|
Hội nghị tham vấn về hỗ trợ của Ngân hàng thế giới (WB) cho phát triển ICT ở Việt Nam giai đoạn tiếp theo. Ảnh: H.T |
Sáng 18/3 tại Hà Nội, WB đã tổ chức hội nghị tham vấn về hỗ trợ phát triển ICT ở Việt Nam giai đoạn tiếp theo. Đại diện WB, bà Natasha Beschorner, điều phối viên khu vực phụ trách mảng CNTT-TT của WB tại Đông Á và Thái Bình Dương cho biết, hiện nay WB đang xây dựng chiến lược mới về phát triển CNTT-TT hỗ trợ cho sự phát triển xã hội của các quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Dự kiến đến khoảng tháng 5/2011, WB sẽ ra Dự thảo chiến lược và đến tháng 7/2011 sẽ tiến hành tham vấn toàn cầu đối với Dự thảo chiến lược hoàn chỉnh. Vì thế, trong thời gian này, WB đang tiến hành tham vấn trong nội bộ và với bên ngoài để chuẩn bị cho chiến lược.
Chiến lược mới về phát triển CNTT-TT sẽ nhấn mạnh đến 3 vấn đề. Thứ nhất là kết nối, mở rộng tiếp cận của người dân với chi phí phải chăng đến mạng điện thoại, Internet tốc độ cao. Thứ hai sẽ là sử dụng CNTT-TT để sáng tạo trong toàn nền kinh tế và thúc đẩy phát triển của công nghiệp CNTT-TT. Thứ ba là đổi mới, sử dụng các ứng dụng CNTT-TT để đổi mới cách thức vận hành các lĩnh vực và cách thức cung cấp dịch vụ công để đạt được tác động phát triển cao hơn.
Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ TT&TT) cho rằng thời điểm WB tham vấn và chuẩn bị chiến lược CNTT-TT rất hợp lý, bởi đây cũng là thời điểm các quốc gia đang đặt ra các chiến lược phát triển cho giai đoạn mới, giai đoạn 2010-2020. Tại Hội nghị, ông Hải đã chia sẻ với WB về những mục tiêu phát triển chính của chính phủ Việt Nam trong phát triển CNTT-TT, đặc biệt là Đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT vào năm 2020. Nhiều đại biểu cho rằng trong thời điểm hiện nay WB không nên tập trung nhiều vào đầu tư hạ tầng, mà nên đầu tư hỗ trợ các nước phát triển nội dung số, dịch vụ CNTT cũng như truyền đạt kinh nghiệm và cách thức triển khai dự án.
Ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã đề xuất WB nên có những chương trình, chiến lược đầu tư vào nội dung số. Cụ thể hơn, đối với ngành giáo dục cũng như với việc phát triển nguồn nhân lực, ông Ngọc cho rằng WB nên tạo ra một kho dữ liệu sách giáo khoa số.
“Đó chính là hệ thống sách giáo khoa điện tử bằng tiếng Anh, cho cả toàn cầu”. Ông Ngọc cho rằng WB không cần phải dịch hệ thống sách giáo khoa điện tử đó ra tiếng Việt, mà việc dịch đó sẽ do các quốc gia tự làm, nếu thấy cần thiết. Dự án này sẽ có lợi cho tất cả các quốc gia trên thế giới, sẽ “xứng tầm” với WB hơn và lợi ích cũng rõ ràng, thiết thực hơn, ông Ngọc nói.
Theo www.ictnews.vn