|
Cán bộ Trung tâm Tin học và Thống kê hải quan khai thác số liệu thống kê (Năm 1997) |
Truyền thống và nét riêng biệt
Dù Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan (Cục CNTT&TKHQ) mới tròn 10 tuổi, nhưng bất cứ ai là thành viên của đơn vị này cũng đều có quyền tự hào về truyền thống quý báu mà các thế hệ cha anh đã để lại. Trước hết, đây chính là một trong những đơn vị đầu tiên trong lĩnh vực công nghệ thông tin được thành lập ở cấp Cục tại các cơ quan Bộ, ngành của chính phủ (theo Quyết định số 40/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Đặc biệt, khác với những cục ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của các Bộ, ngành khác, Cục CNTT và Thống kê Hải quan còn thực hiện một chức năng vô cùng quan trọng khác là thống kê nhà nước trong lĩnh vực hải quan. Điều này đã làm nên truyền thống và bản sắc riêng biệt mà chỉ đơn vị mới có.
Ban đầu chỉ là một Tổ máy tính điện tử thuộc Văn phòng Tổng cục (năm 1987) với nhân sự vỏn vẹn 03 người và nhiệm vụ cốt lõi là đưa ứng dụng điện toán vào công tác quản lý hải quan. 03 năm sau đó, Tổ được nâng lên cấp phòng, là Phòng Thống kê - Máy tính. Đến năm 1994, Trung tâm Tin học và Thống kê hải quan được thành lập, là nền tảng quan trọng để trở thành một cục nghiệp vụ tham mưu, giúp việc cho Tổng cục Hải quan, đó là Cục CNTT&TKHQ hiện nay.
Đến nay, Cục CNTT&TKHQ đã được hoàn thiện về tổ chức, nguồn cán bộ tăng cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo triển khai thành công các nhiệm vụ ngày càng khó khăn hơn. Cả đội ngũ lãnh đạo và công chức của Cục đều có trình độ cao, kỹ năng làm việc thành thạo, tâm huyết với nghề và không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ về mọi mặt. Năm thành lập Cục (2001) chỉ có 28/29 người có trình độ đại học thì đến nay đã có thêm 11 cán bộ có trình độ trên đại học (Thạc sỹ, Tiến sỹ) và 12 cán bộ đang theo học các chương trình đào tạo Thạc sỹ. Đặc biệt, đội ngũ lãnh đạo đang được trẻ hóa, những người trẻ tuổi được tin cậy giao trọng trách để phát huy tốt hơn sức mạnh và tinh thần học hỏi trước sự biến động không ngừng của xã hội cũng như lĩnh vực CNTT.
Chính vì vậy mà chỉ sau 2 năm thành lập, Cục CNTT&TKHQ đã giúp cho ngành Hải quan được xếp vào hàng “Top Ten” trong bảng xếp hạng ứng dụng CNTT do Hội Tin học Việt Nam đánh giá. Năm 2007, Cục CNTT&TKHQ đã có công lao đóng góp trong việc Tổng cục Hải quan được xếp thứ nhất trong Bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT của ngành Tài chính năm 2007 (ICT Index in Finance 2007) do Bộ Tài chính đánh giá. Năm 2009, trong lễ trao giải CNTT- Vietnam ICT Awards, Tổng cục Hải quan đã vượt qua hàng trăm hồ sơ tham dự để nhận được giải thưởng cao nhất đó là “Cơ quan Trung ương ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả nhất”. Giải thưởng là sự ghi nhận của xã hội đối với quá trình nỗ lực phấn đấu của Tổng cục Hải quan nói chung và những người làm công tác CNTT Hải quan nói riêng và là dấu mốc nhấn mạnh sự phát triển liên tục và bền vững trong lĩnh vực ứng dụng CNTT vào các hoạt động quản lý, hoạt động nghiệp vụ Hải quan.
Lễ trao giải CNTT- Vietnam ICT Awards
Thành tựu của một thập kỷ phấn đấu
Nói những thành tựu của Cục CNTT&TKHQ chỉ là của một thập kỷ phấn đấu từ khi thành lập đến nay thì chưa hẳn đúng, bởi có được kết quả ấy còn có nền móng từ những ngày đầu sơ khai. Thế nhưng, quả thực là 10 năm gần đây, cùng với bước chuyển đáng kể của CNTT thế giới và nước nhà, công tác ứng dụng CNTT trong ngành Hải quan cũng mới thực sự khởi sắc.
Trong 10 năm qua (2001 - 2011) công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý Hải quan đã có những bước tiến vượt bậc, từ chỗ việc ứng dụng chủ yếu phục vụ công tác báo cáo thống kê (vào những năm trước 1999), đến nay các hệ thống ứng dụng CNTT đã có mặt tại tất cả các khâu trong qui trình nghiệp vụ hải quan và là công cụ hỗ trợ không thể thiếu đối với cán bộ hải quan.
Năm 1999, ngành Hải quan có bước thay đổi lớn trong công tác thu và quản lý các khoản thu liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), đó là triển khai qui trình hành thu với đặc trưng là chuyển công tác thu thuế từ cấp Cục xuống cấp Chi cục. Chuẩn bị cho thay đổi lớn này, từ cuối năm 1998, Cục CNTT&TKHQ đã hoàn thành việc xây dựng phiên bản đầu tiên của Hệ thống KT559, cho phép tự động hạch toán kế toán đối với tất cả các nghiệp vụ phát sinh liên quan đến các khoản thu của Ngành Hải quan; Tự động theo dõi các khoản nợ thuế; Tự động tính phạt chậm nộp thuế theo qui định; Truyền dữ liệu chi tiết, danh sách tờ khai nợ thuế, bảng cân đối kế toán và các báo cáo khác giữa các cấp trong ngành Hải quan (Chi cục, Cục, Tổng cục). Nhờ hệ thống KT559, chất lượng công tác quản lý thu trong ngành được nâng cao vượt bậc. Cho đến thời điểm hiện nay, tuy bộc lộ một số hạn chế nhưng hệ thống KT559 đã được sửa chữa kịp thời và vẫn là một trong những hệ thống cốt lõi không thể thiếu của ngành.
Luật Hải quan năm 2000 có một thay đổi lớn là đưa vào yếu tố đánh giá quá trình chấp hành pháp luật của doanh nghiệp khi xét ưu tiên làm thủ tục Hải quan. Cục CNTT&TKHQ đã hoàn thành và đưa vào triển khai trên phạm vi toàn quốc hệ thống Quản lý thông tin vi phạm, góp phần triển khai thành công Luật Hải quan năm 2000, giúp cho ngành có đánh giá chính xác hơn đối với các doanh nghiệp XNK, từ đó có ứng xử phù hợp trong quá trình quản lý hàng hóa XNK.
Bước vào giai đoạn 2001-2004, ngành Hải quan đẩy mạnh hơn nữa công tác tin học hóa các khâu nghiệp vụ. Trong giai đoạn này Cục CNTT&TKHQ đã xây dựng, triển khai thành công các phần mềm ứng dụng hỗ trợ công tác thanh khoản đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu và hệ thống hỗ trợ công tác quản lý giá tính thuế. Giai đoạn 2005-2006 đánh đấu sự thay đổi cơ bản về phương thức quản lý của Ngành Hải quan, chuyển từ phương thức quản lý hải quan truyền thống sang quản lý rủi ro. Điểm nổi bật trong quá trình phát triển CNTT của giai đoạn này được thể hiện qua việc triển khai 02 hệ thống ứng dụng: Hệ thống Quản lý rủi ro và Hệ thống Thông quan điện tử. Đặc biệt từ 2007-2009, công cuộc cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của ngành Hải quan được đẩy mạnh hơn hết. Kết quả nổi bật của Cục CNTT&TKHQ trong giai đoạn này là việc triển khai Hệ thống Khai hải quan điện tử, mở rộng hệ thống Thông quan điện tử và ứng dụng Hệ thống Tin học hóa văn phòng (Net Office). Đặc biệt là hệ thống thông quan điện tử, hiện nay đã được mở rộng tại 13 cục Hải quan tỉnh, thành phố trọng điểm, bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lào Cao, Hà Tĩnh, Cần Thơ. Trong đó có tới 8 đơn vị triển khai tại 100% Chi cục, là Bình Dương, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Cần Thơ, Quảng Ninh và Lạng Sơn. Hệ thống thông quan điện tử được đưa vào hoạt động đã giúp cơ quan hải quan quản lý vừa chặt chẽ lại vừa thuận lợi, còn doanh nghiệp thì làm thủ tục hải quan nhanh hơn và chính xác hơn, giảm phiền hà.
Bên cạnh đó, Cục CNTT&TKHQ còn thực hiện báo cáo đầy đủ, chính xác và kịp thời báo cáo thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu phục vụ cho việc quản lý và điều hành kinh tế đối ngoại của Đảng và Nhà nước cũng như các Bộ, ngành liên quan. Các thông tin này đã được người sử dụng số liệu thống kê đánh giá là một trong những nguồn số liệu kinh tế vĩ mô được đánh giá cao về chất lượng và thời gian. Uy tín của số liệu thống kê do ngành Hải quan sản xuất ngày càng tăng.
Nhiệm vụ phía trước
Tuy nhiên, phía trước vẫn còn những nhiệm vụ rất khó khăn và không ít thách thức đón đợi những người làm công tác CNTT và Thống kê Hải quan. CNTT càng phát triển lớn mạnh thì vấn đề an ninh, an toàn lại đặt ra càng cao hơn. Để giải quyết khó khăn này, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất phải kể đến chính là quan tâm phát triển, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ. Hiện nay, trong toàn ngành có khoảng 700 cán bộ làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và thống kê. Trong thời gian tới, một trong những nhiệm vụ lớn của Cục đó là thống nhất hoạt động của đội ngũ cán bộ tin học từ trung ương đến các cửa khẩu nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động được thông suốt, nâng cao uy tín của lĩnh vực CNTT, khẳng định CNTT là công cụ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng Hải quan Việt Nam trở thành lực lượng chuyên môn sâu, hoạt động có hiệu quả, hiện đại và văn minh.
Tập thể cán bộ Cục CNTT và Thống kê Hải quan năm 2011
Theo www.customs.gov.vn