Tại sao cần chiến lược đầu tư quốc tế
Cuộc họp giữa Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT) với doanh nghiệp nhằm triển khai đề án Đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT-TT (đề án) vừa diễn ra. Tại đây, nhiều doanh nghiệp đã đóng góp ý kiến để việc triển khai đề án được mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel chia sẻ: “Đầu tư ra nước ngoài là nguồn tăng trưởng chính của Viettel. Doanh nghiệp chúng tôi sẽ phải cạnh tranh với những công ty công nghệ ở nước ngoài. Đây là một thách thức lớn”.
Do đó, ông Hùng cho rằng, Việt Nam cần có chiến lược quốc gia về đầu tư ra nước ngoài. Hơn nữa, các Đại sứ Việt Nam tại các nước, ngoài việc xúc tiến hoạt động mang tính chất chính trị, xã hội cần chú trọng đến xúc tiến thương mại.
Khi ta sang xứ người, chúng ta có thể còn cho nước sở tại vốn ODA. “Chúng tôi sẵn sàng đóng góp cho nguồn vốn này”, Phó tổng giám đốc Viettel nói.
Còn ông Dương Thế Lương, Giám đốc công ty VTC Intecom khẳng định: Thời gian tới, VTC sẽ xuất khẩu nội dung số ra nước ngoài. Thị trường chiến lược là các nước trong khối Asean +3. Hiện VTC đã có mặt tại 11 quốc gia.
Cụ thể, trong năm 2009, VTC Online đã thành lập 4 công ty con tại các nước: Hàn Quốc, Campuchia, Lào, Indonesia. Và chỉ sau 1 năm hoạt động, các công ty đã mang về doanh thu hơn 5 triệu USD. Năm 2010, VTC Online mở thêm 6 chi nhánh nữa tại Mỹ, Nga, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, nâng tổng số công ty con tại nước ngoài lên con số 10
Trước đó, tại một hội nghị khác, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng giám đốc VTC đã để xuất: “Để thực hiện chương trình tăng tốc phát triển CNTT từ Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT, đề nghị Bộ TT-TT đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc đưa dịch vụ viễn thông, nội dung số ra thị trường nước ngoài. Bộ TT-TT làm việc với Bộ Kế hoạch – Đầu tư để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tiến ra thị trường nước ngoài một cách chính quy.
“Ông nhớn” trong nước góp sức cho đề án
Ông Nguyễn Minh Dân, Ủy viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho rằng: Về nhiệm vụ thứ 3 trong đề án là tiếp tục phát triển và hoàn thiện hạ tầng viễn thông và CNTT. Theo nhiệm vụ này thì năm 2015, cơ bản hoàn thành việc phủ sóng mạng băng rộng 3G, 4G lên 85% khu vực dân cư. Và mục tiêu này, tôi cho rằng hoàn toàn khả thi.
Lãnh đạo VNPT cho biết: “Doanh thu từ băng rộng của VNPT chiếm 30% - 40% tổng doanh thu từ viễn thông. Dịch vụ phi thoại chiếm 30% - 40% doanh thu. Hiện nay, tại vùng đồng bằng cáp quang đã đến được 60%, vùng miền núi đã đến 40% các xã. Theo mục tiêu này, VNPT sẽ xây dựng các dự án để cùng các doanh nghiệp khác hoàn thành mục tiêu”.
“Chúng tôi rất hứng khởi để thực hiện mục tiêu vì những con số cụ thể về mục tiêu này được nêu ra và được quan tâm”.
Tuy nhiên, có những vấn đề khiến ông Dân trăn trở: Còn một vướng mắc là vấn đề dùng chung cơ sở hạ tầng. Ví dụ như dùng chung cột điện kéo dài mấy năm nay nhưng vẫn chưa giải quyết được. Ngoài ra, để xây dựng trạm BTS cũng khó khăn vì dân rất “rắn”. Chính quyền địa phương cần vào cuộc vì khi đủ giấy phép xây trạm BTS thì cần tiến hành làm.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel nói: Việc phổ cập mạng internet băng thông rộng liên quan đến 70 triệu máy di động kết nối 3G, 30 triệu máy tính. Vì vậy, Bộ TT-TT cần quy hoạch tần số cho doanh nghiệp mạnh để làm thì mục tiêu phủ sóng đến 85% dân số mới khả thi.
Ngoài ra, vấn đề giá dịch vụ rẻ cũng sẽ giúp thực hiện mục tiêu này. Viettel hiện có gói cước internet băng thông rộng chỉ có 30 ngàn đồng/tháng để sử dụng internet băng rộng di động. Trên thế giới sử dụng dịch vụ tương đương có mức giá thấp nhất là 300 ngàn đồng.
Thời gian tới, Viettel sẽ chế tạo thiết bị di động từ A-Z cả phần cứng và phần mềm, sau đó mang sang Trung Quốc lắp ráp. “Chúng tôi không yêu cầu chính phủ bù giá về hạ tầng cho doanh nghiệp vì hiện nay, hạ tầng đã tốt rồi. Nhưng rất cần Chính phủ bù giá cho thiết bị đầu cuối cũng như xây dựng các trung tâm công nghệ”, ông Hùng bày tỏ.
Còn ông Nguyễn Thành Nam, đại diện FPT cho rằng về mục tiêu phát triển nhân lực CNTT trong đề án để thực hiện được thì nhân lực làm việc trong lĩnh vực CNTT cần có khả năng ngoại ngữ. Đào tạo ra nhân lực làm sao phải đạt 70% có trình độ ngoại ngữ để làm việc được tại các doanh nghiệp quốc tế.
Ông Nam cũng kiến nghị Bộ TT-TT trình Chính phủ đưa ra những ưu đãi cho các doanh nghiệp mạnh dạn ứng dụng CNTT để tăng năng suất lao động.
Một trong những doanh nghiệp được nhắc đến trong đề án là VTC cũng có những hoạt động nhằm thúc đẩy mục tiêu trong đề án trở thành hiện thực. Ông Dương Thế Lương, Giám đốc VTC intecom chia sẻ về hoạt động của doanh nghiệp để đóng góp cho đề án: “Đến năm 2015, khoảng 10 triệu ngôi nhà số sẽ sử dụng công nghệ số và nội dung số của VTC. VTC sẽ cung cấp nội dung số, di động tốc độ cao, truyền hình cho thị trường trong nước và Asean + 3. Chúng tôi sẽ cung cấp các kho nội dung số như sách giáo khoa, truyện, sách tham khảo…”.
Theo www.mic.gov.vn