phát triển giảng viên, hợp tác với doanh nghiệp, với các viện nghiên cứu - mà một trường đại học đứng đơn lẻ không có cách nào có thể tự lo nổi”.
Và tuy có mức thu học phí cao nhưng bù lại, Đại học FPT cũng có nhiều hình thức hỗ trợ tài chính (vay vốn ưu đãi, học bổng kéo dài 9 năm từ bậc đại học lên chương trình đào tạo tiến sĩ) cho sinh viên, cam kết đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường (chương trình “On the job training”)… Sau 4 năm chính thức hoạt động, đến nay, Đại học FPT đang có gần 5.000 sinh viên theo học.
Trong khi quan điểm coi giáo dục là một ngành dịch vụ của WTO vẫn còn xa lạ với Việt Nam thì những gì mà Đại học FPT đang làm gợi ra một cách nghĩ khác về giải pháp “chấn hưng” giáo dục đại học nói chung và đào tạo nhân lực CNTT nói riêng, nhất là trong bối cảnh sinh viên CNTT tốt nghiệp liên tục bị các doanh nghiệp CNTT phàn nàn là yếu về ngoại ngữ, thiếu kinh nghiệm thực tế.
Theo www.pcworld.com.vn