Trong khi người tiêu dùng dự đoán thời điểm 1/1/2007 giá máy tính sẽ giảm như các mặt hàng điện máy đang ồ ạt khuyến mãi thì các nhà cung cấp, các chuyên gia trong ngành lại cho rằng WTO sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá linh kiện và thuế nhập khẩu, 2 thành phần chính tạo thành giá của máy tính. Ông Thân Trọng Phúc, Tổng Giám đốc Intel Việt Nam cho biết: “Giá linh kiện chỉ giảm khi có sự thay đổi, cải tiến công nghệ với trung bình khoảng 12 - 18 tháng. Intel không có lộ trình giảm giá CPU, Mainboard và việc kinh doanh của nhà sản xuất cũng hoàn toàn không phụ thuộc vào Việt Nam gia nhập WTO”.
Hiện tại, thuế nhập khầu linh kiện máy tính đang ở mức 0-10%, CPU và RAM được miễn thuế từ khá lâu, trong khi mainboard chịu thuế chỉ 5%. Đến năm 2010, thuế xuất nhập khẩu linh kiện còn 0 - 5%. Điều này không đồng nghĩa với việc thuế linh kiện máy tính sẽ giảm ngay khi Việt Nam là thành viên của WTO.
Theo ông Lê Thanh Hùng, Tổng Giám đốc công ty T&H thì công nghệ thông tin, viễn thông là công cụ cho mọi doanh nghiệp nên thị trường này sẽ phát triển mạnh hơn, đặc biệt là với khối doanh nghiệp khi Việt Nam đã gia nhập WTO. “Tuy nhiên, giá máy tính sẽ không giảm hơn được nữa, đặc biệt là desktop bởi giá linh kiện độc lập, thuế nhập khẩu không thay đổi nhiều, thuế phần mềm đã là 0% trong khi dịch vụ cũng giảm ở mức tối thiểu để cạnh tranh nhau”, ông Hùng phân tích.
Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Informations Hoàng Quốc Việt cũng cho rằng: “Người tiêu dùng nên chú trọng mục đích sử dụng, giá trị mang lại khi sở hữu máy tính thay vì cứ chờ giá giảm. Nếu tính cả phần mềm có bản quyền thì giá máy tính sẽ tăng, hoàn toàn ngược lại với mong đợi của người tiêu dùng”.
Khi cánh cửa WTO đã rộng mở thì bản quyền phần mềm là một thách thức lớn với các doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng là cơ hội kinh doanh cho các nhà cung cấp giải pháp phần mềm. Tuy nhiên, điều khiến các công ty máy tính lắp ráp tại Việt Nam như T&H, CMS, Khai Trí, Nguyễn Hoàng… thực sự lo ngại là khả năng cạnh tranh khi các nhà cung cấp lớn từ nước ngoài đổ vào. 80% thị trường máy tính để bàn thuộc về công ty máy tính Việt Nam đang đối diện với nguy cơ lấn lướt từ laptop, mà phần lớn thị trường máy tính xách tay thuộc về các hãng nước ngoài.
Theo Dân trí