Báo Bưu điện Việt Nam xin giới thiệu bài viết quan trọng của Bộ trưởng Lê Doãn Hợp với nội dung chính là tập trung mọi nỗ lực để tạo đà bứt phá cho cả giai đoạn tiếp theo.
Nhìn lại năm 2010 với những bước tiến và thành tựu chung của đất nước trong điều kiện bộn bề khó khăn, thử thách, ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tự hào về những thành tích và đóng góp của mình cho đất nước. Bước vào năm 2011, năm đầu tiên triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2011 – 2015) và chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2011 – 2020) mà Đại hội XI của Đảng đề ra, cũng là năm đầu tiên, Ngành khởi động một loạt những đề án và chương trình quan trọng vừa được Chính phủ và Quốc hội thông qua, toàn ngành xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung mọi nỗ lực để tạo đà bứt phá mạnh mẽ hơn cho cả giai đoạn tiếp theo.
Những kết quả nổi bật
Kết quả đầu tiên phải kể đến là trong năm 2010, Bộ TT&TT đã xây dựng, ban hành và trình ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước chuyên ngành. Luật Bưu chính được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 cùng với các luật được thông qua trước đó như: Luật CNTT, Luật Giao dịch điện tử, Luật Xuất bản sửa đổi, Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện và các văn bản dưới luật đã tạo ra một hệ thống văn bản quy phạm đầy đủ với hiệu lực điều chỉnh cao nhất cho tất cả các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ.
Bên cạnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, năm 2010, Bộ TT&TT cũng đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành nhiều đề án, chương trình, kế hoạch quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của toàn ngành trong giai đoạn mới, gồm: Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT; Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở, miền núi, biên giới, hải đảo; Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015; Chương trình phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 và một số quy hoạch báo in, truyền dẫn phát sóng, phát thanh truyền hình và phát triển các khu công nghiệp CNTT đã được xây dựng và đang chờ thông qua.
Trong năm vừa qua, thực hiện Quyết định số 420/QĐ-TTg ngày 31/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ, lần đầu tiên, Bộ TT&TT đã triển khai cuộc tổng điều tra thống kê hiện trạng phổ cập thiết bị viễn thông, Internet, nghe nhìn trong phạm vi cả nước. Kết quả của cuộc điều tra sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng và sát thực phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước của ngành.
Năm 2010 là năm đánh dấu chặng đường tròn 10 năm chúng ta triển khai thực hiện Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khóa VIII) về Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, CNTT-TT Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trên tất cả mọi phương diện, mọi lĩnh vực, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT đã phối hợp với Ban Chỉ đạo QG về CNTT tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58 với sự tham gia của các bộ, ngành, các địa phương trong cả nước nhằm đánh giá, tổng kết ý nghĩa, tác động của bản chỉ thị lịch sử này cùng những thành tựu, những bài học kinh nghiệm thành công và chưa thành công trong lĩnh vực CNTT-TT, từ đó, tạo cơ sở để hoạch định chiến lược, kế hoạch, bước đi táo bạo cho giai đoạn tiếp theo.
Lĩnh vực báo chí, xuất bản, năm 2010 thực sự là năm sôi động với nhiều đóng góp đáng ghi nhận. Báo chí tiếp tục là kênh thông tin quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân, là tấm gương phản chiếu trung thực mọi diễn biến của đời sống xã hội. Với tác động xã hội to lớn, báo chí đã góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân ủng hộ các chủ trương và giải pháp điều hành KT - XH của Chính phủ, mở rộng hợp tác quốc tế và thông tin đối ngoại. Báo chí cũng đã phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ tuyên truyền về các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, tuyên truyền phòng chống thiên tai đồng thời chuyển tải ý kiến đóng góp của mọi tầng lớn nhân dân vào dự thảo các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XI.
Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và CNTT tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao về doanh thu và lợi nhuận. Doanh thu bưu chính viễn thông tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng, với 227.000 tỷ đồng, tăng 58% so với năm 2009 và lợi nhuận 30.000 tỷ đồng. Doanh thu công nghiệp CNTT đạt 7,4 tỷ USD, tăng thêm 1,2 tỷ USD so với năm ngoái, giá trị công nghiệp phần mềm đạt ngưỡng 1 tỷ đô la.
Năm 2010 cũng ghi nhận thành tích của các doanh nghiệp viễn thông như Mobifone, Viettel đứng đầu bảng xếp hạng doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất Việt Nam; đóng góp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp trong ngành đạt 17.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2009. Đây là thước đo chính xác đóng góp của các doanh nghiệp viễn thông vào sự phát triển chung của nền kinh tế và cũng là thước đo hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Năm 2010, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và CNTT đóng góp gần 200 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội, nhân đạo vì cộng đồng.
Hoạt động hợp tác quốc tế năm 2010 trong lĩnh vực TT&TT được triển khai sâu rộng và hiệu quả hơn. Chúng ta đã tích cực hợp tác quốc tế đồng bộ và toàn diện trên cả 5 lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ TT&TT, từ bưu chính, viễn thông, CNTT, xuất bản và báo chí. Các hoạt động hợp tác quốc tế cũng được triển khai đa dạng, từ trao đổi đoàn cấp cao, trao đổi kỹ thuật chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức các hội nghị, hội thảo... Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng đã hoàn thành tốt chức trách của Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế như Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU). Đặc biệt, 2010 cũng là năm đầu tiên một học sinh Việt Nam đạt giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế của UPU sau 20 năm tham gia.
Năm 2010 cũng là năm toàn ngành TT&TT tiếp tục hướng về cơ sở. Trong đó, đáng chú ý là chúng ta đã xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia Đưa thông tin về cơ sở trình Quốc hội thông qua, triển khai chương trình viễn thông công ích, triển khai chương trình Máy tính cho cuộc sống, tặng máy tính cho các địa phương vùng sâu vùng xa... Các cơ quan chức năng của Bộ cũng tăng cường phối hợp với các Sở TT&TT nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách từ cơ sở.
Một số tồn tại, bất cập
Mặc dù đạt nhiều thành tựu đáng kể như trên nhưng năm qua, ngành TT&TT cũng nổi lên nhiều bất cập, tồn tại cần sớm tìm lời giải trong thời gian tới.
1. Tiến độ giải quyết công việc liên quan đến địa phương, doanh nghiệp và cơ sở vẫn chậm và không đồng bộ. Việc ban hành văn bản pháp quy thuộc thẩm quyền của Bộ TT&TT và các văn bản thuộc trách nhiệm của Bộ vẫn chậm, cản trở phát triển và gây khó dễ cho địa và doanh nghiệp.
2. Hiệu quả và chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh có xu hướng giảm dần. Doanh thu toàn ngành tăng cao nhưng hiệu quả đầu tư lại giảm, lợi nhuận của các doanh nghiệp đạt thấp và bắt đầu xuất hiện cạnh tranh không lành mạnh, đặc biệt là lĩnh vực viễn thông. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh cũng đang tạo nhiều lỗ hổng về quản lý và các mặt trái cần ngăn chặn như: Quản lý trò chơi trực tuyến, thuê bao di động trả trước, an ninh mạng và quản lý cạnh tranh.
3. Chất lượng nguồn nhân lực CNTT vẫn thấp so với yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, lao động Việt Nam học hỏi rất nhanh, thông minh nhưng tính chuyên nghiệp hạn chế, thể lực yếu, kỷ luật lao động chưa nghiêm.
4. Phát triển hạ tầng băng thông rộng chưa nhanh, phân tán, không đồng bộ; phát triển các trạm BTS thiếu quy hoạch, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Dùng chung hạ tầng viễn thông cũng còn nhiều tồn tại, bất cập và hạn chế.
5. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh và hội nhập sâu rộng với thế giới. Chúng ta vẫn thiếu luật, vẫn cần nghị định, vẫn thiếu thông tư và thiếu các văn bản quy phạm khác. Hơn nữa, các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển ngành và tích tụ doanh nghiệp chưa đủ rõ và chưa phù hợp. Quy mô doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT-TT quá nhỏ trong khi tốc độ phát triển công nghiệp phần mềm, phần cứng và mã nguồn mở rất chậm.
Năm 2011: Tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu
Năm 2011 là năm đầu tiên toàn Đảng toàn dân ta triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, năm mở đầu kế hoạch 5 năm (2011-2015) và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 – 2020) mà Đại hội XI đã thông qua. Toàn ngành TT&TT quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc kế hoạch đã đề ra, tạo đà bứt phá mạnh mẽ cho cả giai đoạn tiếp theo.
Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của năm 2011 là khẩn trương tổ chức triển khai Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT. Đây chính là nhiệm vụ lớn bao trùm và xuyên suốt trong 10 năm tới của ngành TT&TT với mục tiêu tăng tốc để đưa CNTT-TT lên một tầm cao mới, hoàn thành vai trò tiên phong đi trước một bước trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Vì vậy, trong năm 2011, việc khởi động Đề án cần phải được tiến hành khẩn trương, tích cực và đồng bộ. Cũng trong năm 2011, chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thiện việc tổng kết Chỉ thị 58 để làm cơ sở đề nghị Bộ Chính trị ban hành văn bản pháp lý cao hơn, mở đường cho giai đoạn phát triển mới.
Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo trong năm 2011 là xây dựng các đề án và nhiệm vụ cụ thể của Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở và xây dựng kế hoạch triển khai giai đoạn 2011 – 2015 để trình Quốc hội thông qua vào cuối năm 2011. Nguyên tắc triển khai Chương trình quốc gia đưa thông tin về cơ sở là ưu tiên những nội dung cấp thiết mà người dân ở vùng sâu vùng xa cần nhất. Cụ thể trong năm 2011, chúng ta sẽ tập trung vào nội dung đưa phát thanh truyền hình về cơ sở.
Nhiệm vụ thứ ba là tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế quản lý, đặc biệt là các văn bản để luật, nghị định và thông tư, các chính sách ưu đãi và chính sách kích cầu thúc đẩy đầu tư phát triển.
Nhiệm vụ thứ tư là quan tâm công tác tổ chức bộ máy để chuẩn bị cho Chính phủ nhiệm kỳ khóa 2011-2016 và nhiệm vụ của Bộ TT&TT trong nhiệm kỳ mới. Trong đó, sớm hình thành một số đơn vị mới như Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, Cục Thông tin cơ sở, xác định rõ mô hình các tổng công ty, tập đoàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ TT&TT (VNPT, VNPost, VTC), mô hình các khu công nghiệp CNTT và kiện toàn Quỹ viễn thông công ích.
Nhiệm vụ thứ năm là tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực triển khai các chương trình hợp tác đã ký kết, chú trọng hiệu quả của các hoạt động tham quan, khảo sát nước ngoài, tích cực tìm kiếm nguồn lực quốc tế cho công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT và các hoạt động đầu tư phát triển.
Nhiệm vụ thứ sáu là tập trung tổng lực phấn đấu tạo chuyển biến tích cực trong một số vấn đề của ngành mà xã hội quan tâm. Cụ thể là các vấn đề: quản lý trò chơi trực tuyến và thông tin điện tử; quản lý thuê bao di động trả trước, ngăn chặn tin nhắn rác; quản lý truyền hình trả tiền và bản quyền truyền hình; chú trọng an toàn an ninh mạng; quy hoạch và khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông dùng chung hạ tầng. Những vấn đề nêu trên cần được tháo gỡ trước hết bằng cơ chế, chính sách cùng với việc thực thi nghiêm túc, đồng bộ các quy định của pháp luật.
Mùa Xuân mới, Xuân Tân Mão đang đến. Ngành TT&TT cùng toàn Đảng toàn dân phấn khởi đón xuân, mừng Đảng, đón chào 2 sự kiện chính trị trọng đại của đất nước là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và bầu cử Quốc hội khóa XIII. Cùng với sự phục hồi của kinh tế thế giới và đà tăng trưởng của kinh tế nước ta, ngành TT&TT đang đứng trước những vận hội phát triển mới to lớn nhưng cũng đầy thách thức cam go. Ý thức được trách nhiệm nặng nề của mình trước Đảng, trước nhân dân, toàn ngành nguyện đoàn kết hợp lực, thống nhất tư tưởng và hành động, đưa ngành phát triển nhanh, bền vững và toàn diện hơn trong thời kỳ 2011 – 2015, tạo thế và lực cao hơn cho giai đoạn mới.
Theo www.ictnews.vn