Cập nhật: 18/01/2011 |
Ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở tại Hoa Kỳ |
|
Tại Việt Nam hiện nay, nhiều người, thậm chí cả những người đang làm việc trong lĩnh vực CNTT, cho rằng phần mềm tự do nguồn mở (PMNM) không phải có xuất xứ từ Mỹ và thậm chí nhiều người còn cho rằng việc ứng dụng và phát triển PMNM là một biểu hiện của việc chống lại nước Mỹ. Đó thực sự là một sự hiểu nhầm hết sức đáng tiếc.
|
|
Để có thể đánh giá được những yếu tố chính đóng góp cho việc sử dụng PMNM trong xã hội Hoa Kỳ, chúng ta sẽ lần lượt điểm qua những hoạt động, những sáng kiến quan trọng có liên quan tới PMNM trong khu vực nhà nước, khu vực tư nhân, các trường đại học và các cộng đồng PMNM tại Hoa Kỳ.
Khu vực nhà nước
-
Ngay từ tháng 10/2000, Ủy ban Tư vấn về Công nghệ Thông tin và Truyền thông (PITAC) đã đệ trình một báo cáo về “Phát triển phần mềm nguồn mở để cải tiến điện toán cao cấp”, trong đó Ủy ban này đã khuyến cáo chính phủ Liên bang thúc đẩy sự phát triển và sử dụng PMNM, đảm bảo sao cho các qui định của cuộc chơi đối với PMNM là y hệt như với các phần mềm sở hữu độc quyền trong các vụ thầu của nhà nước, và phân tích các giấy phép PMNM đang tồn tại khi đó.
-
Một báo cáo khác, “Phát triển một lựa chọn nguồn mở cho NASA” (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ), đã nói rằng sử dụng PMNM tại NASA có thể dẫn tới một sự cải thiện trong phát triển phần mềm, tăng cường sự cộng tác và tạo ra sự phổ biến có hiệu quả cao hơn.
-
Trong năm 1998, tổ chức Sáng kiến Nguồn Mở OSI (Open Source Initiative) đã được thành lập với nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển và triển khai PMNM trong chính phủ các cấp liên bang, bang và địa phương. Tổ chức này hành động như một chất xúc tác giữa khu vực nhà nước và tư nhân.
-
Trong năm 2003, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã phê chuẩn một biên bản ghi nhớ, trong đó qui định cho các cơ quan trong Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ sử dụng PMNM bất kỳ khi nào mà nó đáp ứng được những yêu cầu về an ninh truyền thông Quốc gia và an ninh các hệ thống thông tin Quốc gia, cũng như các qui định của Bộ Quốc phòng.
-
Năm 2003, dự án “PMNM trong khu vực nhà nước”, được sự hỗ trợ của Khối cộng đồng Massachusetts (Commonwealth of Massachusetts) và cùng với sự cộng tác của Viện Công nghệ Massachusetts, đã bắt đầu đi vào hoạt động để tạo điều kiện sử dụng lại các phần mềm được phát triển bởi khu vực nhà nước. Vào năm sau, Văn phòng Quản lý Ngân sách đã phê chuẩn một bản ghi nhớ yêu cầu các chi phí mua sắm và duy trì phần mềm phải được xem xét trong các quá trình mua sắm của khu vực nhà nước, theo sự kiểm tra về an ninh và các yếu tố riêng tư về thông tin.
-
Trong năm 2003, bang Oregon đã trình bày đề xuất cho Luật 2892 mà nó yêu cầu các cơ quan của bang này xem xét việc sử dụng cho tất cả các phần mềm mới mua. Tương tự, bang Texas đã trình bày một đề xuất cho Luật 1579 trong cùng năm, với cùng mục tiêu. Trong năm 2004, bang California đã phê chuẩn khuyến cáo triển khai PMNM bất kỳ khi nào có thể trong các cơ quan nhà nước, và bang Hawai đã phê chuẩn việc đưa ra một dự án thí điểm để triển khai PMNM trong Bộ Giáo dục.
-
Trong năm 2004, một mốc quan trọng đã xảy ra, khi mà lần đầu tiên tại Hoa Kỳ, một cơ quan liên bang trực thuộc Bộ Lao động đã tung phần mềm ra theo một giấy phép PMNM là GPL. Sau sự việc này, một vài bang đã hiệp lực trong tổ chức “Cộng tác mã nguồn mở của Chính phủ” (GOCC), tạo ra một không gian ảo cho sự cộng tác tình nguyện giữa khu vực nhà nước và các viện hàn lâm phi lợi nhuận. Mục tiêu là để khuyến khích tạo ra một kho chung các mã nguồn mở và những thực tế tốt nhất được phát triển từ khu vực nhà nước.
-
Trong năm 2005, bang Oregon đã phê chuẩn một ngân sách 1.2 triệu euro để tạo ra Trung tâm Kinh doanh các Công nghệ Mở OTBC nhằm tạo điều kiện tạo ra các doanh nghiệp PMNM. Trung tâm này quản lý các “Phòng thí nghiệm phát triển nguồn mở”, một nhóm các công ty Linux. Cùng năm đó, bang Masachusetts đã phê chuẩn sử dụng bắt buộc định dạng tài liệu mở ODF.
-
Vào tháng 01/2009, tổng thống Obama đã yêu cầu một báo cáo từ chủ tịch của Sun Microsystems, Scott McNealy. Theo báo cáo của McNealy, “Chính phủ nên cho phép sử dụng các sản phẩm PMNM để cải thiện an ninh, có được phần mềm chất lượng tốt hơn, giảm được chi phí và đạt được độ tin cậy tốt hơn – tất cả những lợi ích vốn dĩ là bản chất của PMNM.
-
Vào tháng 2/2009, một loạt các công ty và các tay chơi trong lĩnh vực PMNM đã viết một hiến chương cho tổng thống Obama, yêu cầu ông xem xét PMNM, viện lý rằng nó có thể giảm thiểu chi phí trong nhiều lĩnh vực. Các công ty đã ký bản hiến chương này bao gồm Collaborative Software Initiative, Alfresco, Novell, OpenLogic, Red Hat, Unisys, Talend, MuleSource, CSI và các công ty khác.
-
Vào tháng 11/2009, Website chính thức của Nhà Trắng đã chuyển sang Drupal, một trình quản trị nội dung PMNM. Tổng thống Obama đã từng tuyên bố bản thân ông là một “fan” hâm mộ của PMNM thậm chí trước khi được bầu, ông ủng hộ các định dạng tài liệu mở ODF trong năm 2007 khi ông đã từng sử dụng PMNM trong chiến dịch tranh cử của mình.
-
Một số dự án có liên quan tới PMNM trong khu vực nhà nước như dự án “Hệ thống hồ sơ y tế điện tử EHR” được triển khai tại Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ; Hệ thống hồ sơ y tế số VistA để cải thiện chất lượng của hệ thống y tế mà các cựu chiến binh sử dụng. Các phiên bản khác nhau của VistA đã và đang được sử dụng trong hệ thống y tế quân sự của Bộ Quốc phòng, trong Bộ Y tế và Dịch vụ Y tế Bẩm sinh Hoa Kỳ tại Alaska. Ngoài Hoa Kỳ, hệ thống này đã từng được triển khai tại Viện An ninh Xã hội Mexico, Viện Tim mạch tại Berlin và Viện Ung thư Quốc gia tại Đại học Cairo.
Khu vực tư nhân
Theo khảo sát của Actuate năm 2009, 41% các công ty nói rằng họ đã và đang sử dụng PMNM rồi, 5.6% đang trong quá trình triển khai và chỉ 11.8% đã không có kế hoạch ứng dụng PMNM. Các công nghệ PMNM được sử dụng phổ biến nhất là Apache (43.2%), Tomcat (31.5%) và MySQL (30.7%). Động lực thực sự đằng sau việc khởi xướng và sử dụng PMNM tại Hoa Kỳ từng là sự xuất hiện của các nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ PMNM với một mô hình kinh tế có lợi nhuận, bền vững. Hoa Kỳ là nơi có những công ty PMNM hàng đầu thế giới. Nổi bật là hãng Red Hat, một nhà phân phối PMNM với các dịch vụ hỗ trợ. Mô hình kinh doanh của Red Hat dựa vào mô hình thuê bao dịch vụ, cung cấp sự duy trì và hỗ trợ kỹ thuật cho PMNM mà hãng đưa ra thị trường.
Các công ty lớn khác trong nền công nghiệp công nghệ thông tin như IBM, Oracle, HP, … cũng đang tham gia vào lĩnh vực PMNM. Nhiều công ty PMNM khác như Alfresco, Windriver, BlackDuck, Ingres, Pentaho, ZenPMNM, Liferay, Navica...
Trong năm 2009, một nhóm các công ty công nghệ lớn trên thế giới, bao gồm cả Google, Red Hat, Oracle, Novell, Canonical và AMD, cũng như các hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng PMNM và các thực thể nghiên cứu, đã hình thành một nhóm gọi là Nguồn Mở vì nước Mỹ OSFA (Open Source For America). Mục tiêu của nhóm này là để giải thích những lợi ích của việc sử dụng PMNM trong các cơ quan hành chính nhà nước Hoa Kỳ, bằng cách đó đạt được một sân chơi bình đẳng giữa các PMNM và sở hữu độc quyền trong các qui trình đấu thầu. Nhóm này hy vọng giành được các chứng chỉ của liên bang cần thiết để có khả năng tham gia vào tất cả các vụ thầu phần mềm và dịch vụ cho các cơ quan hành chính nhà nước Hoa Kỳ, bao gồm cả các dự án điện toán an ninh cao.
Các trường đại học
Hầu hết các công ty PMNM đã thấy sự tham gia của các trường đại học vào các cộng đồng và các dự án PMNM cũng như việc đóng góp về tri thức cho PMNM của họ là quan trọng.
Các trường đại học cũng đang trong quá trình ứng dụng PMNM và cung cấp hỗ trợ cho sự phát triển của mình. Những ví dụ về các trường đại học mà hỗ trợ Linux cho máy tính để bàn như Đại học Boston, Đại học Indiana, Đại học Công nghệ Massachusetts (MIT), Đại học Princeton, Đại học Washington, … và các trường đại học mà đưa ra các khóa học về Linux như MIT, UCLA, Đại học Washington, ….
MIT đã triển khai một nghiên cứu hoàn chỉnh “Sự hỗ trợ của hệ thống thông tin đối với Linux trên máy tính để bàn” mà mục đích là đánh giá liệu Linux có nên được mở rộng cho toàn bộ các trường đại học hay không. Sau nghiên cứu này, MIT đã tăng tốc cho sự hỗ trợ Linux, bắt đầu với các máy tính xách tay của chính các sinh viên của MIT.
Phòng thí nghiệm PMNM tại Đại học Oregon (OSUOSL) hỗ trợ các cộng đồng và các dự án khác nhau dựa vào các PMNM như Linux, Apache, GNOME và Mozilla, cung cấp cho các công ty khả năng về tài nguyên mà họ ban đầu không thể có được, cũng như là các dịch vụ nhanh và an ninh.
Một số ít các trường đại học đã tiến hành các khảo sát về sử dụng Linux trong các nhân viên và sinh viên. Tại MIT, 22% các sinh viên đã sử dụng Linux trên các máy tính của họ vào năm 2000; tại New Mexico Tech, 20% giáo viên đã sử dụng Linux trên các máy tính làm việc của họ vào năm 2002; tại Đại học Bắc Carolina, 15% những người được hỏi đối với khảo sát này đã sử dụng Linux; tại Đại học Texas, 8% những người được khảo sát đã sử dụng Linux trong năm 2000; và tại Harvard, 4% các sinh viên đã sử dụng Linux trong năm 2001. Nói chung, dường như là Duke, Yale và MIT là dẫn đầu trong số này về sử dụng Linux.
Các cộng đồng
Sự hỗ trợ của các tổ chức tư nhân cũng đã đóng một vai trò quan trọng, bổ sung cho sự hỗ trợ của chính phủ. Các tổ chức cộng đồng được nêu dưới đây không chỉ có ý nghĩa đối với Hoa Kỳ, mà còn có ảnh hưởng tới toàn bộ phong trào PMNM toàn cầu.
-
Quỹ Phần mềm Tự do FSF (Free Software Foundation), được thành lập từ năm 1985, là tổ chức chính hỗ trợ dự án GNU. Các mục tiêu của FSF là để giữ gìn, thúc đẩy và bảo vệ việc sử dụng, nghiên cứu, sao chép, sửa đổi và phân phối lại một cách tự do các phần mềm, và để bảo vệ các quyền của những người sử dụng PMNM.
-
Liên minh Giải pháp Mở OSA (Open Solution Alliance) gần đây đã nổi lên như một sáng kiến của tư nhân để hỗ trợ PMNM. Được thành lập vào năm 2007, nhiệm vụ của nó là để mở rộng thị trường PMNM thông qua các hoạt động cộng tác. Trong số các công ty mà đã tham gia sáng kiến này có Black Duck, Ingres, Jaspersoft, Unisys, Talend, SourceForge và OpenBravo.
-
Tổ chức “Sáng kiến Nguồn Mở” OSI (Open Source Initiative), một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 1998 với mục tiêu thúc đẩy mã nguồn mở. Hiện hành, một trong những hoạt động nổi tiếng nhất là việc duy trì định nghĩa của PMNM và cấp chứng chỉ cho các giấy phép tuân thủ với định nghĩa này, tạo ra một mối liên hệ tin cậy trong các lập trình viên, những người sử dụng, các công ty và các chính phủ.
-
Đặc biệt là FPMNMBazaar.org, một cộng đồng trong đó một nhóm làm việc của Quỹ Linux (Linux Foundation) tạo điều kiện giao tiếp giữa những người sử dụng và các chuyên gia PMNM. Cộng đồng này đã được hình thành từ những công ty và tổ chức ICT sau: Quỹ Linux, Coverity, Google, Novell, Olliance Group, OpenLogic, DLA Piper, SourceForge và HP. Cộng đồng này do hãng HP dẫn dắt với mục tiêu duy trì sự tồn tại của một site chuyên về những thực tiễn tốt nhất trong quản lý PMNM tại các công ty, sự phát triển và triển khai các qui trình tạo ra các chính sách về PMNM trong các công ty, và các chủ đề có liên quan tới sự lựa chọn, mua sắm và triển khai PMNM tại các công ty.
Kết luận
Trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển PMNM, Hoa Kỳ là nơi khởi xướng và cùng với châu Âu, Hoa Kỳ cũng là một trong những trung tâm hàng đầu thế giới dẫn dắt phong trào này. Để đạt được mức độ ứng dụng và phát triển PMNM như Hoa Kỳ không phải là dễ dàng đối với mọi quốc gia.
Hoàn toàn là sai khi nói ứng dụng và phát triển PMNM là chống lại nước Mỹ.
Theo www.vnfoss.blogspot.com |
|