Bên cạnh việc biến điện thoại di động trở thành một phương tiện liên lạc không thể thiếu của phần đông người dân Việt Nam, các nhà mạng lại tập trung cho một nỗ lực mới, kích cầu các dịch vụ công nghệ 3G trở thành một phần tất yếu của người dùng di động…
|
|
Hơn một năm chính thức được các doanh nghiệp cung cấp, các dịch vụ công nghệ 3G đã và đang bắt đầu trở thành dịch vụ khá bình dân với người dùng bởi mức cước ngày một phù hợp hơn kèm theo rất nhiều ưu đãi trong khuyến mại. Tết Tân Mão vừa rồi, 3G cũng đã là một nhân tố không thể thiếu giúp các mạng di động có một sự thành công ngoài mong đợi về chất lượng dịch vụ. Tình trạng nghẽn mạch, nghẽn mạng dịp cao điểm cuối năm đã hoàn toàn bị đẩy lùi.
Thế nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia viễn thông, tiềm năng của dịch vụ công nghệ 3G còn lớn hơn rất nhiều. Dịch vụ công nghệ 3G không chỉ hỗ trợ 2G san tải lưu lượng, giảm nghẽn mạng, nghẽn mạch cũng như cung cấp chừng ấy các dịch vụ đã có trên thị trường là đủ, nó còn có thể bứt phá mạnh hơn thế nhiều. Vấn đề là các nhà mạng tiếp nhận ưu thế của 3G và biến thành hiện thực như thế nào?
Bản thân các doanh nghiệp cũng thừa nhận, bên cạnh nhiều ưu điểm, các dịch vụ công nghệ 3G ra chưa đem lại doanh thu như mong muốn dù rằng thế mạnh của nó hầu như ai cũng đã nhìn ra. Nỗ lực đưa dịch vụ ngày càng bình dân, trở thành tất yếu của người dùng di động không chỉ ở giá cước mà còn ở nhiều tiện ích phù hợp hơn. Bởi vậy, trong năm 2011 này, kế hoạch kích cầu người dùng dịch vụ 3G nhằm tăng doanh thu đã được nhiều doanh nghiệp đặt ra với quyết tâm thực sự.
Dịp cuối năm 2010, khi chia sẻ với báo giới, ông Hồ Đức Thắng – Phó Giám đốc VinaPhone đã cho hay, một trong những mục tiêu trọng tâm năm 2011 của VinaPhone là phát triển, phổ cập hóa các dịch vụ 3G, khuyến khích khách hàng truy cập Internet tốc độc cao qua mạng di động, đẩy mạnh đầu tư tăng cường mật độ các trạm thu phát 3G VinaPhone sẽ đẩy mạnh đầu tư phát triển vùng phủ sóng 3G rộng khắp, nâng cao dung lượng mạng lưới, tiếp tục phát triển các dịch vụ gia tăng, đặc biệt là các dịch vụ tiện ích trên nền mạng 3G.
Còn với MobiFone, biến mục tiêu thành hành động, ngay từ đầu năm, mạng đã ra mắt một loạt dịch vụ gia tăng đón đầu khách hàng như vậy. Đó là dịch vụ mới có thể “làm mới” nhạc chuông điện thoại thông thường của người dùng di động mang tên dịch vụ Media call. Với dịch vụ tiện ích này, tất cả các thuê bao đang hoạt động hai chiều của MobiFone khi nhận cuộc gọi sẽ có thể lựa chọn nhạc chuông là những nội dung đa phương tiện như: audio, video clip và hình ảnh theo các chủ đề mà khách hàng lựa chọn thay cho nhạc chuông đơn điệu thông thường.
Các nội dung đa phương tiện được cập nhật liên tục từ hệ thống về máy điện thoại di động của khách hàng thông qua đường truyền GPRS/EDGE/3G. Theo đại diện của nhà mạng, tất cả các thuê bao của MobiFone đang hoạt động 2 chiều với điện thoại di động có hệ điều hành Symbian version 2, Symbian version 3 và Windows Mobile đều có thể sử dụng dịch vụ Media call.
Theo MobiFone, dịch vụ Media call là một dịch vụ được nghiên cứu và ra mắt để phục vụ cho đối tượng khách hàng trẻ, những người luôn luôn muốn làm mới mình, thể hiện cá tính riêng. Với dịch vụ này, các bạn trẻ có thể tạo cho nhạc chuông điện thoại của mình một “cá tính” riêng, hoàn toàn khác với các nhạc chuông thông thường khác, thậm chí có thể tự tạo cho mình 1 nhạc chuông đa phương tiện mang phong cách của riêng bạn.
Và MobiFone hi vọng đây sẽ là một trong những dịch vụ giá trị gia tăng thu hút sự chú ý, đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng cao của giới trẻ bên cạnh nhu cầu thoại và SMS thông thường, đặc biệt khi 3G trở thành một phần tất yếu đối với người dùng di động…
2011 là năm được giới chuyên gia viễn thông nhận định, 2G đã không còn là “bầu sữa” để các nhà mạng đem về nhiều doanh thu bởi giá cước đã gần sát với giá thành, người dùng gần như đã bão hoà, vì vậy, bài toán kích cầu dịch vụ công nghệ 3G để đem lại nguồn doanh thu mới đang thực sự cần một lời giải hợp lý và cũng rất cấp bách từ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Đặc biệt khi doanh thu, lợi nhuận của viễn thông, di động vẫn đang chiếm một tỷ trọng khá lớn của toàn ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam.
Theo www.vietnamnet.vn |