Một số hãng sản xuất công nghệ Nhật Bản bao gồm cả Sony, Panasonic và Fujitsu trong mấy ngày gần đây đã tuyên bố đóng cửa hàng loạt các nhà máy. Trong khi đó việc đánh giá những thiệt hại của các hãng này và quan trọng hơn cả là sự cố mất điện trầm trọng trên toàn đất nước Nhật Bản được dự kiến sẽ kéo dài tới vài tuần.
Dù chưa thể thống kê được song chắc chắn, với sự ngưng trệ hiện nay, việc cung ứng thiết bị bán dẫn toàn cầu chắc chắn bị ảnh hưởng mạnh. Giới công nghệ sẽ bị thiếu hụt trầm trọng các linh kiện như chip bộ nhớ và màn hình tinh thể lỏng sử dụng trong hàng loạt thiết bị điện tử tiêu dùng khác nhau từ điện thoại smartphone cho tới TV.
Trước thời điểm xảy ra thảm hoạ kép, Nhật Bản là được gọi là “nóc nhà” của một số hãng sản xuất chip bộ nhớ, chiếm tới hơn 40% chip nhớ flash NAND và 15% DRAM của thế giới. Các tên tuổi như Elpida Memory và Toshiba, nhà sản xuất chip bộ nhớ flash NAND lớn hàng thứ hai thế giới tính theo doanh thu sau hãng Samsung Electronics của Hàn Quốc. Nhật cũng chiếm một phần đáng kể các linh kiện được sử dụng trong các tấm màn hình tinh thể lỏng vè các sản phẩm liên quan, bao gồm kính và đi-ốt phát sáng.
Theo Jim Handy, nhà phân tích thuộc hãng nghiên cứu bán dẫn Objective Analysis cho hay, có thể sản lượng wafer (đế cấy vi mạch) sẽ sụt giảm mạnh, tỷ lệ nghịch với nó là giá cả lại tăng vọt. Nếu các nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn của Nhật Bản phải đóng cửa, dù chỉ trong khoảng hai tuần, thì sản lượng cũng đủ bị thu hẹp khá nhiều.
Với tình trạng như vậy, đại diện của Objective Analysis dự báo, giá cả thiết bị bán dẫn sẽ dao động mạnh và dẫn tới sự thiếu hụt trong ngắn hạn. Trong quá khứ, các trận động đất với cường độ nhẹ hơn, như cơn địa chấn 5,9 độ richter năm 2008 và hai trận cường độ 6 và 6,8 độ richter năm 2007 cũng đã từng gây ra những lo ngại tương tự đối với ngành công nghiệp bán dẫn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với quan điểm của Objective Analysis. Hãng nghiên cứu thị trường iSuppli không tin rằng sản lượng DRAM và NAND sẽ bị ảnh hưởng bởi động đất. Theo nhà phân tích Mike Howard thuộc iSuppli, các nhà máy thuộc tập đoàn Micron, Toshiba và Elpida Memory nằm cách tâm chấn rất xa, đủ để tránh được những thiệt hại.
Những thông tin ban đầu mà iSuppli có được cho thấy, hai hãng sản xuất DRAM lớn nhất Nhật Bản thuộc sự điều hành của hãng Micron có trụ sở ở Mỹ và Elpida của Nhật không bị ảnh hưởng trực tiếp từ cơn địa chấn kinh hoàng này.
Không chỉ gây thiệt hại về nguồn cung, Objective Analysis còn cho rằng, lượng cầu cũng có thể bị ảnh hưởng, bất kể trong trường hợp các nhà máy sản xuất ở Nhật có bị đóng cửa hay không. Theo hãng nghiên cứu này, do nhiều hãng sản xuất hàng điện tử nằm ở Nhật Bản, nên việc tiêu thụ thiết bị bán dẫn sẽ ngưng trệ cho tới khi những thiệt hại về động đất được xử lý xong.
Còn nhớ, năm 1999, khi trận động đất 7,6 độ richter tấn công Đài Loan, đã gây thiệt hại nặng ở Đài Bắc và làm ngừng hoạt động sản xuất bán dẫn ở các nhà máy thuộc thành phố Tân Trúc. Còn ở Mỹ, cơn địa chấn Loma Prieta năm 1989 với cường độ 6,9 độ richter cũng khiến hoạt động sản xuất bán dẫn ở thung lũng Silicon phải ngưng trệ.
Tuy nhiên, những trận động đất nói trên mới chỉ mạnh bằng một phần rất nhỏ cơn địa chấn mà Nhật Bản hứng chịu cuối tuần vừa rồi. Hãng nghiên cứu Objective Analysis cho biết "đang liên lạc với nhiều công ty để tìm hiểu tình trạng của họ, nhưng quy mô của trận động đất này quá lớn, nên có thể vài mất vài ngày nữa mới tường tận được tất cả những tác động".
Các nhà phân tích dự đoán giá chip bộ nhớ và các linh kiện khác có thể tăng cao hơn nữa trong thời gian tới khi tình trạng của nguồn cung cấp chưa được xác định rõ ràng. Điều này có thể đẩy chi phí lên cao cho các hãng sản xuất điện tử tiêu dùng toàn cầu. Theo iSuppli, năm 2010, các công ty Nhật Bản đã đóng góp 63,3 tỷ USD vào doanh thu microchip, chiếm 21% thị trường thế giới.
Theo www.vnmedia.vn