Thứ bảy, 03/08/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 07/12/2006
“Người Việt còn nghèo, hãy dùng phần mềm nội để góp phần thúc đẩy phát triển đất nước”

Hội thảo Quốc gia về phần mềm nguồn mở với chủ đề “từ chính sách đến hiện thực”, Hội Tin học Việt Nam đã đề cập vấn đề “xã hội hoá nguồn mở” hướng tới doanh nghiệp và cộng đồng cùng các biện pháp, kiến nghị cũng như các giải pháp cụ thể. Sau đây là nội dung toàn bộ tham luận trên:


VÀO WTO: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CHO XÃ HỘI HOÁ “NGUỒN MỞ”

Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam
 

Ngày 6/12/2006 tại Hội thảo Quốc gia về phần mềm nguồn mở với chủ đề “từ chính sách đến hiện thực”, Hội Tin học Việt Nam đã đề cập vấn đề “xã hội hoá nguồn mở” hướng tới doanh nghiệp và cộng đồng cùng các biện pháp, kiến nghị cũng như các giải pháp cụ thể. Sau đây là nội dung toàn bộ tham luận trên:

 ..... bắt đầu từ 6 năm trước đây...
Số 7/2000, Tin học và Đời sống (VAIP) đã đăng tải loạt bài về Phần mềm nguồn mở (PMNM): Linux & GNU (là một trong những loạt bài đầy đủ đầu tiên về Linux và phần mềm nguồn mở), về Việt Nam đã có những nhận định sau: “... đang cho chúng ta một cơ hội “ngàn năm có một” để thực hiện được ước mơ làm chủ và có một hệ điều hành riêng của mình.” hơn nữa “... việc đưa Linux vào giảng dạy và nghiên cứu trong các trường đại học sẽ có một ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp tạo nhân lực và chuyên gia CNTT cho đất nước.”. Điều đã được nhắc trước về Linux và và các phần mềm thương mại (PM có bản quyền) từ 2000 đó là Linux sự lựa chọn thứ hai nhằm tác động để giá bán windows tại Việt Nam thực sự giảm. Các giải pháp đặt ra cho phát triển sản phẩm và ứng dụng đã được đặt ra rõ ràng cho từng đối tượng từ nhà nước, doanh nghiệp đến cộng đồng xã hội  Và những câu hỏi được đề xuất lúc đó vẫn giữ nguyên ý nghĩa tới hôm nay “Vấn đề đặt ra chúng ta có làm được hay không? Khi nào cần làm? Cần làm những gì? và Cách thực hiện như thế nào?”.
 

Cũng tại thời điểm này Sun Microsystem công bố mã nguồn mở của Star Office vào ngày 13/10/2000 tại www.openOfice.org .
Ngày 17/10/2000 Bộ chính trị ra chỉ thị 58 về đẩy mạnh và phát triển CNTT  tạo tiền đề cho xu thế và nền tảng cho sự nghiệp ứng dụng và phát triển CNTT-TT phục vụ công cuộc đổi mới và hội nhập, trong đó chỉ rõ về  nhiệm vụ và giải pháp ”Khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin được tạo ra trong nước”. Sau đó 4 năm, ngày 2/3/2004 Thủ tướng Chính phủ ra quyết định 235/QĐ-TTg phê duyệt Dự án tổng thể "ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở ở Việt Nam giai đoạn 2004 - 2008" với giải pháp hàng đầu đưa ra là : ” Nâng cao nhận thức trong cộng đồng về bảo vệ bản quyền phần mềm và ích lợi của các PMNM trong việc phát triển CNTT ở nước ta nói chung và công nghiệp phần mềm nói riêng.”.
Tiền thân của Hội thảo quốc gia về PMNM bắt đầu từ Hội thảo “Linux ở Việt Nam” ngày 7-8/12/2000 và có sự góp mặt của ông Chủ tịch ReadFlag là nơi sinh ra hệ điều hành Linux Hồng kỳ nổi tiếng của Trung Quốc, tiếp đó các năm 2003 liên tục đến nay là các Hội thảo quốc gia, diễn đàn quốc tế và nhiều hội thảo chuyên đề về Phần mềm nguồn mở đã được tổ chức nhằm  tổng kết kết quả nghiên cứu phát triển, ứng dụng và đào tạo về phần mềm nguồn mở ở Việt Nam. Và hôm nay 6/12/2006 sau 6 năm, tại đây là Hội thảo Quốc gia lần thứ IV về Phần mềm nguồn mở (PMNM) với chủ đề “PMNM Từ Chính sách tới hiện thực”. Từ các kết luận trong nhiều năm trong đó có : “ xã hội hoá ứng dụng PMNM và  hình thành cộng đồng PMNM rộng khắp trên cả nước và có Hiệp hội người sử dụng PMNM, hình thành các trung tâm cấp chứng chỉ trình độ sử dụng PMNM và cả  tạp chí về PMNM”, với tư cách là tổ chức xã hội nghề nghiệp về CNTT-TT lớn nhất Việt Nam, tại Hội thảo này, Hội Tin học Việt Nam được có những ý kiến cụ thể hơn về “Xã hội hoá PMNM”  trước yêu cầu cấp bách của việc bảo vệ bản quyền phần mềm khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và tôn trọng Hiệp định Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs) bằng các tận dụng những ưu thế vốn có của PMNM thúc đẩy ứng dụng và phát triển PMNM sẽ là một trong những biện pháp hữu hiệu để hội nhập và giảm khoảng cách về công nghệ thông tin (CNTT), góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Với định hướng  xã hội hoá PMNM xin trích dẫn vài ý liên quan trong mục cùng suy ngẫn tờ Tin học & Đời sống số 11/2006 về NGUỒN MỞ - bài học 6 năm dang dở như sau ”... Nhát búa gỗ gõ xuống của ông Pascal Lamy báo hiệu Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO rồi sẽ (đã) nhanh chóng trở thành SÉT ĐÁNH NGANG TAI với các hộ tiêu dùng phần mềm máy tính VN...” với “... kỷ lục nhiều năm sẽ được quy đổi thành tiền...” và nhắc nhở: “... Hội nhập với tầm nhìn ngắn hạn hay vai trò xã hội của Hội nghề nghiệp phát huy quá chậm.”.
Các ý kiến tới đây được coi như những lời bình hướng tới đối tượng sử dụng rộng rãi các sản phẩm PMNM (xã hội hoá) chứ không đề cập tới chuyên môn sâu liên quan đến xu hướng phát triển của PMNM đã trình bày trong nhiều tham luận tại hội thảo này.
“Nhát búa gõ xuống” - lựa chọn gì : Phần mềm thương mại hay Phần mềm nguồn mở 
 Đầu tháng 11/2006, Hội Tin học Việt Nam (VAIP) gửi văn bản đóng góp ý kiến tư vấn, phản biện xã hội tới Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT đề nghị cân nhắc kỹ hơn khi đặt vấn đề sử dụng bản quyền phần mềm văn phòng đang thông dụng cho tất cả các cơ quan Chính phủ để giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam xuống mức thấp.
Cùng với các tài liệu tham khảo, VAIP đã nêu rõ những vấn đề sau: Tại sao phải thực hiện việc giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam; Đánh giá sơ bộ về thực trạng vi phạm bản quyền tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế; Động thái về sức ép hội nhập từ các thoả thuận sử dụng Phần mềm thương mại của các nhà sản xuất; Giải pháp và sản phẩm có thể thay thế; Sự đáp ứng của các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp tại Việt Nam;  và các giải pháp theo lộ trình hội nhập có thể chấp nhận nhằm giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm.
Như vậy nếu chỉ định dùng các sản phẩm phần mềm thương mại duy nhất như các phần mềm công cụ văn phòng có nghĩa câu hỏi sẽ phải đặt ra là: Phần mềm nguồn mở ở Việt Nam còn đất dụng võ, còn  hữu ích cho nhà nước, doanh nghiệp và xã hội hay không? Phát triển theo hướng nào? Ứng dụng ở đâu và Ai sẽ đầu tư phát triển? 
Vài con số và sự kiện mang ý nghĩa cảnh báo:
Sở cứ để dẫn đến áp lực hội nhập WTO xuất phát từ  báo cáo xếp hạng vi phạm bản quyền toàn cầu trong Báo cáo toàn cảnh CNTT dẫn từ báo cáo của  Liên minh phần mềm thương mại (BSA) và Tập đoàn IDG năm 2005 “Việt Nam và Zimbabwe là 2 quốc gia đứng đầu bảng vi phạm bản quyền phần mềm với tỷ lệ là 90% (tỉ lệ vi phạm chung toàn thế giới 35-40%), Indonesia đứng thứ nhì với 87%, Trung Quốc và Pakistan đồng hạng 3 với 86%...  với giá trị thiệt hại tài chính khoảng 38 triệu USD.” (không rõ đúng – sai cũng như cách tính  và con số ?).
Từ năm 2005 đến nay, liên tục các đoàn thanh tra đã “tuần tự” theo “chỉ dẫn” tiến hành kiểm tra các điểm kinh doanh máy tính và đưa con số giá trị mức độ vi phạm bản quyền (200-300 triệu/công ty). Trong liệt kê các bộ phần mềm vi phạm thường có Windows XP, Office XP, Autodesk, và 2 phần mềm Việt là bộ Từ điển Lạc Việt, bộ gõ Vietkey. Như vậy sau việc kiểm tra các Doanh nghiệp phân phối máy tính là các Doanh nghiệp có ứng dụng CNTT-TT và xu hướng  tiếp theo sẽ là các ngân hàng, dịch vụ viễn thông và cả các cơ quan quản lý nhà nước.
Vừa qua (từ 4/2006) một số cơ quan quan trọng đã làm gương cho phản ứng dây truyền mua bản quyền phần mềm văn phòng: tháng 4/2006 Bộ Tài chính ký thoả thuận mua 15.000 bản phần mềm văn phòng Office. Ngày 16/10/2006, Vietcombank đã ký thỏa thuận sở hữu trong vòng 3 năm 4.000 giấy phép sử dụng cho Microsoft Office 2003 đồng thời cũng sẽ được sử dụng hợp pháp sản phẩm này tại nhà, ngày 25/10 Công ty FPT ký thỏa thuận mua bản quyền phần mềm cho  4.500 máy tính. Điều này có vẻ ngược lại với Quyết định 169/2006/QĐ-TTg ngày 17/07/2006 qui định về việc đầu tư, mua sắm các sản phẩm CNTT của các cơ quan, tổ chức sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trong đó nêu rõ tại Điều 2, Khoản 1: “ Phải ưu tiên mua sắm, sử dụng sản phẩm công nghệ thông tin được sản xuất trong nước” và tại Điều 2, Khoản 5: “Ưu tiên đầu tư, mua sắm sử dụng các sản phẩm phần mềm nguồn mở, đặc biệt là các sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước khai thác, cung cấp”.
 Trong con mắt của giới CNTT, các sự kiện này được coi là chiến lược "tách bó đũa" để nhà sản xuất nước ngoài giành nhiều ưu thế hơn trong việc đàm phán về bản quyền.
Câu hỏi : ai sẽ mua tiếp? và ta thử tính theo “giá cả thị trưòng”:
Nếu Việt Nam quyết định giảm tỷ lệ vi phạm theo cách “mua hết bản quyền hệ điều hành và phần mềm văn phòng của nhà sản xuất” sẽ tốn một khoản chi phí khổng lồ. Cụ thể, Việt Nam đang có khoảng vài triệu PC đang sử dụng (trước WTO), và theo đánh giá tin cậy từ các nhà cung cấp PC, năm 2005, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 1,2 triệu PC mới, nếu tính thêm mức độ tăng trưởng 25% năm, như vậy trong 5 năm tới đây (kể từ khi gia nhập WTO) sẽ có tới 6 triệu PC mới phải tôn trọng bản quyền phần mềm (theo cam kết WTO), nghĩa là Việt Nam nếu dùng phần mềm thương mại cho văn phòng (thí dụ Windows và Office) sẽ phải trả bản quyền phần mềm cho 6 triệu PC x 500 USD là 3 tỷ Đô la Mỹ  (Giá trên mạng tháng 10/2006: Windows  - 236 USD, Office 2003 - 389 USD, tổng giá 500 USD cho một bộ đã tính giảm). Mặt khác, nếu mua bản quyền cho các cơ quan nhà nước, hiện đang có khoảng 2 triệu công chức và viên chức thì có thể tính được con số tới 1 tỷ Đô la cho việc chi trả bản quyền cho phần mềm văn phòng như đã dẫn trong các thí dụ trên (bản quyền chỉ có giá trị trong 3 năm).
Nếu 5 năm tới, không có sản phẩm “cạnh tranh” công bằng thì 500.000 doanh nghiệp, 22 triệu học sinh, sinh viên và giáo viên đang được học “chỉ có hệ điều hành Windows...”  mà đáng lý chỉ là thí dụ cho một hệ điều hành, sẽ dùng sản phẩm gì cho phổ cập và ứng dụng CNTT-TT và sẽ phải chi bao nhiêu cho bản quyền phần mềm?
Xét về khía cạnh thương mại thuần tuý xem ra Việt Nam chẳng thu được gì. Các phần mềm thương mại có thị trường sử dụng lớn hầu hết là các tên tuổi nước ngoài, tuy hầu hết các tên tuổi đều có văn phòng (hay thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam) nhưng hầu hết các sản phẩm vào thị trường Việt Nam đều bằng đường nhập khẩu với thuế xuất 0%, việc kinh doanh sản phẩm qua hệ thống các đại lý Việt Nam với thuế ưu đãi tuyệt đối bằng 0 nên xem ra với giá kinh doanh đại lý so với giá nhập khẩu thì thu lợi kinh doanh cũng chẳng đáng là bao và chắc phần thu được chỉ là hoả hồng bán hàng và chi phí quảng bá từ nhà sản xuất nước ngoài. 
Cần cân nhắc kinh nghiệm quốc tế :
- Trung Quốc (tỷ lệ vi phạm trong báo cáo BSA là 86%): triển khai chính sách “Người nội xài phần mềm nội”: Chính phủ Trung Quốc dự định cung cấp hơn 140.000 máy tính Linux cho các trường tiểu học và phổ thông cơ sở trên toàn tỉnh Giang Tô. Thỏa thuận này đã được công bố trong hội thảo Sun Wah Linux hồi tháng 10 năm 2005. Đây được coi là chiến dịch triển khai desktop Linux lớn nhất châu Á từ trước tới nay. Theo cam kết khi gia nhập WTO, để giảm bớt mức độ phụ thuộc vào các sản phẩm độc quyền nước ngoài, Trung Quốc đã quyết định thay thế ít nhất là vài chương trình Windows bằng Linux. Nhiều cơ quan công quyền tại địa phương và Trung ương đã bắt đầu cài đặt phần mềm nguồn mở, từ Bộ Khoa học, Bộ Thống kê , Ủy ban Lao động Quốc gia cho đến thành ủy Bắc Kinh. Chiến dịch chuyển đổi sang Linux này được cánh truyền thông đưa tin rất rầm rộ. Ngoài Linux, chính phủ Trung Quốc cũng hỗ trợ rất nhiều sản phẩm nguồn mở khác. Trong số này có NeoShine, một biến thể tiếng Trung của OpenOffice.org. Bản thân OpenOffice cũng được Trung Quốc đưa vào danh sách các sản phẩm văn phòng cần ưu tiên của chính phủ.Việc hậu thuẫn mạnh mẽ cho các phần mềm nội địa được giới phân tích nhìn nhận như một nhân tố quyết định trong sự lên ngôi của nguồn mở tại Trung Quốc, dẫu rằng không có quy định nào cấm sử dụng sản phẩm của Microsoft.
- Ấn Độ (74%): “Hãy nói theo cách (và tiếng) của bạn”: Chính phủ Ấn Độ đã tài trợ cho một sáng kiến phân phát miễn phí các đĩa CD có chứa phần mềm nguồn mở. Khoảng 3,5 triệu đĩa CD có chứa các ứng dụng nguồn mở bằng tiếng Tamil và 3,5 triệu CD bằng tiếng Hindi đã được phát hành đến tận tay cộng đồng.
- Thái Lan (84%): Tháng 11/2002, ông Thaksin Shinawatra - Thủ tướng Thái Lan đã yêu cầu Bộ Thông tin, Truyền thông và Công nghệ đưa ra một chương trình thúc đẩy phổ cập CNTT đến mọi người dân. Chương trình có tên là “People’s PC”, theo đó, chính phủ sẽ trợ giá để các hãng máy tính hạ giá bán PC được cài hệ điều hành Linux TLE (phiên bản tiếng Thái của hệ điều hành Linux và bộ phần mềm Open Office chạy trên nền Linux). Sự thành công của máy tính sử dụng hệ điều hành Linux TLE ở Thái Lan đã khiến ”giá bán cả sản phẩm Windows lẫn Office ở Thái Lan xuống còn khoảng 35 USD”. Theo các chuyên gia, chính sách của Chính phủ Thái Lan vừa có tính kích cầu, vừa mang tính phổ cập CNTT cho những người có thu nhập thấp đã góp phần làm giảm đáng kể tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm (còn 77% vào năm 2002).
- Với Indonexia (87%): có ý định để "sẽ phạt tượng trưng 1 USD cho mỗi bản phần mềm Microsoft bị sử dụng lậu tại Indonesia". Tuy nhiên, đại diện Microsoft và Bộ CNTT Indonesia vừa lên tiếng chính thức rằng, đây là thông tin thất thiệt!.
- Hàn Quốc (48%): “Tháng 2/2006 vừa qua, Uỷ ban thương mại công bằng Hàn Quốc đã ra quyết định phạt Microsoft 34 triệu USD và cáo buộc hãng phần mềm này đã lợi dụng thế thống trị trên thị trường Hàn Quốc bằng cách tích hợp  một số phần mềm vào trong hệ điều hành Windows. Theo phán quyết này, Microsoft sẽ phải cung cấp một phiên bản hệ điều hành Windows không có Windows Media Player và Windows Messenger. Và một phiên bản Windows có chứa các đường liên kết cho phép người dùng tải về các phần mềm khác của các đối thủ cạnh tranh.”. Đây là cách phát triển công nghiệp phần mềm (PMNM) của nước sở tại và theo đúng cam kết chống độc quyền trong lĩnh vực thương mại.
- Ý kiến của một Việt kiều có tâm huyết, Giáo sư Ngô Thanh Nhàn từ đại học New York có ý kiến sau : “VN gia nhập WTO là điều quan trọng đáng mừng trong quá trình hội nhập với kinh tế thế giới thoát khỏi sự cô lập, trong đó nước VN được hưởng một số lợi nhờ sự hủy bỏ các giới hạn xuất khẩu và được thâm nhập thị trường các nước phát triển... Nhưng như kinh nghiệm của nhiều nước đang phát triển khác, công dân VN có lẽ cần cảnh giác về việc Mỹ và các nước phát triển khác cạnh tranh trong thế cực kỳ mạnh, vi phạm luật của WTO, trong khi VN bị bắt phải tuân thủ triệt để.... Câu hỏi là vì sao chỉ chọn Microsoft mà không chọn các hệ điều hành tương đương “miễn phí” như OpenOffice như Trung Quốc?  Hơn nữa, chuẩn cp1258 trong hệ điều hành của Microsoft cho tiếng Việt không phải là chuẩn quốc tế?”-  TTO5/11/2006.
Như vậy cần phải có các nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế thật nghiêm chỉnh về vấn đề lựa chọn này với tiêu chí “ích nước, lợi dân” và lựa chọn cách đi để thực sự thúc đẩy ngành công nghiệp phần mềm và phát triển ứng dụng CNTT-TT đang còn non yếu của Việt Nam. 
Có giải pháp và sản phẩm cạnh tranh bình đẳng hay không? Chắc muộn hay chưa?
Có thể thay thế bằng Linux và OpenOffice hay các ứng dụng trên mạng chuẩn Web 2.0
- OpenOfice nguồn mở tải miễn phí trên mạng:
Microsoft Office là một bộ ứng dụng văn phòng hoàn chỉnh nhưng lại rất đắt đỏ. Mã nguồn mở chính là một giải pháp thay thế tối ưu. OpenOffice thậm chí bao gồm một số tính năng mạnh hơn chương trình của Microsoft như kết hợp thư, công thức cải tiến trong bảng tính…; tuy không thực sự chau chuốt như Microsoft Office nhưng hỗ trợ đắc lực cho nhu cầu sử dụng của người dùng.

- Việc cam kết  thực thi công ước Berne về sở hữu trí tuệ  và các cam kết hội nhập (WTO), giải quyết từng bước các vi phạm bản quyền phần mềm đặc biệt trong các cơ quan QLNN không đồng nghĩa với việc phải chỉ sử dụng bản quyền một số phần mềm văn phòng thông dụng  (chỉ có lợi cho nhà cung cấp độc quyền duy nhất).
- Hướng giải quyết cho việc sử dụng PMNM trước mắt chỉ là chuyển đổi thói quen sử dụng và xã hội hoá việc truyền bá cũng như hình thành hệ thống hỗ trợ người sử dụng. Nếu tính theo chi phí dịch vụ cho cài đặt, chuyển đổi và hỗ trợ toàn diện sang sử dụng như bộ OpenOffice thì  mỗi PC chỉ mất từ 10-20 USD.      
- Kinh nghiệm quốc tế cho thấy: cần giải quyết từng bước, có lộ trình về vấn đề vi phạm bản quyền phần mềm như các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái lan, Châu Âu và ngay cả ở Mỹ. Xu hướng xoá bỏ sự độc quyền ngày càng tăng và rõ ràng .
- Các tên tuổi lớn về phần mềm nguồn mở xu hướng dùng chung cho cộng đồng đang có khả năng cạnh tranh mạnh  gồm: Cộng đồng Linux – Open Office, Google, Yahoo ...
- Phần mềm nguồn mở là công cụ và phương tiện dạy học và nghiên cứu chủ lực trong các trường đại học và các viện nghiêm cứu nhằm thúc đẩy sáng tạo và tận dụng nguồn tài nguyên trí thức vô tận của con người. Điển hình: trong các quy định thi Olympic Tin học quốc tế cho cả học sinh và sinh viên đều quy định chỉ dùng phần mềm nguồn mở.
-   Xu hướng chung trên thế giới: công nghệ mới trên nền tảng phần mềm nguồn mở với chuẩn mở là Webservice, Web 2.0 tích hợp các ứng dụng trên nền Web (Internet), sẽ tạo cơ hội người sử dụng có thể “miễn phí” sử dụng các phần mềm tiện dụng thông thường tương đương với Office. Chẳng hạn, từ tháng 10/2006 , Google đã cung cấp dịch vụ dùng miễn phí công cụ văn phòng Google Docs trực tuyến tại địa chỉ
http://docs.google.com. Xu hướng công nghệ chung trên thế giới phát triển theo xu hướng chuẩn mở (open standard) và xoá bỏ độc quyền đặc biệt với các bản Microsoft Windows và Microsoft Office. Hướng hội tụ là ứng dụng trực tuyến trên mạng với các ứng dụng rất đa dạng kể cả Office.
-   Các hãng máy tính toàn cầu như HP, DEL, IBM, ACER từ lâu đã bán máy không cài hệ điều hành MS và để khách hàng tự do lựa chọn hệ điều hành và các ứng dụng của mình.
-   Nhiều hãng cung cấp ứng dụng Mã nguồn mở như: Mozilla:
http://www.mozilla.org,  Firefox : Trình duyệt web, Thunderbird : Trình xem email, Apache : http://www.apache.org, Sourceforge.net (cung cấp các dịch vụ mã nguồn mở lớn nhất thế giới với số dự án: 123. 659),SUN Microsystem: http://www.sun.com/software/opensource/, OpenOffice và các cộng đồng khác như: PHP, MySQL, PostgreSQL...
-    Hiện nay Văn phòng TW Đảng dùng phần mềm nguồn mở, Ngân hàng Sacombank, ACB sẽ dùng 100% Open Office để tiết kiệm chi phí. Nhiều đơn vị cung cấp phần mềm nguồn mở miễn phí và cung ứng dịch vụ như: Công ty  HPT Tp HCM, Trung tâm công nghệ phần mềm Huế Softech, Danang Softech... Như vậy chỉ cần tài trợ cho tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ sử dụng cho PMNM thì nhà nước chi không quá vài chục triệu đô la  so với việc chi trả bản quyền cho Phần mềm thương mại để giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền. 
Các kiến nghi đã được đề xuất tháng 11/2006:
Khẳng định: Việt Nam bắt buộc phải tôn trọng cam kết quan trọng khi gia nhập WTO là tuân thủ Hiệp định Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs), trong đó có bản quyền phần mềm máy tính, nhưng điều này không có nghĩa là “mua nhanh, mua hết, xoá hết” mà cần cân nhắc lộ trình, phương thức và biện pháp hội nhập theo cam kết. .
Kiến nghị Nhà nước phải đi đầu "gương mẫu" thực hiện với lộ trình phù hợp bằng cách nghiên cứu lộ trình, lựa chọn đa công nghệ, tránh đấu thầu độc quyền và cử đầu mối đàm phán , tránh mỗi Bộ, ngành tự đàm phán riêng để đối thủ lợi dụng. Trên lộ trình đó có thể đàm phán và kêu gọi đối tác cạnh tranh cùng tham gia từ nhà sản xuất đến nhà cung cấp về lộ trình và những cam kết giảm tỷ lệ. Đề nghị Chính phủ  có biện pháp mạnh các cơ quan, đơn vị dùng ngân sách nhà nước để mua  riêng lẻ với số lượng lớn đồng thời ngăn chặn quyết liệt việc xử dụng tuỳ tiện bừa bãi theo thói quen các phần mềm thương mại.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy nâng cao nhận thức và ý thức tiết kiệm cho đất nước trong tiến trình  hội nhập  bằng cách ứng dụng và phát triển các sản phẩm trong nước làm ra, khuyến khích sử dụng miễn phí các phần mềm có tính năng tương đương như Open Office, phần mềm nguồn mở, tăng cường ứng dụng chuẩn mở theo xu hướng công nghệ mới của Web 2.0 như Google, Yahoo, Sun, Oracle đang làm. Thúc đẩy tiến độ Dự án tổng thể "Ứng dụng và phát triển Phần mềm nguồn mở ở Việt Nam giai đoạn 2004-2008" theo Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 02/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở học tập kinh nghiệm quốc tế từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaixia, Châu Âu và ngay ở Mỹ.
Đề tăng tính hiệu quả, khả thi cho việc này, đề nghị Chính phủ chỉ đạo, hỗ trợ VAIP và các hội, hiệp hội về CNTT-TT nhanh chóng hình thành các trung tâm cũng như các cộng đồng Phần mềm nguồn mở nhằm hỗ trợ người dân, cộng đồng, doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sử dụng Phần mềm nguồn mở và Open Ofice miễn phí.
Tập hợp một số ý kiến từ BCH Hội Tin học Việt Nam và các Hội Tin học địa phương
VAIP tập hợp gần 20,000 hội viên từ 26 Hội Tin học thành viên, hơn 20 chi hội TW trong các Bộ-Ngành-Viện-Trường, hơn 30 các đơn vị hội viên tập thể là pháp nhân có hoạt động với quy mô liên tỉnh và toàn quốc, 5 đơn vị hoạt động khoa học công nghệ trực thuộc.
Từ QLNN: “Hội nên phát huy thế mạnh của mình, độc lập với các Bộ, kiến nghị Chính phủ phải hết sức thận trọng, nghiêm cấm các Bộ, các tỉnh tự đàm phán riêng rẽ.”
Nhận định: “Đối tác cũng thường xuyên ghé thăm, trong trao đổi họ hiện nay chưa coi trọng việc đàm phán với CP vì họ chưa thấy cách đó có hiệu quả (theo quan điểm lợi ích của họ) nên họ đi theo hướng đàm phán riêng với từng tổ chức”.
Từ Doanh nghiệp: ”Khuyến khích và yêu cầu các đơn vị trong nước sử dụng các PM ứng dụng xây dựng theo OSS đã có kiểm nghiệm, đặc biệt đối với đơn vị ngân sách bắt buộc phải sử dụng những PM miễn phí có tính năng tương đương, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.”
Chuyên gia khẳng định: “PMNM không phải để tiêu diệt thương phẩm mà là để hỗ trợ lẫn nhau”
Suy nghĩ: “Hiện nay các giải pháp phần mềm mã nguồn mở chưa thuyết phục, hoặc chưa có đơn vị nào quảng bá mạnh để thuyết phục người dùng, hoặc chưa có một chính sách đầy đủ, đồng bộ từ Chính phủ,...”
Từ địa phương: “Kiến nghị phổ biến, giảng dạy các phần mềm mã nguồn mở trong Chương trình nối mạng tri thức; khi triển khai Dự án Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử cũng phải tìm kiếm những phần mềm mã nguồn mở cho những ứng dụng tại doanh nghiêp để tăng tính cạnh tranh . .Phối hợp với các Hội Tin học địa phương chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc phát triển ứng dụng, tư vấn, triển khai,...”
Đề xuất cụ thể : “Để đóng góp cho quá trình phát triển ứng dụng CNTTcần nhiều về phần mềm mã nguồn mở và những phần mềm do VN phát triển, hướng đi này là cần thiết mà trước mắt là liên quan đến hệ điều hành và các công cụ văn phòng. Nếu đầu tư vào đây và phát miễn phí thì có lợi cho ứng dụng CNTT ở VN, kể cả vùng xa, trường học ... đồng thời có thể làm đối trọng đàm phán bản quyền và đóng góp làm giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền tại VN. Nên thành lập một công ty (trung tâm)của cộng đồng công nghệ thông tin VN chỉ để thực hiện mục tiêu công ích của nhà nước như nói ở trên. Nó vừa có trách nhiệm với nhà nước trên cơ sở quan hệ kinh tế, vừa có trách nhiệm quản lý và đóng góp nguồn lực của các doanh nghiệp CNTT VN để đạt mục tiêu hiệu quả hơn là mục tiêu lợi nhuận. Đây cũng là hình ảnh chung của cộng đồng CNTT VN.”
Với cộng đồng phần mềm nguồn mở:
Nhắc lại các kết luận trong nhiều năm “xã hội hoá ứng dụng PMNM và  hình thành cộng đồng PMNM rộng khắp trên cả nước và có Hiệp hội người sử dụng PMNM, hình thành các trung tâm cấp chứng chỉ trình độ sử dụng PMNM và cả  tạp chí về PMNM” :
Trước mắt xây dựng mô hình cộng đồng Phần mềm nguồn mở Việt Nam với mục tiêu : “Người Việt còn nghèo hãy dùng phần mềm nội để góp phần thúc đẩy phát triển đất nước”.
Về phía Hội Tin học Việt Nam sẽ cùng các bạn:
Tiến tới một cộng đồng Phần mềm nguồn mở Việt Nam năng động, đoàn kết và hữu ích cho người Việt sử dụng thành quả CNTT-TT. Tuyên truyền phổ biến chương trình “Hãy dùng nguồn mở” là ý thức tự trọng và tiết kiệm cho bản thân bạn và đất nước.
Nhanh chóng xây dựng chương trình phổ cập đến từng người sử dụng không phân biệt nhà nước, doanh nghiệp hay người sử dụng về tiện ích và khả năng dùng phần mềm nguồn mở thay thế cho các phần mềm đắt tiền. Xây dựng đề án một triệu phiên bản (CD) ứng dụng nguồn mở cho văn phòng và Internet cùng tài liệu hướng dẫn sử dụng đến tận tay mọi đối tượng.
Đề xuất xây dựng các Trung tâm ngiên cứu phát triển ứng dụng Phần mềm nguồn mở công đồng với mục đích hỗ trợ người sử dụng và thúc đẩy phát triển tiềm năng CNTT-TT Việt Nam. Tăng cường môi trường hợp tác kết hợp với đào tạo, nghiên cứu về phần mềm nguồn mở trong hệ thống giáo dục đào tạo đặc biệt tại các khoa đào tạo có liên quan đến CNTT-TT.
Đề xuất xây dựng các mô hình đào tào phổ cập (kể cả cấp chứng chỉ) cho chuẩn mở và ứng dụng Phần mềm nguồn mở cho toàn xã hội.
Tiếp tục thu thập và có các ý kiến tư vấn phản biện xã hội độc lập với định hướng ứng dụng và phát triển CNTT-TT Việt Nam trong đó có vai trò quan trong của xu hướng chuẩn mở và phần mềm nguồn mở đang là xu thế phát triển tất yếu của ngành CNTT-TT ngày nay./.

VAIP, Hà Nội 5/12/2006

 

 

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0