Thứ sáu, 29/11/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 17/01/2011
Nhân lực - "mỏ vàng" để CNTT và truyền thông cất cánh

Để CNTT và truyền thông trở thành một trong ba đột phá thúc đẩy nền kinh tế xã hội trong 5-10 năm tới, phải bắt đầu từ cải cách lại toàn bộ hệ thống giáo dục, đặc biệt trong lĩnh vực thông tin truyền thông để phát huy được thế mạnh của ngành, của nền kinh tế trí thức.

TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT và ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam (VAIP) sáng 14/1 đã cùng trực tuyến với độc giả VEF về chủ đề: "Công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông: Điểm đột phá đi lên cho nền kinh tế Việt Nam".

Trong Phần 1, hai vị khách mời đã điểm lại những thành tựu của ngành CNTT & truyền thông Việt Nam trong 10 năm qua cũng như một số tồn tại cần khắc phục. Các giải pháp để CNTT & truyền thông trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới - xin trân trọng giới thiệu trong Phần 2 trực tuyến này.

Hãy đổi cách tiếp cận về kinh tế tri thức

Nhà báo Bình Minh: Ngành CNTT & Truyền thông của Việt Nam đã có những đóng góp nhất định vào phát triển GDP, như ví dụ TS. Mai Liêm Trực đưa ra là trong năm qua, 2 doanh nghiệp di động là Viettel và Mobifone đều lọt vào TOP 10 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập DN nhiều nhất Việt Nam. Điều đó chứng tỏ kinh doanh trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ đang đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế, hơn các ngành nghề khác như ngân hàng hay bất động sản, thậm chí cả dầu khí.

Vậy, thưa TS. Mai Liêm Trực, để thúc đẩy đóng góp vào GDP quốc gia từ ngành CNTT và truyền thông, Việt Nam nên khai thác từ những lĩnh vực nào?

TS. Mai Liêm Trực: Đúng là đóng góp về thuế của hai doanh nghiệp di động Việt Nam vào GDP năm 2010 khoảng hơn 7%, gần 8%.

So với các ngành kinh tế khác, tôi cho rằng xuất khẩu của chúng ta cao hơn rất nhiều trong năm vừa qua. Tuy nhiên, toàn bộ xã hội đều có chung đánh giá, trong xuất khẩu của chúng ta giá trị gia tăng thấp. Hay nói cách khác, hàm lượng chất xám làm được; hàm lượng công nghệ đóng góp vào các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam thấp.

TS. Mai Liêm Trực (phải) và ông Nguyễn Long tại buổi trực tuyến với chủ đề: "CNTT)và truyền thông: Điểm đột phá đi lên cho nền kinh tế Việt Nam" (ảnh Lê Anh Dũng)

Ở đây, ngành CNTT & Truyền thông thực chất là một. Bản thân nó đã đang chuyển sang nền kinh tế trí thức. Mặt khác, nó lại đóng góp vào tất cả các ngành kinh tế chuyển sang nền kinh tế trí thức. Ở đây, cách tiếp cận của chúng ta đối với ngành công nghiệp trí tuệ khác với ngành công nghiệp vật chất.

Trở lại vấn đề anh Nguyễn Long và nhà báo Bình Minh vừa nêu, ví dụ như định mức các sản phẩm phần mềm CNTT của Việt Nam. Nếu chúng ta dùng tư duy của nền công nghiệp vật thể, công nghiệp vật chất, công nghiệp cơ khí, công nghiệp xây dựng cơ bản để áp vào là hoàn toàn không phù hợp. Bây giờ ta có biết định mức vẽ một bức tranh là giá bao nhiêu tiền không ? Anh để tôi định mức vẽ một bức tranh không được. Nó là nền công nghiệp trí tuệ.

Có lần một sỹ quan Đức khi chiếm nước Pháp đã bắt Picasso. Hắn tỏ ra ham mê nghệ thuật. Picaso vẽ một bức tranh bán 20.000 USD, hắn hỏi tại sao lấy cao thế. Picasso trả lời để có bức tranh vẽ trong 2 tiếng đồng hồ này, ông đã phải học 40 năm mới vẽ được chứ không phải chỉ ngồi chấm mực rồi vẽ nó lên.

Cho nên, khi đối xử với ngành công nghiệp trí thức, nền công nghiệp trí tuệ chúng ta phải có cách tiếp cận khác. Tôi cho rằng đó là một trong những vướng mắc ta chưa tháo gỡ được mà cứ vướng mắc mãi.

Lâu nay ta cứ định mức phần mềm, thực ra nội dung này chỉ vướng mắc ở các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước thôi, do hệ thống quản lý rất chặt chẽ. Chứ nền kinh tế thị trường, cứ hiệu quả là người ta làm và thực chất như thế nào là qua đấu thầu chứ không phải áp dụng định mức.

Trong hệ thống ngân sách nhà nước, việc chúng ta quản lý đương nhiên là một chuyện. Nếu các cơ quan nhà nước dùng tư duy của xây dựng cơ bản công trình với tư duy vật thể để định mức các sản phẩm của công nghiệp trí tuệ, ví dụ như sản phẩm phần mềm, là rất khó khăn.

Tất nhiên trong công nghệ phần mềm có những cái người ta có thể định mức được, nhưng giá trị của sản phẩm nghệ thuật, giá trị của sản phẩm phần mềm không thể đánh giá bằng định mức được. Chúng ta phải dần dần chuyển cái đó ra xã hội bằng đấu thầu. Bằng đấu thầu là đúng nhất, khi đó, giá trị của nó mới được đánh giá đúng chứ không như một quan chức ngồi tính toán cái này làm bao nhiêu giờ? Cách tiếp cận phải hoàn toàn khác.

Nhưng ở nước ta lại có một việc: thống doanh nghiệp nhà nước của chúng ta rất nhiều, chiếm tỷ trọng rất lớn. Điều đó trở thành gánh nặng trong khâu quản lý ngân sách.

Khi tôi làm tổng giám đốc VNPT hay tổng cục trưởng, tôi là chủ tài khoản. Tôi cũng rất lo lắng khi sử dụng phần mềm của Việt Nam. Tại vì mình mua cái tổng đài 5-7 triệu đô la mà phần mềm chưa có thương hiệu thì mình cũng run. Run về trách nhiệm cho nên chưa dám sử dụng mạnh.

Các sản phẩm phần mềm của Việt Nam chẳng hạn, lúc đấy người ta trách nhiệm nên muốn dựa vào một định mức nào đấy, chứ thực ra đứng về hiệu quả, các sản phẩm phần mềm của ngành công nghiệp trí tuệ hoàn toàn khác, cách tiếp cận của chúng ta hoàn toàn khác.

Cho nên, các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đưa ra là tốt, những đóng góp của chúng ta vào là tốt nhưng về GDP thì tôi cho rằng, với tính chất một ngành kinh tế kỹ thuật đóng góp vào ngân sách, tỷ trọng vào GDP chỉ nói lên khía cạnh hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp CNTT & Truyền thông.

Tôi cho rằng đóng góp vào GDP cao hơn 8%, cao hơn 10% chính là các doanh nghiệp CNTT & Truyền thông đã tạo điều kiện cho tất cả các hoạt động xã hội, từ học hành, vui chơi, làm ăn, buôn bán, quản lý nhà nước... tất cả những hoạt động đó giúp tiết kiệm sức lực, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nhiên liệu, tiết kiệm tiền bạc.

Như ông Nguyễn Long vừa nói, bây giờ Bộ KH-ĐT cấp giấy đăng ký giấy phép kinh doanh qua mạng thay vì xếp hàng như trước. Những cái đấy tôi cho là còn lớn hơn cả đóng góp trực tiếp vào mặt vật chất trong 8% GDP hay trong 15.000-20.000 tỷ đồng của 2 doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách nhà nước là Mobifone và Viettel trong năm qua. Yếu tố này cảm thấy như gián tiếp nhưng thực ra lại là hoạt động trực tiếp trong nền sản xuất của ngành CNTT & Truyền thông Việt Nam.

Đây cũng là vấn đề của các cơ quan nhà nước, của toàn bộ xã hội. Ví dụ như trong nền kinh tế thị trường, chúng ta phát triển mạng hệ thống xã hội mạnh, thì lúc đấy người ta sẽ tự tìm cách sử dụng hiệu quả nhất các sản phẩm cũng như dịch vụ của CNTT & Truyền thông. Khi đó, hiệu quả cứ tưởng là gián tiếp nhưng thực ra là trực tiếp vào toàn bộ các hoạt động của xã hội, đặc biệt là về kinh tế.

Ông Nguyễn Long: Tôi xin bổ sung thêm một chút. Điều lúc nãy tôi đề cập và ông Trực vừa nói ra thì rõ ràng là CNTT, ngoài đóng góp trực tiếp thì gián tiếp cực kỳ lớn.

Ở đây tôi muốn nói thêm một ý, nếu quản lý nhà nước với môi trường chính sách thuận lợi thì bản thân những đóng góp gián tiếp đó giúp thị trường doanh nghiệp phát triển. Khi môi trường của chúng ta nó chưa rõ ràng, như bài toán định mức vừa đề cập, thì làm sao có doanh nghiệp nào dám làm. Đấy là chưa kể Luật Sở hữu trí tuệ.

Hiện nay, tôi ví dụ thôi, FPT là một công ty chuyên về CNTT lớn nhất, thế nhưng bản thân họ đã có sản phẩm gì mang thương hiệu FPT... abc giống như của MISA hay không? Đấy là vấn đề chúng ta trăn trở. Bản thân họ muốn nhưng tại sao họ chưa làm?

Điều chúng ta mong muốn là môi trường. Với một môi trường chính sách, môi trường pháp lý thuận lợi từ cơ quan nhà nước sẽ tạo ra thị trường. Thị trường quay lại để thúc đẩy ngành phát triển. Đây vẫn là những trăn trở nên hầu hết các công ty làm dịch vụ CNTT vẫn theo hướng phát triển phần mềm phục vụ trong nước.

Còn ở nước ngoài là họ làm thuê. Hiện chỉ một số ít là tiến tới làm theo kiểu chủ thầu dự án, tức từ thầu phụ thành thầu chính. FPT là một tấm gương.

Như ông Trực cũng biết, từ xưa chúng tôi đều mơ ước có một phần mềm nào thương hiệu Việt vượt khỏi tầm Việt Nam, có giá trị. Tất cả người Việt Nam ta biết đều mơ ước được như  Bill Gates, nhưng cách đi của chúng ta như thế nào hay chúng ta phải bắt chước y hệt Bill Gates?.

Công nghệ trí tuệ này rất khác nên trong thời gian đây, Bill Gates không phải là thần tượng trong giới trẻ nữa mà là Google, là Facebook. Đấy là những mạng xã hội mà khi môi trường chính sách, sự điều hành tốt từ cơ quan quản lý thường trực sẽ thúc đẩy phát triển. Phát triển trên 2 khía cạnh: một cho nội tại của cả ngành, hai là thúc đẩy nền kinh tế trí thức.

Nhà báo Bình Minh: Vậy để hiện thực hóa tư tưởng cũng như kỳ vọng của quyết định số 1755 QĐ- TTg để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển về lĩnh vực CNTT & Truyền thông thì theo ông, chúng ta cần triển khai gì để CNTT & Truyền thông, các dịch vụ CNTT tăng trưởng, đem lại giá trị hiệu quả cao hơn trong vòng 10 năm tới?.

Ông Nguyễn Long: Vấn đề này tôi cũng xin chia sẻ với ông Trực. Ông Trực đã phụ trách vấn đề này rất nhiều năm, cách đây 5 năm cũng đã manh nha tổng kết nhưng không thành công lắm. Lần này quyết tâm là 10 năm.

Nền tảng của quyết tâm 10 năm, như mong muốn của tất cả doanh nghiệp CNTT, là cần có một chỉ thị, một chương trình hay một đề án mới để làm nền tảng thúc đẩy sự phát triển của ngành, mà nội hàm của nó là đề án đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh CNTT.

Tuy nhiên, chúng tôi tạm đánh giá đề án này mới chỉ là cái khung. Trước đây, chúng ta nói đề án đề cập tới các trục để phát triển ngành CNTT với 6 mục tiêu, định hướng rõ ràng bao phủ các lĩnh vực. Nhìn nhận ở từng khía cạnh, ngay trong lĩnh vực viễn thông là băng thông rộng, viễn thông Internet tới vùng sâu vùng xa để nâng cao đời sống văn hóa và công việc cho bà con, nguồn nhân lực sẽ tăng lên 1 triệu.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên thì cách thực hiện còn phải bàn thêm. Hiện nay kèm theo đề án có liệt kê 6 đề mục, đòi hỏi các lực lượng xã hội cần chung tay làm rõ hơn để các mục tiêu và cách thức của đề án trở nên cụ thể, rõ ràng thì chúng ta mới có thể thành công.

Bộ Thông tin - Truyền thông đang rất nỗ lực, coi đây là nhiệm vụ chính trị của ngành, nhưng nhiệm vụ đó có thành công hay không thì phải cần cụ thể hóa thành những việc làm cụ thể. Vấn đề phát triển phần mềm cần tư duy của nền kinh tế tri thức chứ không phải là xây cái nhà nữa.

Thứ hai phải làm rõ vai trò của ngành CNTT, ngoài phát triển nội hàm còn phải thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức trong các ngành khác, kể cả những ngành vốn cần ít chất xám vì ý nghĩa và tác dụng nâng cao hiệu quả năng suất khi áp dụng CNTT là rất cao.

Đề án đã được phê duyệt tháng 9/2010, và tôi mong đề án sớm được cụ thể hóa rõ ràng vì nó bao trùm lên khắp các lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế.

Muốn "đánh" xứ người, "chuông" trong nước cần kêu vang

Nhà báo Bình Minh: Thưa TS. Mai Liêm Trực, làm thế nào để các doanh nghiệp CNTT Việt Nam có quyết tâm và có những thương hiệu cũng như sản phẩm CNTT đưa ra thế giới?

TS.Mai Liêm Trực:Muốn vươn ra thế giới, tất yếu các doanh nghiệp phải có được thương hiệu trong nước. Các doanh nghiệp muốn "đem chuông đi đánh xứ người" mà trong nước không được người tiêu dùng chấp nhận, không có thương hiệu thì không thể làm được.

Cho nên, thương hiệu của các doanh nghiệp của Việt Nam trong quá trình phát triển của mình phải nghĩ tới, đó là tại thị trường nội địa - một thị trường không hề nhỏ với gần 100 triệu dân. Làm tốt thương hiệu trong nước là một định hướng hết sức rõ ràng.

Ví dụ, Viettel đã khá thành công khi thâm nhập thị trường viễn thông, Internet nước ngoài, FPT cũng thành công bước đầu ở Nhật Bản và một số nước... thì trước tiên, hai doanh nghiệp này đã xây dựng được thương hiệu trong nước.

Cũng như ngành công nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu ra nước ngoài thì phải có những sản phẩm tiêu thụ trong nước. Tại sao Trung Quốc lại trở thành công xưởng của thế giới? Tại sao Trung Quốc lại có thể làm điên đảo các hãng công nghệ thông tin di động lớn trên thế giới? Là vì họ có đựoc một thì trường nội địa hơn 1 tỉ dân. Họ đi từng bước từ cấp này lên cấp kia.

Cho nên muốn có thương hiệu mạnh thì trước hết các doanh nghiệp phải có thị trường trong nước. Chúng ta đưng mơ mộng tới thị trường nước ngoài trong khi chưa có thị trường nội địa.

Thứ hai, để có thương hiệu trong nước, không chỉ có một câu khẩu hiệu "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", vì bây giờ là thời kì toàn cầu hóa, thế giới phẳng và ranh giới giữa thị trường trong nước và thị trường nước ngoài nữa đang mờ đi biến tất cả thành một thị trường.

Về mặt ý chí của nhà nước, trong quyết định của Thủ tướng chính phủ nêu rằng, Việt Nam trở thành một nước mạnh về CNTT là một yêu cầu thiết yếu, mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và Thủ tướng đã ban hành. Tôi cho đấy là bước tiền đề thể hiện ý chí của Nhà nước và Chính phủ.

Nhưng về mặt triển khai, phải là các cơ quan nhà nước cụ thể hóa từ pháp luật thành các chính sách, hướng dẫn cụ thể trong hoạt động của mình. Về phía các doanh nghiệp, phải có những đường hướng cụ thể trước những khó khăn thách thức và thời cơ riêng đối với mỗi doanh nghiệp, cơ quan và tổ chức.Và một lực lượng thứ ba ngoài nhà nước và doanh nghiệp là người tiêu dùng Việt Nam.

Cho nên, để có thương hiệu doanh nghiệp mạnh đòi hỏi cả cơ chế xã hội của chúng ta, đó là xã hội hóa mạnh hơn trong lĩnh vực này để tạo điều kiện cho nền kinh tế thị trường phát triển và chính kinh tế thị trường sẽ tự điều chỉnh để tối ưu hóa đầu tư và tiềm năng của ngành CNTT.

Hiện nay một số doanh nghiệp CNTT và viễn thông, có thể nói là đang phát triển tốt, nhưng trong tương lai gần khi thị trường trong nước bão hòa thì buộc các doanh nghiệp phải hướng ra nước ngoài để tồn tại và phải có thương hiệu. Ngay như FPT cũng phải thử nghiệm mất nhiều năm mới xâm nhập được thị trường Nhật Bản...

Mặc dù việc này cũng khó khăn nhưng tôi cho đây là thời cơ tốt, bởi lẽ đây là ngành công nghiệp trí tuệ, là nền kinh tế tri thức, cho nên không cần nhiều những đầu tư vật chất, vật liệu cụ thể. Làm một sản phẩm hay một cái máy thì cần vật liệu nhưng sản phẩm phần mềm thì không cần nguyên liệu đó. Ngành công nghiệp phần mềm cũng không cần tiêu tốn nhiều năng lượng cũng như công nghiệp phụ trợ mà đôi khi chỉ cần máy tính kết nối Internet và trí tuệ mà thôi!

Đó chính là thế mạnh của những người đi sau, nhất là với những quốc gia không có nền cơ sở hạ tầng tốt, không có nền công nghiệp phụ trợ, rồi chi phí năng lượng... trong khi chúng ta đã có kết nối băng thông rộng ra xa lộ thông tin thế giới rồi. Cho nên đó là tiềm năng rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Vấn đề cốt lõi và thách thức lớn nhất đó là nhân lực, hay đào tạo nhân lực. Bài phát biểu của Thủ tướng tuần trước có khẳng định 3 đột phá cho sự phát triển kinh tế của đất nước những năm sắp tới, trong đó có việc tái cấu trúc hay đổi mới toàn bộ hệ thống đào tạo. Tôi cho rằng điều đó tốt cho cả nước nói chung và ngành công nghệ thông tin nói riêng.

Những khó khăn cản trở bước tiến 5 năm vừa qua hoặc 10 năm sắp tới cũng chính là vấn đề nguồn nhân lực. Không phải chuyện ta đào tạo ra 1 triệu kĩ sư lập trình tin học, mà rộng ra là cả 80 triệu. 1 triệu người có thể tham gia vào sản xuất, nhưng còn lại gần 80 triệu người kia là người sử dụng, máy móc ta có nhưng nếu họ không biết dùng thì hiệu quả của một chiếc máy tính hay điện thoại thì hết sức lãng phí.

Tôi cho rằng đào tạo không chỉ ở trong trường học mà đào tạo cả ngoài xã hội bằng các phương tiện truyền thông, chẳng hạn như kênh VTV2 tăng cường phổ cập, hướng dẫn sử dụng sản phẩm công nghệ cho người tiêu dùng... Trong ngành kinh doanh, sản xuất cụ thể thì rất cần con số 1 triệu kĩ sư kia, nhưng khi cả xã hội ứng dụng CNTT, hiệu quả sẽ khác và mặt này chúng ta chưa quan tâm đúng mực.

Đứng về mặt ý chí Đảng và Nhà nước đã làm tốt, thể hiện ở nỗ lực của Bộ Thông tin Truyền thông trong việc đưa ra giải pháp tổng thể để Thủ tướng phê duyệt. Đó là một giải pháp khá toàn diện.

Trong cụ thể hóa giải pháp, tiến hành triển khai giải pháp đó, đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề quan trọng nhất. Cách tiếp cận của chúng ta với vấn đề đào tạo nguồn nhân lực không chỉ dừng trường đại học mà phải tiến hành mạnh dạn xã hội hóa nhiều hơn tới đào tạo toàn xã hội: công nhân, kĩ sư và đặc biệt là người dùng.

Đó vừa là giải pháp quan trọng đồng thời cũng là thách thức lớn nhất để khai thác tiềm năng của con người Việt Nam, đưa ngành CNTT không chỉ đóng góp 8% GDP mà còn đóng góp trực tiếp vào toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội.

Ví dụ như báo mạng hay công tác thông tin đối ngoại chẳng hạn. Có báo mạng đã giải quyết được vấn đề đưa báo với giá 10 USD/kg từ Việt Nam sang châu Âu hay Bắc Mĩ, đưa thông tin tới người nước ngoài và Việt kiều. Trăn trở bao năm đã có thể giải quyết bằng báo mạng với 5-7 trệu lượt pageview mỗi ngày. Tổng hợp nguồn thu từ truy cập, ISP (internet services provider - nhà cung cấp dịhc vụ internet), hiệu quả truyền thông.. có thể nói tăng gấp 10 lần.

Trở lại cách tiếp của ta còn lấn cấn giữa nền kinh tế vận chất: định mức, chi tiêu, quản lí... chúng ta hơi nặng về các cơ quan nhà nước. Tầm nhìn xã hội thì coi rằng CNTT là ngành đóng góp gián tiếp, nhưng thực chất ở Việt Nam là trực tiếp vào quá trình sản xuất kinh tế. Và cách tiếp cận với nền kinh tế tri thức cần phải xem xét lại.

Sau cùng quay trở lại vấn đề nguồn nhân lực, đào tạo. Kể cả đào tạo nhận thức, rồi tác phong để người tiêu dùng sử dụng hiệu quả một chiếc máy tính, laptop hay điện thoại... là thách thức lớn nhất và rất công phu để làm được. Điều này có thể tác động ngay, nhưng cũng có thể 5 năm mới có hiệu quả cụ thể như là mất 5 năm đào tạo mới có được đội ngũ kĩ sư lành nghề ra trường hay các chuyên gia bậc cao...

Và nếu không bắt đầu ngay từ bây giờ thì tới năm 2020, khi nhìn lại những mục tiêu trong giải pháp tổng thể rất công phu của Bộ Thông tin Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ, thành công hay không phụ thuộc chính vào vấn đề mấu chốt là đào tạo nguồn nhân lực.

Nếu chúng ta thành công như Thủ tướng đã phát biểu về một trong ba đột phá thúc đẩy nền kinh tế xã hội trong 5-10 năm tới, phải bắt đầu từ cải cách lại toàn bộ hệ thống giáo dục, đặc biệt trong lĩnh vực thông tin truyền thông để phát huy được thế mạnh của ngành CNTT, của nền kinh tế trí thức.

Không có cách tiếp cận mới, mạnh mẽ, không có sự xã hội hóa cao độ về vấn đề này thì khó đạt được mục tiêu. 5- 10 năm nữa khi nhìn lại, thành bại hay không là do vấn đề đào tạo nguồn nhân lực này.

Nhân lực - giá trị cốt lõi tạo thành công

Nhà báo Bình Minh: Thưa ông, cách đây khoảng 10 năm, ngành CNTT tin có thể nói là rất "hot". Tuy nhiên hiện nay, có vẻ tư duy của các bạn trẻ đã thay đổi, thường nghĩ tới tài chính, ngân hàng, bất động sản rồi ca sĩ, ngôi sao... dẫn tới các doanh nghiệp CNTT luôn trăn trở về vấn đề nhân lực. Làm thế nào để hâm nóng lại nhiệt huyết của giới trẻ với CNTT, thưa ông Nguyễn Long?

Ông Nguyễn Long: Trước khi có đề án của Thủ tướng đã có chương trình đào tạo nguồn nhân lực CNTT của Bộ giáo dục Đào tạo và đây là một bộ phận trong đề án đó.

Thứ nhất, nguồn lực hiện nay là quốc sách, và cần thay đổi toàn diện về cung cách và công nghệ đào tạo. Lấy ví dụ trước đây học sinh Việt Nam rất giỏi và đạt thành tích cao trong các cuộc thi quốc tế về tin học. Nhưng năm vừa qua, các em thi với hình thức chấm điểm online mới và đã phải đầu hàng vì trong hệ thống chấm online không hỗ trợ làm bằng pascal...

Bây giờ là kỉ nguyên Internet và chúng ta đang ở đâu mà lại để tình trạng như vậy? Để các em học và đam mê thì cần phải có một trào lưu, chứ không phải dập khuôn là tôi chỉ dạy pascal thôi, phải học thì mới đỗ. Đó là một ví dụ buồn, trong 4 em chỉ có một giải ba duy nhất. Cả thế giới sử dụng Java, tại sao hiện nay chúng ta lại chưa?

Thứ nữa, tôi không hiểu tại sao thi đầu vào đại học CNTT hầu hết là thi Toán, Lí, Hóa, trong khi phải là Toán, Tin, Ngoại ngữ.

Hiện nay tính chuyên môn hóa đã rất cao. Như hình tam giác ở dưới đáy ta có thể học nhiều vấn đề, nhưng càng lên cao thì tính chuyên môn hóa càng cao khiến phạm vi nghiên cứu thu hẹp.

Thứ hai, khi có một chương trình, ta thường tham vọng về số lượng vì người ta cứ nghĩ rằng năng suất của một lập trình viên trình độ cao là 10.000 USD một năm thì có 1 triệu người nhân lên thì quá tuyệt vời. tư duy như thế là chưa đúng. Bởi vì chỗ làm cho mỗi một cấu thành nền kinh tế có những phân cấp, không thể nào có 500.000 ông lập trình được mà nó phải có sự phân cấp, phân bậc. Cái chính là ta tính toán như thế nào để phân bổ trong một triệu người này để họ lan tỏa ra 80 triệu người. Hiện nay có 200 trường đại học và chỉ có 60 trường dám cử các em học sinh đi thi. Thậm chí có trường không thành lập nổi đội tuyển.

Tóm lại, nguồn lực là then chốt, nhưng để nó thực sự là then chốt thì bài toán phân bổ và định hướng phát triển. Rồi lương của những người làm việc rất đơn giản, thậm chí cao hơn rất nhiều với một lập trình viên. Ví dụ, Ấn Độ đã đi lên từ những cái nhỏ là callcenter đến nay các hãng viễn thông đều có trung tâm, có base ở đó.

Còn chúng ta không thể hô hào khi các em thấy tình trạng kĩ sư tuốcnơvit với lương rất thấp ở các cửa hàng tin học, thì làm sao kêu gọi các em đi học được....Nên có cách tiếp cận khác và phân bậc rõ ràng. Nhiều khi học APTECH ra lương lại cao hơn các em sinh viên học đại học.

Để thu hút quan tâm và biến CNTT thành ngành "hot" thì phải làm sao để phụ huynh, để các em nhìn thấy được chính tương lai của mình chứ không phải một bó đuốc Bill Gates nào đó.

Nhà báo Bình Minh: Để tạo lập được môi trường cho các công ty CNTT có thể phát triển và có nhiều lợi nhuận hơn để sử dụng nguồn nhân lực với lương cao?

TS. Mai Liêm Trực: Việc xã hội có ngành "hot" là rất bình thường, rất tiếc xã hội Việt Nam hay có sự thiếu tự tin và chạy theo đám đông. Đứng về phía các nhà làm chính sách, quản lí vĩ mô cũng như dần dần cần định hướng cho xã hội nhận thức dài hơi.

Như anh Nguyễn Long vừa nói, những người giàu nhất trên thế giới chiếm một tỉ lệ rất cao làm về lĩnh vực thông tin truyền thông, trong khi theo một thống kê tại Việt Nam lại thuộc lĩnh vực bất động sản. Đó là nghịch lí! Đó là do ta hay chạy theo cái gọi là ngành "hot". Vừa qua thị trường chứng khoán có người sống người chết, bất động sản cũng vậy. Mặc dù đó là làm giàu chính đáng, là thời cơ làm ăn thật, nhưng không thể thay thế cho định hướng dài hơi được.

Tôi cũng buồn cho người giàu nhất ngành CNTT chỉ đứng thứ 16 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất ở Việt Nam. Nhưng tôi tin sẽ đến giai đoạn nào đó trào lưu này sẽ lắng lại và người ta nghĩ có chiều sâu hơn.

Điều đó tôi cho là bình thường trong một xã hội mới nổi và còn nặng xu hướng chạy theo đám đông, dần dần sẽ đi đến sự ổn định như các nước khác. Và CNTT sẽ là định hướng tất yếu, nhất là chuyển sang nền kinh tế trí thức và xã hội thông tin.

Có thực trạng là vừa qua đầu vào các trường đại học đào tạo CNTT giảm sút, gây lo lắng cho các nhà hoạch định chính sách. Tôi cho rằng đó là do ảnh hưởng của vấn đề tài chính, chứng khoán mà thôi, chỉ vài năm nữa là sẽ ổn định trở lại. Bản chất của phát triển kinh tế - xã hội là công nghiệp, dịch vụ. Và xã hội dựa trên đó mới có thể bền được, chứ không thể dựa trên những trào lưu, bong bóng.

Về giải pháp, tôi xin chỉ ra một giải pháp, đó là đến khi xã hội hóa thì ta cần chấp nhận học phí ở các trường khác nhau. Thế giới đã làm cả trăm năm nay rồi. Mà khi học phí khác nhau thì chất lượng ra trường cũng khác nhau. Và khi ra trường đi làm phải trả lương ở các mức khác nhau. Không cần nhà nước phải đóng dấu chất lượng mà tự thân thị trường và người dân họ sẽ đánh giá.

Về phía nhà nước phải có chính sách xã hội hóa mạnh. Có thể lo cho hệ thống phổ thông, đào tạo phổ cập, nhưng đại học nhất thiết phải xã hội hóa. Có thể có trường đại học này không tốt, có bằng dởm thì chúng ta cũng phải chấp nhận, rồi vài năm thương hiệu và chất lượng sẽ đào thải những trường yếu kém.

Muốn có những kỹ sư chất lượng thì phải mất ít nhất 5 năm sau, nhất là khi xã hội đánh giá đúng chất lượng đào tạo của các trường thì chắc chắn CNTT và truyền thông sẽ là nền công nghiệp trí tuệ, là tương lai.

Tôi cho rằng phải đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa đào tạo ngành CNTT. Như Thủ tướng đã khẳng định, đó là phải cải cách toàn diện hệ thống giáo dục. Với CNTT, cần có một lộ trình riêng phù hợp và phải cụ thể hóa nó.

Về mặt tư duy, thay vì quản lí hay tăng cường quản lí những việc không cần thiết để rồi xao nhãng nhưng những nơi cần quản lí, là nhiệm vụ đề ra chính sách... Phải thay đổi tư duy quản lí để không chạy theo sự phát triển CNTT mà quản lí phải đi trước, trở thành động lực thúc đẩy CNTT phát triển. Như thế đổi mới tư duy chính là đổi mới cách tiếp cận.

Cần phải có sự đột phá về tư duy trong 10 năm tới, chính là đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục của Việt Nam, không những ở hệ phổ thông mà còn ở đại học, không những trong trường học mà còn toàn xã hội. Đương nhiên, trước hết phải từ là nhà hoạch định chính sách, từ đó truyền đạt, lan tỏa tư duy ra toàn xã hội thì mới giải quyết được vấn đề.

Tuy rất lạc quan nhưng tôi vẫn lo ngại. Tư duy, chính sách và cách thức tổ chức đào tạo của Việt Nam sẽ là rào cản trong việc hướng tới những mục tiêu mà đề án chính phủ đã phê duyệt. Tôi lo sợ 10, 20 năm nữa nhìn lại có lẽ chúng ta sẽ tiếp tục ngồi nói lại bài toán đào tạo nguồn nhân lực.

Và nó sẽ là thách thức lớn nhất cho 10 năm tiếp theo, đến năm 2030. Tôi có linh cảm là như vậy, hy vọng linh cảm của tôi là không đúng!

Theo www.vef.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0