Thứ bảy, 27/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 19/02/2011
Bác Hồ với Công nghệ thông tin: Maxcva, 40 Vavilov

Lời BBT VAIP: gần đây trên các diễn đàn và các cơ quan truyền thông có bàn luận lựa chọn thời điểm để tìm Ngày Công nghệ Thông Tin Việt Nam, trên trang http://www.pcworld.com.vn/ có dành riêng mục thăm dò ý kiến bạn đọc vote cho các thời điểm có thể bình chọn làm Ngày CNTT Việt Nam. Nhiều các bậc lão thành CNTT đã gửi thư và giới thiệu các bài viết có liên quan đến các mốc lịch sử quan trọng. VAIP xin giới thiệu bài viết của Giáo sư Nguyễn Xuân Huy về những kỷ niệm có dấu ấn lịch sử với Tin học và CNTT Việt Nam.  

Đầu năm 1990, giáo sư Salenco nhắn tôi sang Liên Xô để trình bày một số kết quả nghiên cứu về cơ sở dữ liệu của nhóm hỗn hợp gồm các chuyên gia Liên Xô, Hungary và Việt Nam. Dịp đó tôi đang làm việc tại Viện Tự động hóa trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Hungary. Trước khi tôi rời Budapest, viện sĩ Demetrovics - trưởng Phòng Công nghệ phần mềm đã dặn đi dặn lại là tôi phải đến chào viện sĩ Dorotnhitxưn ở Trung tâm Tính toán Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô để xin ý kiến về việc đệ trình luận văn tiến sĩ khoa học (tức tiến sĩ theo hệ thống đào tạo của Liên Xô) của tôi ở Viện Hàn Lâm: "Huy ơi, nhớ kĩ nhé, Matxcva, 40 Vavilop!" - viện sĩ Demetrovics vỗ vai tôi.

           

 

Viện sĩ Dorotnhitxưn (người ngồi phía trước) và tác giả tại xemina

 

Địa chỉ này thì tôi nhớ lắm. Hơn mười năm trứơc tôi đã theo học và bảo vệ luận văn tiến sĩ (tức phó tiến sĩ theo hệ thống đào tạo của Liên Xô) ở đây. Còn nhớ hôm đầu tiên, khi mới từ Việt Nam sang Liên Xô vào tháng sáu năm 1978, sau khi chuyển giao hộp chứa bèo hoa dâu để phục vụ thí nghiệm trong chuyến bay vào vũ trụ của anh hùng Phạm Tuân cho Viện Sinh học, tôi đã đến chào viện sĩ Doronhitxưn. Viện sĩ đã dành thời gian khá lâu kể cho tôi nghe những kỉ niệm về Bác Hồ nhân dịp Bác đến thăm   Trung tâm Tính toán Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.

" Khoảng năm 1959 Bác Hồ ghé thăm Trung tâm. Hồi đó Trung tâm rất bận rộn với việc tính toán các thiết kế và vạch đường bay cho các con tàu vũ trụ.

Là một viện quan trọng như vậy nên chúng tôi rất phấn khởi và tự hào khi đón Bác Hồ đến thăm. Đây là lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử phát triển của mình, Trung tâm Tính toán Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đón một nguyên thủ quốc gia. Lý do thực đơn giản: Trung tâm là đơn vị nghiên cứu và triển khai khoa học thuộc loại hàng đầu của Liên Xô. Chả thế mà người Mỹ thường nói rằng, nếu người Nga tăng cường cánh gác ở 40 Vavilop thì chỉ sau đó ít ngày họ sẽ có chuyến bay vào vũ trụ.

Bác đến và gặp từng chuyên gia đầu ngành, hỏi chuyện tỉ mỉ về tổ chức hoạt động khoa học, về lập trình, về vai trò của máy tính điện tử trong sự nghiệp phát triển kinh tế quốc dân. Chúng tôi hướng dẫn Bác đi thăm và quan sát quá trình thiết kế chương trình, nhập dữ liệu, xử lý và lưu trữ thông tin của hệ thống tính toán. Đứng bên chiếc máy tính BESM đồ sộ, Bác nói với tôi bằng tiếng Nga : "Mọi thứ đều rất hấp dẫn, rất quan trọng và rất khó hiểu!". Rồi Bác tỏ ra đăm chiêu. Mãi sau này, khi được biết đề nghị của người về việc đào tạo cho Việt Nam một đội ngũ các nhà khoa học trong lĩnh vực Tin học, tôi mới hiểu rõ nguyên nhân của nét đăm chiêu ấy : Chứng kiến những điều tốt đẹp, bao giờ Người cũng nghĩ về tổ quốc và dân tộc với một mong mỏi duy nhất là đồng bào của mình được hưởng những điều tốt đẹp ấy."

Sau khi về nước Bác đã gửi ngay những cán bộ trẻ đầu tiên sang học tập ở Trung tâm Tính toán Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Ngày nay, số anh em đó đều đã trưởng thành, đã và đang đảm nhận những trọng trách trong sự nghiệp phát triển Công nghệ thông tin ở nước ta. Xin kể ra đây vài gương mặt như cố GS Nguyễn Bá Hào, Đại học Bách khoa Hà Nội, GS đại tá Nguyễn Lãm, nguyên phó cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ Bộ Quốc phòng, người từng tổ chức và điều hành  Trung tâm Máy tính đầu tiên của Quốc gia và Trung tâm Máy tính Bộ Quốc phòng, GS Phan Đình Diệu, nguyên viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VCNTT, VKHCNVN), GS Bạch Hưng Khang,  nguyên viện trưởng VCNTT VKHCNVN, PGS Hồ THuần, nguyên trưởng Phòng Lập trình VCNTT, PGS Trần Thành Trai, nguyên  phân viện trưởng Phân Viện CNTT tp Hồ Chí Minh, PGS Lê Thiện Phố, nguyên trưởng phòng Phương pháp tính VCNTT, KS Nguyễn Ngọc Hoàng, nguyên chánh văn phòng VCNTT, PGS Trần Văn Tiễu, nguyên trưởng phòng Kỹ thuật VCNTT, KS Trần Văn Nho, KS Nguyễn Liệu, TS Nguyễn Tâm, KS Trần Văn Ân… Rồi một loạt các nhà khoa học trẻ sau này: TSKH Nguyễn Anh Tuấn, Bộ Khoa học và Công nghệ, TS Tô Tuấn, Viện CNTT Bộ Quốc phòng, PGS Phạm Trà Ân, PGS Trần Gia Lịch, TS Phạm Cảnh Dương, Viện Toán học, TS Lê mạnh, TS Ngô Kiều Oanh VCNTT, TS Lê Thái Hỷ, Tp HCM…

Chắc chắn là tôi không thể liệt kê đầy đủ danh sách các cán bộ khoa học đã được đào tạo tại đây, bởi vì đến nay, khi đã được chuyển giao cho Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Liên bang Nga Trung tâm vẫn tiép nhận các cán bộ Việt Nam sang học tập và công tác.

Trở lại việc nhỏ của tôi, sang Liên Xô sau lần ấy, tôi tới chào viện sĩ Doronhitxưn. Viện sĩ đã bước sang tuổi tám mươi mà vẫn ung dung, quắc thước. Thầy vẫn nhắc lại những kỷ niệm về Bác Hồ với niềm hào hứng, say mê. Sau đó viện sĩ hỏi thăm tôi về Lãm, Diệu, Khang, Trai,…và kể về những chuyến sang làm viẹc tại Việt Nam với những tình cảm xúc động. Tôi chợt hiểu, từ ngày ấy viện sĩ đã rất "cảm" và như đã thầm hứa với Bác là sẽ đào tạo và chăm sóc cho đất nước ta những cán bộ về CNTT. Và viện sĩ đã thực hiện lời hứa ấy với tình cảm của một nhà khoa học chân chính.

Trong suốt những năm học tập tại  Trung tâm Tính toán Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô tôi chưa thấy viện sĩ Dorotnhitxưn vắng mặt trong buổi bảo vệ nào của các trò Việt Nam. Anh chị em Việt Nam và các bạn Liên Xô thường nói vui với nhau: làn khói mỏng bay trong Phòng Khánh tiết của Trung tâm là chứng tỏ sự có mặt của viện sĩ. Thật vậy, viện sĩ là người duy nhất hút thuốc lá trong các phiên họp Hội đồng Khoa học.

Sợi khói đó nay đã tắt. Viện sĩ Dorotnhitxưn đã giã biệt chúng ta từ năm 1994.  

Trên con đường phát triển CNTT của chúng ta chắc chắn không thể quên ơn những con người đáng quý mến như thế, những nhà khoa học lớn của dân tộc Nga đã cảm được sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh  đối với tuổi trẻ Việt Nam trong việc tiếp thu các công nghệ mũi nhọn của thời đại.

Nguyễn Xuân Huy

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0