|
Bộ TT&TT công bố xếp hạng cổng/trang thông tin điện tử của các Bộ ngành và địa phương. |
Sáng ngày 11/3/2011, Bộ TT&TT đã công bố kết quả xếp hạng các trang thông tin điện tử/cổng thông tin điện tử (website/portal) lần thứ tư. Theo Bộ TT&TT, 2010 là năm có sự gia tăng đột biến số địa phương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3: 38 địa phương cung cấp tới 748 dịch vụ (năm 2009 có 254 dịch vụ công mức 3).
Bộ GD-ĐT dẫn đầu khối bộ ngành
Theo kết quả xếp hạng, cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT dẫn đầu trong khối các bộ ngành, tiếp đến lần lượt là các Bộ TT&TT, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ở các tiêu chí cụ thể, Bộ GD-ĐT đứng đầu trong khối các bộ ngành ở 3 trong tổng số 4 tiêu chí xếp hạng: cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành và số lượng người truy cập.
Bộ GD-ĐT chỉ bị "kém điểm" duy nhất ở tiêu chí mức độ cung cấp thông tin trên cổng/trang thông tin điện tử (đứng ở vị trí thứ 8). Ở tiêu chí này, Bộ TT&TT đứng đầu trong khối các bộ ngành, tiếp đến là Bộ Khoa học & Công nghệ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra Chính phủ là hai đơn vị đứng cuối bảng.
Mặc dù đứng thứ 3 về tiêu chí xếp hạng cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhưng Bộ Công thương là cơ quan cấp bộ đầu tiên cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đó là dịch vụ cấp xác nhận khai báo hóa chất (thuộc chức năng quản lý trực tiếp của Cục Hóa chất).
Thừa Thiên Huế lên ngôi
Ở khối các địa phương, Thừa Thiên Huế dẫn đầu trong xếp hạng tổng thể về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến, tiếp đến lần lượt là các tỉnh Hậu Giang, Đồng Nai, Long An và Đà Nẵng. Hai địa phương lớn TP.HCM và Hà Nội lần lượt ở vị trí thứ 7 và 9 trong bảng xếp hạng năm nay.
Mặc dù TP.HCM xếp khá sâu ở tiêu chí đánh giá về dịch vụ cung trực tuyến, đứng ở vị trí thứ 18, nhưng đây là địa phương duy nhất cả nước cung cấp 3 dịch vụ công trực tuyến mức 4, gồm dịch vụ đăng ký chấp thuận họp báo, đăng ký chấp thuận tổ chức hội nghị, hội thảo có yếu tố nước ngoài và nhập khẩu xuất bản phẩm.
Theo báo cáo xếp hạng của Bộ TT&TT, năm 2010 đã có sự tăng trưởng vượt bậc cả về số lượng và số địa phương có cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 với 38 địa phương đã cung cấp với số lượng dịch vụ là 748 (năm 2008 chỉ có 6 tỉnh, thành phố cung cấp 30 dịch vụ, sang năm 2009 có 18 tỉnh, thành phố cung cấp 254 dịch vụ), trong đó địa phương cung cấp nhiều nhất là các tỉnh An Giang (139 dịch vụ) và thành phố Đà Nẵng (74 dịch vụ).
Ở bảng xếp hạng website/portal các địa phương theo số lần truy cập chia cho số dân, thành phố Đà Nẵng chiếm vị trí thứ nhất và TP.HCM đứng thứ hai. Xếp cuối bảng là Sơn La (số 61) và Nghệ An (số 62).
Vẫn rụt rè ứng dụng chữ ký số
Theo đại diện Cục Ứng dụng CNTT (Bộ TT&TT), công tác kiểm tra, đánh giá được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 2/2011, Bộ TT&TT đã nhận được phản hồi của 63 tỉnh, thành phố và 22 Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Năm nay tiêu chí đánh giá xếp hạng đặt trọng số vào những chỉ tiêu như bảo mật, an toàn, bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng, thuận tiện cho người sử dụng và các dịch vụ công trực tuyến. Việc đánh giá tiếp tục tập trung vào hai phần nội dung chính là cung cấp thông tin và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tập trung theo hướng lấy người dân làm trung tâm – đề cao tính thuận tiện, dễ tìm, dễ sử dụng và thuận lợi cho tất cả mọi người sử dụng.
Cùng đó, mức độ truy cập website/portal cũng được đánh giá dựa trên số truy cập trên toàn thế giới do Alexa cung cấp. Và so với 3 lần xếp hạng trước, năm nay là lần đầu tiên Bộ TT&TT triển khai xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, địa phương.
Tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết kết quả điều tra, đánh giá khảo sát năm nay đã cho thấy tình hình cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên website/portal và hoạt động ứng dụng CNTT của các Bộ, địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thứ trưởng cũng nhận định năm nay các Bộ, địa phương đã cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời hơn (theo đánh giá của đại diện Bộ TT&TT, có được kết quả này cũng là do tác động lớn của quy định cung cấp thông tin được nêu trong Luật CNTT, Thông tư 26/2009 của Bộ TT&TT).
Đáng chú ý, năm 2010 có một số đơn vị còn cung cấp nhiều tiện ích để phục vụ người khuyết tật tiếp cận tốt thông tin, điển hình như Bộ TT&TT đã tích hợp chức năng đọc tự động tin bài phục vụ người khiếm thị. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách lớn giữa những đơn vị đứng đầu với những đơn vị cuối bảng xếp hạng.
Về mức độ ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan Nhà nước, đa số các đơn vị đã sử dụng ứng dụng quản lý văn bản điều hành, thư điện tử, chương trình quản lý nhân sự, kế toán, tài chính (trên 90% đơn vị sử dụng). Tuy nhiên, việc ứng dụng chữ ký số - một ứng dụng quan trọng phục vụ việc xác định định danh, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin – vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi cả ở các Bộ, ngành và địa phương (tỷ lệ đơn vị ứng dụng chữ ký số là dưới 10% ở các địa phương và dưới 40% ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ).
Bốn mức độ của các dịch vụ hành chính công trực tuyến là: cung cấp đầy đủ thông tin về quy trình thủ tục, các giấy tờ cần thiết (mức 1); cho phép người dân tải về các mẫu đơn, hồ sơ để in ra giấy (mức 2); cho phép điền và gửi trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ trực tuyến (mức 3); cấp phép và thanh toán chi phí được thực hiện trực tuyến (mức 4) .
Theo www.ictnews.vn