Mở đầu hội nghị, Thứ trưởng Trần Đức Lai đã trình bày báo cáo Đề án nước mạnh về CNTT, thực trạng, nhu cầu và một số kiến nghị phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt Nam trong thời gian tới. Đề án này được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt ngày 22/9/2010. Mục tiêu tổng quát của đề án là phát triển nguồn nhân lực CNTT đạt tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ứng dụng hiệu quả CNTT trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh.
Quy mô đào tạo nguồn nhân lực CNTT hiện nay ngày càng lớn, số lượng các trường có đào tạo CNTT tăng dần đến 2009 là 271 trường, trong 7 năm từ 2006-2012 cho ra trường hơn 273 ngàn sinh viên CNTT. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, khả năng giao tiếp ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh còn kém, kỹ năng phần mềm như trình bày, làm việc nhóm còn thiếu; thiếu kiến thức, khả năng tư duy và làm việc độc lập.
Nhu cầu nguồn nhân lực CNTT trong thời gian tới vẫn tiếp tục tăng. Theo dự báo từ nay đến năm 2015 cần bổ sung cho các doanh nghiệp CNTT 334 ngàn người trong đó 73% là trình độ chuyên môn về CNTT, điện tử, viễn thông. Ở khu vực ứng dụng CNTT cần bổ sung thêm 536 ngàn người. Theo số liệu của Hội nghị đào tạo CNTT quốc tế thì đến 2020 thế giới thiếu 10 triệu lao động có trình độ đại học CNTT. Những thống kê trên cho thấy thế giới đang thiếu hụt nhân lực CNTT và đây là một cơ hội cho Việt Nam tham gia thị trường lao động CNTT quốc tế.
Đại điện các trường đào tạo CNTT đã phát biểu tham luận về thực trạng đào tạo và một số kiến nghị để phát triển nguồn nhân lực CNTT. Ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT đề xuất nên quản lý nhà nước về đào tạo CNTT như quản lý một ngành dịch vụ đa thành phần chứ không phải như một dạng dịch vụ công, một dạng phúc lợi xã hội; rà soát và gỡ bỏ nhanh các rào cản mang tính phi thị trường nhằm tăng cường xã hội hóa, thu hút đầu tư, phát triển và mở rộng hệ thống đào tạo nhân lực CNTT-TT. Nên có ưu đãi tài chính như: tín dụng sinh viên CNTT-TT theo mô hình kích cầu, hỗ trợ một phần học phí cho sinh viên; có chính sách thuế ưu đãi, vay vốn kích cầu cho nhà đầu tư đào tạo CNTT; giảm thuế thu nhập cá nhân 50% cho nhà giáo CNTT và người làm trong ngành. Ông Tùng cũng đề nghị thành lập Vụ phát triển nhân lực CNTT-TT; hỗ trợ thành lập Khu đào tạo CNTT-TT và ngoại ngữ tập trung; ưu tiên đa dạng hóa liên kết, hợp tác hoạt động doanh nghiệp, viện nghiên cứu, nhà trường…
Ông Phí Đắc Hải, Hiệu trưởng Trường cao đẳng CNTT hữu nghị Việt Hàn đề nghị đầu tư có trọng tâm. Về chính sách, Bộ nên có định hướng tập trung vào phát triển lĩnh vực ứng dụng để từ đó, các cơ sở giáo dục định hướng xây dựng chương trình đào tạo. Về kinh phí, dành kinh phí thỏa đáng của đề án để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường trọng điểm; lựa chọn đầu tư các trường trọng điểm cả 3 miền.
Ông Huỳnh Hữu Tuệ, Hiệu trưởng Đại học Bắc Hà đã đóng góp ý kiến về đổi mới tư duy và phương pháp đào tạo tiếng Anh. Đó là chú trọng quan tâm đến học lực của từng sinh viên, giới hạn lớp dưới 20 sinh viên, tăng giờ học lên 10-20 giờ/tuần, mời giáo viên bản ngữ, bỏ cách chấm điểm, kiểm tra cuối kỳ thông thường, học song ngữ: nghe giảng bằng tiếng Việt nhưng lại dùng giáo trình tiếng Anh, đến năm thứ hai là học song ngữ nghe giảng bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt, năm thứ ba là viết bằng tiếng Anh, làm mọi bài tập bằng tiếng Anh. Đến năm thứ tư là hoàn thiện các kỹ năng. Cách đào tạo này kinh phí rất lớn song hiệu quả thực tiễn cao. Đại học Hà Nội cũng đóng góp ý kiến về đào tạo tiếng Anh chuyên ngành CNTT như việc soạn giáo trình riêng, xây dựng chuẩn tiếng Anh CNTT.
Ông Vũ Tuấn Lâm, Học viện BCVT, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Bưu điện, đề xuất mức thu học phí cần cao hơn do đòi hỏi đào tạo phải có nhiều kỹ năng đặc biệt. Liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo sẽ giải quyết đồng bộ những tồn tại trong đào tạo CNTT hiện nay.
Ông Nguyễn Thượng Hải, Giám đốc phụ trách giáo dục Intel Việt Nam trình bày giải pháp của Intel là chọn những học sinh xuất sắc năm thứ 2 đưa sang đào tạo tiếp tại Mỹ 2 năm cuối, sau khi tốt nghiệp quay trở lại Việt Nam làm việc, hợp tác với Bộ Giáo dục & Đào tạo đưa giáo viên sang giảng dạy tại đại học của Mỹ để tiếp cận với phương pháp giảng dạy hiện đại.
Ông Trần Lương Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP phần mềm Việt (Vietsoftware) đưa ra ý kiến nên bắt đầu từ chính sách. Ông Phan Phương Đạt, Phó Tổng giám đốc FPT Software đã nêu số lượng cụ thể nhu cầu nhân lực của công ty hàng năm. Số liệu này cũng cho thấy các doanh nghiệp CNTT có ít sự lựa chọn trong tuyển dụng. Tạm ước tính cứ 1 vị trí làm tại công ty có khoảng 7 sinh viên ứng cử (con số này tại Ấn Độ là hơn 100).
Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ Đỗ Văn Xê cho rằng đồng bằng sông Cửu Long chiếm 20% dân số, để triển khai đưa Internet về hộ gia đình cái khó khăn là máy tính, cần lưu ý đến phần mềm nguồn mở như vậy chương trình đào tạo cần bám sát nhu cầu thực tiễn này.
Một số doanh nghiệp khác cũng đề xuất phải xã hội hóa giáo dục, hợp tác với các doanh nghiệp để có nguồn kinh phí. Đào tạo phải ưu tiên phát triển cao đẳng.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Bộ trưởng cũng khẳng định Việt Nam có nhiều lợi thế trong phát triển CNTT như thế hệ trẻ đam mê học hỏi, lĩnh vực CNTT vẫn hứa hẹn nhiều doanh thu, vị trí làm việc hấp dẫn, CNTT trong nước phát triển nhanh. Bộ TT&TT phải có tư duy tiến công, triển khai Đề án này cố gắng xong trong quý I/2011. Tuy nhiên, những khó khăn còn nhiều như chất lượng đào tạo chưa cao, tính chuyên nghiệp, kỷ luật, thể lực, trình độ ngoại ngữ của nguồn nhân lực được đào tạo chưa cao. Còn thiếu cơ quan làm trọng tài cho lĩnh vực đào tạo CNTT, do đó Bộ TT&TT sẽ nhận trách nhiệm này. Liên thông và liên kết trong đào tạo hiện nay làm chưa tốt. Đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất còn bất cập so với yêu cầu, thiếu đồng bộ. Từ bài học thành công của các cơ sở đào tạo đều cho thấy chọn đúng cán bộ lãnh đạo, chủ trì; nâng chất lượng đội ngũ giáo viên, chọn đúng giáo trình hiện đại; tăng cường chất lượng thi; tiếp tục xã hội hóa và cuối cùng là phải có bàn tay can thiệp của Nhà nước.
Về giải pháp, Bộ trưởng chỉ đạo sắp tới, phải chuyển mạnh nhận thức về công tác đào tạo trong tình hình mới. Trong sáu nhiệm vụ của Đề án thì nhiệm vụ số một là đào tạo. Chính phủ tập trung lo quy hoạch, đào tạo, thể chế, giám sát khen chê thưởng phạt. Mạnh dạn trong đào tạo, không thụ động. Tăng cường liên thông liên kết trong đào tạo. Tăng cường tính trách nhiệm với các cơ quan chủ trì. Mạnh dạn hợp tác với các trường có thương hiệu. Thành lập hiệp hội đào tạo công nghệ thông tin quốc gia. Mở rộng thị trường đào tạo, tìm nguồn lực và đối tượng đào tạo. Khuyến khích người giàu đầu tư vào đào tạo CNTT. Tháo gỡ cơ chế chính sách và thể chế: chính sách thuê chuyên gia đào tạo, chính sách dịch giáo trình, giáo án nước ngoài, hỗ trợ kinh phí đào tạo, chính sách cho giáo viên. Bộ TT&TT sẽ báo cáo chính phủ tôn trọng cơ chế thị trường trong đào tạo, chính sách cho người học (vay không lãi suất…) chính sách cho người dạy (qua cơ chế thuế). Bộ TT&TT là đầu mối về CNTT. Mục tiêu đào tạo phải rõ hơn. Về tuyển sinh sẽ đề nghị xem xét môn thi đầu vào cho hợp lý…
Theo www.mic.gov.vn