Dành cho doanh nghiệp
Với Android 2.2, còn được gọi là Froyo, Google đã giới thiệu một loạt các tính năng mới thân thiện với doanh nghiệp như màn hình khóa bằng mã PIN kiểu chữ số, thời gian chờ khóa màn hình và yêu cầu độ mạnh mật khẩu. Hãng cũng thêm hỗ trợ cho tính năng xóa dữ liệu từ xa cùng với tính năng tự động tìm tài khoản, đồng bộ lịch làm việc và tính năng tra danh sách địa chỉ toàn cầu cho Exchange.
Honeycomb xây dựng theo hướng phát triển của Android tập trung vào doanh nghiệp, sử dụng một hệ thống mã hóa tiên tiến cho máy tính bảng. Hệ thống này cho phép người dùng mã hóa hoàn toàn dữ liệu trên thiết bị của họ - các tài khoản, thiết lập, và tất cả các ứng dụng cũng như tập tin họ đã tải xuống – và về sau sẽ yêu cầu một mật khẩu để giải mã dữ liệu mỗi lần máy tính bảng được bật lên. Chỉ khi chọn hồi phục lại thiết lập ban đầu của nhà máy xóa hết dữ liệu mới có thể "thoát" được nhắc nhở này khi bật máy.
Máy tính bảng Honeycomb cũng mang đến cho người dùng doanh nghiệp cơ hội để dễ dàng tham gia hội nghị video từ xa, hoặc qua các công cụ có sẵn trong HĐH hoặc bằng các ứng dụng mới đang được phát triển cho nền tảng này. Thí dụ, ngoài ứng dụng chat bằng video Google Talk được tích hợp trong máy, hãng phát triển thứ ba Fuze Meeting đang chuẩn bị giới thiệu một ứng dụng dành cho việc hội họp nhiều bên, chất lượng HD, chỉ dành cho thị trường doanh nghiệp. Ứng dụng này đã được trình diễn tại sự kiện Honeycomb của Google hồi đầu tháng 2/2011, và có vẻ khá hấp dẫn.
|
Honeycomb mang đến một trải nghiệm đa nhiệm đầy đủ và duyệt web như trên máy tính để bàn. |
So với các nền tảng khác, trải nghiệm đa nhiệm đầy đủ và duyệt web như trên máy tính để bàn của Android – nhờ hỗ trợ của thẻ, tính năng đồng bộ riêng của Chrome và sau này của Flash – có thể là những yếu tố phân biệt cho người dùng doanh nghiệp muốn chuyển sang dùng máy tính bảng. Một lợi điểm đáng chú ý để doanh nghiệp chấp nhận là HĐH này cho phép bạn duyệt hệ thống tập tin của một thiết bị giống như máy tính để bàn, kéo và thả các tập tin mà không cần dùng phần mềm độc quyền sở hữu.
Một lợi điểm nữa là Android không hạn chế việc cài đặt ứng dụng – Android là nền tảng mở; điều này có nghĩa là các công ty có thể cài đặt các tiện ích họ muốn lên thiết bị của nhân viên, không cần phải được chấp thuận từ bên ngoài hay dùng bản công cộng. Trong khi đó, trên nền tảng như iOS, tất cả các ứng dụng phải được phép của Apple và phải đưa lên cửa hàng App Store mới được cài đặt.
Hạn chế
Android Honeycomb vẫn chưa thành công hoàn toàn. Nền tảng này bị phê bình là vẫn còn những khuyết điểm, và điểm yếu thật sự của Honeycomb nằm ở ứng dụng. Khi dùng máy tính bảng Xoom của Motorola, người dùng đã thất vọng khi gặp vấn đề với các ứng dụng và tính tương thích của chúng (thậm chí không tương thích) với HĐH.
Vấn đề là, trong khi trên lý thuyết, Honeycomb có thể chạy bất kỳ ứng dụng Android nào – ngay cả các ứng dụng được làm để dùng trên smartphone – thì trên thực tế, không phải lúc nào Honeycomb cũng chạy tốt. Vài ứng dụng chỉ chạy trong một phần nhỏ của màn hình cỡ máy tính bảng; các ứng dụng khác lại mở rộng ra chiếm hết màn hình nhưng vẫn bị nhạt mờ so với các ứng dụng tối ưu hóa cho máy tính bảng khác.
Tệ hơn nữa là một số ứng dụng Android cũ hơn không chạy được hay chỉ chạy trong các trường hợp giới hạn. Khi thử dùng widget từ ứng dụng Android của Facebook thì có báo lỗi và chỉ thấy một hộp trắng trống trơn.
Nói cho công bằng, Google phát hành phiên bản hoàn chỉnh của công cụ lập trình Honeycomb mới chỉ vào ngày 22/2/2011, điều này có nghĩa là hầu hết các nhà phát triển chỉ có một tuần để cập nhật phần mềm của họ.
Như vậy, có thể hiểu rằng các mặt hạn chế trên chỉ là tạm thời. Với mức tăng trưởng ngày càng cao như chúng ta đã thấy trong Android Market trong những tháng qua – có hơn 32.000 ứng dụng mới được thêm vào chỉ trong tháng 2/2011, theo hãng phân tích hãng thứ ba AndroLib – thiết nghĩ, chẳng bao lâu nữa “cổng ngăn lũ” Honeycomb sẽ được mở. Nhưng đối với những người dùng máy tính bảng Android đầu tiên, dù sao đó vẫn là những mặt hạn chế.
Trong khi bộ ứng dụng đặc biệt cho Honeycomb hiện giờ vẫn còn quá ít, các chương trình có được đến giờ nói chung dùng khá hay, nhất là vì Honeycomb cho phép các nhà phát triển sử dụng một loạt các công cụ lập trình mới để tối ưu hóa ứng dụng của họ cho màn hình lớn. Mặt hạn chế là dùng các ứng dụng tối ưu hóa cho máy tính bảng sẽ “làm hỏng” bạn một phần nào và làm bạn bực bội về trải nghiệm không được tối ưu hóa khi bạn sử dụng các ứng dụng cũ hơn.
Honeycomb cũng có một công việc quan trọng chưa hoàn thành: hỗ trợ Adobe Flash. Adobe đã hứa sẽ cung cấp phần mềm Flash Player dùng cho máy tính bảng cho người dùng Xoom trong vài tuần nữa. Mặc dù trì hoãn trong một thời gian ngắn như thế chỉ là một bất tiện tương đối nhỏ (nếu Adobe giữ đúng thời gian họ đã hứa), thì việc không có Flash khi Honeycomb được giới thiệu vẫn là một nhược điểm.
Kết luận
Nói chung, HĐH Android Honeycomb của Google là một nền tảng mạnh mẽ và đầy hứa hẹn cho máy tính bảng. HĐH này mang trải nghiệm Android lên đỉnh cao mới, cho người dùng những cơ hội thiết thực để tùy biến và tạo ra một khuôn khổ cho các thiết bị không phải chỉ là những điện thoại siêu lớn.
Nói như thế có nghĩa là, Honeycomb vẫn còn non trẻ, và cần thời gian để trưởng thành, nhất là khi nói đến các ứng dụng của hãng thứ ba có được làm ra không và có tương thích hoàn toàn không, đây là phần quyết định của trải nghiệm máy tính bảng. Nhưng bất kể thị trường di động từng cho thấy điều gì, chẳng bao lâu hệ sinh thái ứng dụng của Honeycomb sẽ tăng trưởng – và nền tảng này, với hỗ trợ của vô số máy tính bảng Android sắp tung ra, sẽ nhanh chóng đạt được vị trí hàng đầu trong thị trường di động.
|