- Thưa Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, tháng 9 năm ngoái, Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Vậy theo Bộ trưởng, “nước mạnh về CNTT” ở đây có nghĩa là gì?
- Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT có thể nói được thai nghén rất công phu, trí tuệ, trách nhiệm trong 18 tháng kể từ khi Bộ khởi động chủ trương cho đến khi Chính phủ thông qua từ tháng 4-2009 đến tháng 9-2010. Đó là quá trình tập hợp trí tuệ, xác định quyết tâm, thảo luận hành động, góp ý xây dựng. Có thể coi đây là trí tuệ, sức mạnh, quyết tâm của những người làm CNTT nước nhà, thế hệ trẻ Việt Nam, hệ thống chính trị Việt Nam và nhân dân, đồng chí đồng bào cả nước. Triển khai đề án là nhiệm vụ trung tâm của nước ta từ nay đến năm 2020. Đề án cũng thể hiện khát vọng của thế hệ trẻ Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng của chúng ta trên trường quốc tế trong nhiều lĩnh vực, trong đó có CNTT.
Về khái niệm “quốc gia mạnh về CNTT”, chúng tôi tạm thời chia 192 nước trên thế giới làm ba nhóm, mỗi nhóm 64 nước: nhóm những nước đi đầu, những nước trung bình và những nước chậm phát triển hơn. Chúng ta đang ở nhóm các nước trung bình. Chúng ta phải phấn đấu lên tốp 64 nước đi đầu thì được coi là nước mạnh về CNTT.
- Chúng ta lấy tiêu chuẩn nào trên thế giới để xếp hạng các nước về CNTT, thưa Bộ trưởng?
- Thứ hạng này do Liên minh viễn thông quốc tế ITU xếp. Trong bảng xếp hạng năm 2010 chúng ta đứng thứ 83, tăng 11-12 bậc. Khi chúng ta chưa có đề án này, hoàn toàn phát triển tự nhiên, chúng ta đã tăng mỗi năm 10 bậc. Tất nhiên càng về sau càng khó hơn, nhưng tôi tin rằng khi có chỉ đạo, đầu tư thì mục tiêu phấn đấu sẽ cao hơn, từ vị trí 81-83 lên vị trí thứ 65 vào năm 2015 là hoàn toàn có thể đạt được. Và việc chúng ta phấn đấu đứng thứ 60, thậm chí 55 vào năm 2020 hoàn toàn trong tầm tay. Đó không chỉ là phấn đấu của chúng ta mà là sự nhìn nhận của bạn bè thế giới.
- Thưa Bộ trưởng, Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT tập trung vào những mục tiêu chính nào?
- Đề án tập trung vào sáu mục tiêu chính: Thứ nhất là đào tạo nhân lực, được coi là yếu tố quyết định thành công và là nhiệm vụ lớn nhất. Chúng tôi đã triệu tập cuộc họp các hiệu trưởng trường CNTT để triển khai. Hiện nay, chúng ta có khoảng 226.000 kỹ sư CNTT hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp phần mềm, công nghiệp phần cứng và nội dung số. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 có khoảng hơn 50 vạn kỹ sư CNTT và năm 2020 có khoảng hơn 1 triệu kỹ sư CNTT. Nếu làm được điều này, chúng ta có thể có những giá trị tương xứng tương đương với chất lượng của lực lượng lao động này.
Mục tiêu thứ hai là phát triển hạ tầng băng thông rộng, đây có thể nói là nền tảng của mọi sự phát triển. Chúng ta phải đi nhanh trong lĩnh vực này, làm sao băng thông rộng đến được cơ sở, thôn bản, hộ gia đình, tạo nền tảng cho sự phát triển trong lĩnh vực CNTT-TT.
Mục tiêu thứ ba là sản xuất công nghiệp CNTT, cả phần cứng, phần mềm và nội dung số, trong đó trọng tâm vẫn là phát triển công nghiệp phần mềm vì đó là thế mạnh của chúng ta. Công nghiệp phần cứng chủ yếu tập trung cho công nghệ lõi, công nghệ nguồn và công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Mục tiêu thứ tư là ứng dụng CNTT xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT). Hiện nay, CPĐT mới đến cấp huyện, mục tiêu là năm 2015 CPĐT phải với đến xã, thôn, xóm. Muốn có CP ĐT phải có công dân điện tử, vì thế phải đào tạo người dân. Phải đưa ứng dụng CNTT đến cho người dân.
Mục tiêu thứ năm là đưa các thiết bị nghe nhìn đến hộ gia đình. Chủ tịch ITU có nói với chúng tôi là nếu Việt Nam đưa được các thiết bị nghe nhìn đến hộ gia đình thì sẽ trở thành một trong những quốc gia văn minh của loài người. Các phương tiện như đài phát thanh, ti vi, máy tính, interrnet, điện thoại nếu về đến hộ gia đình thì có thể nói chúng ta đã làm cuộc cách mạng văn hóa tư tưởng thành công từ TƯ đến địa phương.
Nhiệm vụ thứ sáu là xây dựng các tập đoàn mạnh về CNTT từ quốc gia và vươn ra tầm quốc tế. Làm thế nào để đến năm 2015 có nhiều DN đạt doanh thu 10 tỷ USD trở lên và 2020 thì có nhiều DN đạt doanh thu 15 tỷ USD trở lên. Thực sự, lúc đó chúng ta mới có DN mạnh của quốc gia mạnh về CNTT.
- Bộ TT-TT được giao chủ trì thực hiện đề án này. Trong năm 2011 là năm khởi động của Đề án, Bộ đã được thực hiện được những gì? Sự phối hợp giữa Bộ và các ban ngành liên quan đã được triển khai đến đâu, thưa Bộ trưởng?
- Đề án được thông qua có thể nói chủ trương đã được thông qua. Nhưng chủ trương một biện pháp phải mười thì chủ trương đó mới đi vào cuộc sống. Vì thế Bộ TT-TT đã làm những việc cần thiết, năm 2010 đã tổ chức họp báo thông báo ý nghĩa, mục đích, nhiệm vụ của đề án.
Việc thứ hai Bộ đang tập trung làm là thảo luận, đăng ký, tổ chức thực hiện đề án này. Bộ đã và đang tổ chức bốn hội nghị có tính chất chuyên đề và phải làm tất cả trong quý một để ba quý còn lại trong năm nay triển khai.
Ngày 9-3 đã diễn ra Hội nghị đầu tiên là các DN CNTT-TT toàn quốc với sự tham gia của 200 DN. Hội nghị thứ hai cũng đã diễn ra vào ngày 18-3 vừa qua lấy ý kiến của hiệu trưởng và chủ nhiệm các khoa CNTT của 150 trường ĐH. Lần đầu tiên Bộ TT-TT mời không phải với tư cách Bộ chủ quản mà là Bộ triển khai đề án.
Hội nghị thứ ba vào 31-3 tới với khách mời là các DN nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT tại Việt Nam cùng các đại sứ quán có DN. Đây cũng là Hội nghị để đăng ký, quán triệt, tổ chức thi đua thực hiện. Tôi nghĩ các DN nước ngoài cũng muốn tham gia đề án này, và đã rất nhiều DN đăng ký tham gia, coi đề án này của Việt Nam cũng là cơ hội của các DN nước ngoài.
Hội nghị cuối cùng dự kiến tổ chức vào ngày 2-4 tới của các giám đốc sở trong cả nước để xác định các địa phương làm những gì trong đề án này.
Như vậy, cả DN và địa phương cùng vào cuộc để thực hiện đề án này. Đây cũng là đề án từ lúc quán triệt đến lúc tổ chức thực hiện nhanh nhất. Tôi hy vọng năm 2011 sẽ có những thành quả bước đầu và làm nền tảng cho những năm tiếp theo.
- Có thể nói đây là đề án công phu nhất từ trước đến nay trong ngành CNTT, cũng là đề án được kỳ vọng nhất. Trong các yếu tố để thực hiện đề án này, theo Bộ trưởng, đâu là yếu tố phải tập trung kiên quyết nhất?
- Tôi nghĩ để thực hiện tốt đề án này có ba việc phải tập trung. Thứ nhất là nhận thức về đề án. Bước này chúng ta đang làm và tiếp tục phải làm, vì nhận thức là chìa khóa của hành động và hành động là thước đo của nhận thức. Việc thứ hai là xác định những nhiệm vụ phải làm đối với các DN, trường ĐH. Việc thứ ba quan trọng nhất là tháo gỡ cơ chế chính sách đề DN làm nhanh, mạnh hơn. Bộ đang tập hợp ý kiến của tất cả các bên và phân loại xem chính sách nào do ai tháo gỡ, nếu tháo gỡ được sẽ có bứt phá nhanh và mạnh trong lĩnh vực này.
- Một trong những mục tiêu quan trọng của đề án là đào tạo nguồn nhân lực. Thưa Bộ trưởng, con số 1 triệu nhân lực vào năm 2020 có khả thi không? Sau cuộc họp với các trường ĐH thì các trường đều nhận định thí sinh đăng ký vào ngành này đang giảm, điều đó có ảnh hưởng đến chất lượng của ngành CNTT không?
- Có thể nói, đào tạo nguồn nhân lực là nhân tố đầu tiên và quyết định của đề án này. So năm 2010 và năm 2000 thì nguồn nhân lực đã tăng 13 lần, năm 2010 đã có 226.000 nhân lực CNTT đang tác nghiệp trong tất cả các DN và cơ quan Nhà nước. Đến năm 2015, chúng ta dự kiến sẽ có 50 vạn, gần cấp đôi thì tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được nếu so với tuần tự giai đoạn trước. Mà giai đoạn trước phát triển một cách tự phát còn bây giờ chúng ta tự chủ thì chắc chắn sẽ khác, và mục tiêu đến 2020 có 1 triệu lao động có thể trở thành hiện thực được.
Nhưng khó khăn hiện nay là phân công đào tạo chưa cụ thể, nói cách khác chưa có trọng tài của đào tạo. Bộ TT-TT sẽ làm trọng tài cho việc này. Bộ đã đưa ra ý kiến thành lập Hiệp hội hiệu trưởng các trường đào tạo nhân lực CNTT. Nếu có vướng mắc Bộ sẽ cùng Hiệp hội này tháo gỡ, từ vấn đề tuyển sinh đến giáo trình, đến kinh nghiệm đào tạo, hợp tác đào với các trường trên thế giới…
Về tuyển sinh, hầu hết các trường đề nghị tuyển sinh vào khoa CNTT nên thi ba môn: Toán, Lý và Ngoại ngữ thay cho Hóa, vì Hóa không tác dụng cho ngành CNTT. Chúng tôi đồng tình với đề nghị này và sẽ có kiến nghị sớm với Bộ GD-ĐT để tuyển sinh thi vào khoa CNTT bằng môn A “phẩy”. Vì thực tế cho thấy tất cả những ai học ngoại ngữ tốt thì học CNTT rất nhanh. Đề nghị này đã được các khoa CNTT đề xuất từ ba năm trước nhưng chưa được Bộ GD-ĐT đồng ý, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị để Bộ GD-ĐT sớm thông qua.
- Đề án này được triển khai trong thời điểm Việt Nam được nhận định là thời cơ vàng” để phát triển lĩnh vực CNTT-TT. Bộ trưởng nhận định như thế nào về vấn đề này?
- Tất cả các quốc gia đi qua chiến tranh đều tổn thất, mất mát, hy sinh, đó là điều không nên có. Nhưng lịch sử thường có sự bù đắp, 30 năm sau khi kết thúc chiến tranh thì những quốc gia đó là quốc gia có nguồn nhân lực trẻ, và có cơ hội ngàn vàng về chất lượng lao động. Tất cả những nước đi qua chiến tranh đều có cơ hội này, nhưng không phải nước nào cũng đều tận dụng tốt cơ hội. Nhiều nước trên thế giới đã tận dụng tốt cơ hội như: Nhật Bản sau 30 năm kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai thì vào khoảng năm 1975 cất cánh, có nhiều nguyên nhân nhưng có nguyên nhân là lao động trẻ. Hàn Quốc sau 30 năm kết thúc chiên tranh giữa hai miền thì vào những năm 80 nước này cũng cất cánh.
Việt Nam sau khi kết thúc chiến tranh thì vào năm 2005 cũng có những dấu hiệu phát triển rất nhanh bằng lao động trẻ vì họ có nghị lực, quyết tâm, hoài bão, ý chí và sức trẻ. Với lợi thế của tuổi trẻ, nếu tại thời điểm đó tạo được sự đồng thuận lợi ích để phát triển nhanh thì sẽ tạo thành lợi thế của cả dân tộc. Bây giờ chúng ta đang ở trong giai đoạn này, cơ hội này chỉ kéo dài 15-20 năm nữa thôi, nếu chúng ta không chớp cơ hội để thay đổi thứ hạng thì sẽ bỏ qua cơ hội ngàn vàng không bao giờ trở lại. Nói cách khác, nếu chúng ta không chớp cơ hội này thì sẽ có tội với lịch sử, có lỗi với thế hệ mai sau và có lỗi với cơ hội của đất nước. Chúng ta cần tận dụng triệt để để thay đổi thứ hạng của mình trên trường quốc tế, và đó chính là chúng ta thực hiện bằng được khát vọng của Bác Hồ là đưa nước ta sánh với các cường quốc năm châu.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!