Giá xăng dầu đã bị đẩy lên do tình hình bất ổn ở Trung Đông và giá dầu thô giao trong tháng 4/2011 tăng lên gần 100 USD (~2,1 triệu đồng) mỗi thùng theo giá hôm 21/2/2011. Với mức giá này, có nguy cơ chi phí vận chuyển sẽ tăng, chi phí này chiếm khoảng 20% giá thành sản phẩm được sản xuất trong khu vực Đông Á, theo các nhà phân tích.
Chi phí cho nguyên liệu như plastic để làm vỏ máy tính hay các hóa chất để làm bo mạch in điện thoại di động cũng sẽ tăng nếu các nhà máy hóa dầu phải chi trả thêm cho nguồn cung ứng dầu thô.
Các nhà máy lọc dầu sẽ buộc các hãng sản xuất hàng điện tử mua hàng của họ cùng gánh chịu khoảng 80% chi phí tăng thêm, theo Wai Ho Leong, nhà kinh tế khu vực của Barclays Capital tại Singapore.
Tim Condon, Trưởng bộ phận kinh tế của tập đoàn tài chính ING ở Singapore cho biết, người dùng cuối sẽ phải gánh chịu mức tăng giá dầu này. Mọi sinh hoạt sẽ bị chậm lại vì người tiêu dùng sẽ không chịu chi tiền. Mức cầu sẽ giảm, xảy ra tình trạng hàng tồn kho chất đống, sẽ có ít sản phẩm hơn và công ăn việc làm sẽ bị ảnh hưởng.
Các nhà phân tích cho biết, giá dầu đã đạt đỉnh cao nhất kể từ giữa năm 2008, nhưng không làm trì hoãn đà phát triển của châu Á về máy tính trong kỳ nghỉ lễ cuối năm của phương Tây và trong dịp Tết âm lịch.
Nhưng nếu giá ở mức trên 100 USD mỗi thùng – và bạo động gần đây ở Libya có thể đẩy giá lên mức đó – thì trong vòng 6 đến 12 tháng, các hãng sản xuất sẽ bị khó khăn.
Chuyên viên kinh tế Joanna Tan của Forecast Ltd ở Singapore cho biết, đã có vài biện pháp điều tiết được thực hiện. Với giá dầu tăng, có thể sẽ có thêm biện pháp khác. Nhưng còn tùy tình hình này kéo dài được bao lâu.
Sự tự tin của người tiêu dùng trên thế giới nói chung bị suy giảm do giá xăng dầu tăng cao hơn, có thể làm giảm mức nhu cầu hàng điện tử, buộc các hãng sản xuất phải hạn chế chi vốn cho phát triển công nghệ mới, theo Tony Phoo, chuyên viên kinh tế của Standard Chartered ở Đài Bắc.
Giá dầu đạt đỉnh 140 USD (~2,94 triệu đồng) một thùng hồi năm 2008 đã làm chậm mức tăng trưởng của thị trường máy tính ở Ấn Độ, và ảnh hưởng đến các hãng sản xuất ở các nước khác khi nền kinh tế thế giới phải vật lộn với hậu quả từ khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ.
Các hãng sản xuất hàng điện tử năm nay sẽ không hoạt động như bình thường, nhưng họ đang thận trọng xem trong quý 2/2011 có dấu hiệu nào về việc giá dầu sẽ còn cao không.
Tim Handley, Phó giám đốc tiếp thị của hãng sản xuất bo mạch chủ Gigabyte ở Đài Bắc cho biết, “Quan điểm của chúng tôi là nếu giá dầu làm tăng chi phí của chúng tôi, thì nó cũng làm tăng chi phí của các hãng cạnh tranh. Tôi nghĩ rằng, người tiêu dùng cũng nhận thấy được một phần điều này”.
Theo www.pcworld.com.vn