Kết quả này được đưa ra tại buổi lễ tuyên dương đội tuyển (ngày 18/1/2011) của khoa ATTT, Học viện Kỹ thuật Mật mã, đạt giải Nhất trong cuộc thi sinh viên với ATTT năm 2010 do Bộ GDĐT, Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam VNISA phối hợp tổ chức tháng 12/2010. Cũng cần nói thêm rằng, cho đến nay, Học viện Kỹ thuật Mật mã là địa chỉ duy nhất đào tạo chính quy bậc ĐH về ATTT trên cả nước.
Năm 2010 là năm đầu tiên cuộc thi được tổ chức trên quy mô toàn quốc. Đội tuyển của khoa ATTT, Học viện Kỹ thuật Mật mã (HVKTMM) đã giành chiến thắng vang dội: giành giải Nhất vòng loại khu vực phía Bắc và giải Nhất vòng chung kết.
Trong những lần thi trước, Đội tuyển của HVKTMM cũng đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với sinh viên các trường bạn. Năm 2008 họ chỉ bị loại ở câu hỏi phụ cuối cùng khi thi cùng đội chủ nhà - ĐH Bách Khoa Hà Nội (sau đó là đội vô địch). Năm 2009, đội tuyển HVKTMM giành giải Nhất và giải Ba.
Theo TS.Trần Đức Sự, Chủ nhiệm khoa ATTT, HVKTMM, dù mới thành lập (năm 2004), những “trái ngọt” mà các em đã dành cho gia đình và nhà trường hôm nay có được là nhờ sự quan tâm, đầu tư thích đáng của Ban lãnh đạo nhà trường, đặc biệt là việc chú trọng đầu tư các phòng thí nghiệm và trang thiết bị thực hành.
Được biết, toàn khoa có 10 phòng học thực hành và giảng dạy lý thuyết chất lượng cao. Mỗi phòng thực hành có từ 30 - 40 máy tính độc lập, máy chiếu, màn chiếu, điều hòa, nối mạng; các phòng học CCNA, MCSA được đầu tư toàn bộ thiết bị của chính hãng Cisco, Microsoft và các hãng thiết bị máy tính nổi tiếng như Dell, HP… Phòng học lý thuyết được cách âm, trang bị đầy đủ các thiết bị trình chiếu như bảng thông minh, máy chiếu, camera IP. Khoa còn có 01 phòng thi trắc nghiệm để phục vụ các môn thi trắc nghiệm trên máy tính.
|
Thăm quan Phòng thực hành của khoa ATTT, HVKTMM. |
Nguyễn Hồng Hà, một cựu sinh viên của Khoa cho biết phần lớn các môn học sinh viên đều phải tham gia thực hành, từ xây dựng mạng máy tính, xây dựng hệ thống an ninh an toàn mạng, an toàn hệ điều hành, tính toán mức độ an toàn trong mạng máy tính, an toàn về cơ sở dữ liệu nhạy cảm, an toàn vật lý và an toàn sinh trắc...
Cũng theo Hà, nhờ được trang bị kiến thức toàn diện, khi ra trường, sinh viên của Khoa có thể làm việc được ở cả 2 lĩnh vực CNTT và ATTT. Đối với Hà, dù làm quản trị chất lượng cho một công ty phần mềm và vấn đề này Hà chưa được tiếp xúc nhiều trước đó nhưng do được đào tạo về ATTT, Hà nhìn nhận và xử lý công việc này với một cách nhìn khác nên đạt hiệu quả vượt bậc.
Hà cho biết, dù mới ra trường nhưng đến nay, nhiều bạn đã giữ các vị trí khá cao như quản lý ngành dọc của Viettel Telecom; hay làm trưởng bộ phận tại các phòng chứng thực thư tại các ngân hàng, quản trị hệ thống mạng của các công ty phần mềm lớn. Hầu hết các bạn khi mới đi làm đều có mức lương khởi điểm từ 4 triệu - 6 triệu đồng, thậm chí nhiều bạn lương khởi điểm 7 triệu - 10 triệu đồng.
TS.Trần Đức Sự cho biết, trong năm 2011, Ban lãnh đạo khoa và Học viện đang lên kế hoạch mở rộng và nâng cao chất lượng đầu vào của sinh viên ATTT; nâng cao chất lượng giảng viên thông qua việc khuyến khích học lên tiến sĩ, đào tạo ở nước ngoài. Đối với các hoạt động đào tạo, nhà trường vẫn tiếp tục tăng cường các trang thiết bị thực hành, cập nhật giáo trình và mở rộng liên kết với các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên đi thực tập.
Theo www.pcworld.com.vn