|
Phú Yên đang đẩy mạnh việc ứng dụng và phát triển CNTT tại địa phương. |
Hạ tầng thiếu, ứng dụng còn nghèo nàn
Ông Đinh Thanh Tịnh, Giám đốc Sở TT&TT Phú Yên cho biết: Đến nay hầu hết các cơ quan sở ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố đều có hệ thống mạng LAN, kết nối Internet ADSL băng rộng, trang bị máy vi tính và các thiết bị khác phục vụ nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật CNTT tại các cơ quan vẫn chưa được đầu tư đầy đủ và đồng bộ; một số máy chủ, trang thiết bị CNTT được đầu từ Đề án 112 đến nay đã lạc hậu, hư hỏng. Khảo sát gần đây tại 49 cơ quan sở, ban ngành, UBND huyện ở Phú Yên cho thấy toàn tỉnh có 3.273 cán bộ công nhân viên nhưng chỉ có 1.635 máy tính, tỷ lệ 0,5 máy/công chức.
Việc ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành qua mạng cũng chưa được triển khai rộng rãi ở các cơ quan nhà nước. Năm 2009, Phú Yên đã thực hiện thí điểm ứng dụng phần mềm văn phòng điện tử (E-office) tại 4 đơn vị (Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng UBND TP. Tuy Hoà, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở TT&TT) nhưng bước đầu chỉ xử lý, trao đổi văn bản trong nội bộ cơ quan, chưa trao đổi văn bản giữa các cơ quan nhà nước. Phú Yên cũng đã tạo lập hơn 2750 hộp thư điện tử cấp cho tất cả các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh, tuy nhiên tỉ lệ cơ quan, cán bộ công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử để trao đổi thông tin trong công việc còn thấp.
Bên cạnh đó, cổng thông tin điện tử của tỉnh chỉ ở mức độ cung cấp thông tin một chiều, thông tin chưa thật sự phong phú, các dịch vụ công cung cấp ở mức độ 1, rất ít sở ban ngành có website riêng, thậm chí các đơn vị đã có website thì lại chưa đưa vào các dịch vụ công phục vụ công tác “một cửa”, do đó chưa tạo được môi trường thuận lợi để người dân, doanh nghiệp trao đổi thông tin với cơ quan nhà nước qua mạng. Thêm vào đó, lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động ứng dụng CNTT vào công tác quản lý điều hành; trình độ CNTT của cán bộ công chức tại xã phường, thị trấn còn hạn chế nên rất khó đẩy mạnh thực hiện kế hoạch ứng dụng CNTT…
Tạo đà phát triển
Trước thực trạng trên, để tạo động lực cũng như hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển CNTT của Phú Yên, một Nghị quyết về phát triển CNTT giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí thông qua và được cụ thể hoá thành Quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển CNTT giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 của tỉnh Phú Yên với kinh phí thực hiện là 191 tỷ đồng.
Theo đó, đến năm 2015, hạ tầng CNTT được cải thiện đáng kể: 100% cơ quan từ cấp huyện trở lên có mạng cục bộ, kết nối Internet băng rộng và kết nối mạng diện rộng của tỉnh, 60% đơn vị cấp xã có mạng LAN, trên 50% kết nối Internet băng thông rộng, trên 60% các cơ quan có hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành; 100% thông tin chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo từ cấp bộ, cấp tỉnh được đưa lên cổng thông tin điện tử; 100% cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử cho công việc, huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa là trên 70%; tỷ lệ triển khai sử dụng phần mềm ứng dụng quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng cấp tỉnh là 100%, cấp huyện, thành phố, thị xã là trên 80%; nâng tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức lên hơn 90%; trên 90% doanh nghiệp đầu tư máy tính, kết nối Internet, trên 30% doanh nghiệp có website và 60% doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử; tỷ lệ cán bộ CNTT có trình độ đại học, cao đẳng trở lên trên tổng số dân chiếm tỷ lệ 0,1%...
Đến năm 2020, hầu hết các cơ quan nhà nước cấp huyện, sở, ban, ngành có trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử cập nhật đầy đủ thông tin, từng bước tích hợp và phát triển mở rộng hệ thống thông tin và các cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ cho hoạt động của cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp; Các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3 trở lên...
Ông Đinh Thanh Tịnh cho biết thêm: Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu trên, Phú Yên đã đề ra các giải pháp mang tính quyết liệt như: hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản lý CNTT các cấp, nhất là cấp huyện đảm bảo về số lượng và chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngoài nguồn vốn của địa phương, tỉnh còn tranh thủ sự hỗ trợ của trung ương để thực hiện đề án, ưu tiên áp dụng công nghệ mã nguồn mở nhằm giảm chi phí đầu tư mua bản quyền phần mềm. Bên cạnh đó, Sở TT&TT cũng tổ chức tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao hiểu biết nhận thức về lợi ích trong việc ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, xây dựng CPĐT cho cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp; xem xét đưa tiêu chí hiệu quả ứng dụng CNTT vào các phong trào thi đua, bình xét khen thưởng; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực CNTT.
“Với cơ sở pháp lý hoàn thiện, cộng với sự quyết tâm của lãnh đạo địa phương, hy vọng Đề án phát triển CNTT giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 của tỉnh Phú Yên sẽ góp phần thay đổi diện mạo CNTT của tỉnh Phú Yên cũng như đóng góp tích cực vào lộ trình đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT mà Bộ TT&TT đang tích cực triển khai”, ông Tịnh nhấn mạnh.
Theo www.ictnews.vn