|
Ông Vũ Duy Mẫn trong buổi giao lưu ở Đại học Văn Lang
|
Vũ Duy Mẫn không có ý định dịch sách để in. Ông kể lại trong cuộc gặp gỡ với cán bộ và sinh viên Trường đại học Văn Lang mới đây: “Tôi có một thói quen là viết. Viết hằng ngày. Viết như một phương tiện để tự hoàn thiện bản thân mình. Đó là một việc làm rất quan trọng”. Thế cho nên rất tự nhiên ông lập tức bắt tay vào dịch cuốn Bài giảng cuối cùng của Randy Pausch, ngay khi cuốn sách vừa ra mắt độc giả ở Mỹ.
Đối với chúng ta, cuốn sách đã trở thành người bạn đồng hành quen thuộc. Báo Tuổi Trẻ đã trích đăng nhiều kỳ trước khi sách chính thức xuất bản ở VN, khởi đầu cho những cuộc mạn đàm, những buổi trao đổi và cũng đã có rất nhiều giao lưu trên mạng. Riêng với dịch giả, sau sự bất ngờ ban đầu về phía truyền thông, ông cũng lắng lại trong rất nhiều trải nghiệm.
Trải nghiệm quan trọng nhất: Bài giảng cuối cùng dẫn Vũ Duy Mẫn đến khá nhiều cuộc trao đổi thú vị với các bạn trẻ, trước hết là trên blog của ông. Và có lẽ sự tương tác ấy giúp ông nhớ kỹ hơn từng chi tiết của cuốn sách. Ông nhớ đến thời gian: “Thời gian là tất cả những gì bạn có và một ngày nào đó bạn sẽ thấy bạn có ít hơn bạn tưởng”. Ông nhớ đến khái niệm may mắn: “May mắn là sự gặp gỡ giữa sự chuẩn bị và thời cơ”. Và đây là cách sống: “Cần coi sự chân thành tốt hơn sự hợp thời. Sự chân thành hay bị đánh giá quá thấp, bởi nó đến tự đáy lòng, đôi khi khó nhận ra, trong khi sự hợp thời lại dễ thấy bởi nó là sự cố gắng gây ấn tượng với vẻ bề ngoài”.
Khi thu nhập vượt ngưỡng 1.000 usd/năm
Là chuyên viên làm việc trong ban thư ký của Liên Hiệp Quốc từ 18 năm nay, Vũ Duy Mẫn không chỉ thu thập mà còn trải nghiệm rất nhiều điều về sự phát triển của xã hội. Ông nhấn mạnh: “Theo nhiều nghiên cứu của các chuyên gia xã hội và các lĩnh vực khác của Liên Hiệp Quốc, khi thu nhập của mỗi công dân vượt ngưỡng 1.000 USD/năm thì sẽ có sự chuyển đổi rõ rệt từ nhu cầu vật chất sang nhu cầu tinh thần”. Trong các nhu cầu tinh thần ấy có một nhu cầu rõ ràng về sách.
Theo Vũ Duy Mẫn, có một loại sách có thể tạo nên “một cú hích” cho sự phát triển xã hội. Sách theo chủ đề công nghệ thông tin và truyền thông có thể làm được điều đó. Cho nên khi được mời tham gia tủ sách “Khoa học & Khám phá” ông đã vui vẻ nhận lời. Cuốn sách ông chọn: Chuyển đổi lớn. Tác giả ông chọn: Nicholas Carr - một nhà văn Mỹ, tốt nghiệp Harvard, viết rất nhiều về công nghệ, thương mại và văn hóa. Lĩnh vực ông chọn: công nghệ thông tin - nơi Carr được đọc và được tranh luận rất nhiều. Bản dịch của Vũ Duy Mẫn xuất hiện tháng 8-2010. Về nước lần này, nội dung Chuyển đổi lớn cũng là một chủ đề trao đổi của ông.
Đây là một cuốn sách về công nghệ, lý thú về học thuật, nhưng lại quan trọng trong tư cách một lực lượng sản xuất có khả năng cải biến xã hội trong một khuôn khổ lớn lao và với một tốc độ chóng mặt. Vì thế, sách bàn bạc với chúng ta, không chỉ chúng ta sử dụng công nghệ ấy như thế nào mà còn là chúng ta nên đối xử với công nghệ ấy ra sao. Sách dẫn chúng ta đi qua cả một chặng đường dài, từ phiếu đục lỗ tới máy tính lớn, qua mạng Internet và đến thời đại hiện nay của điện toán đám mây. Để dễ hiểu, tác giả đã tạo ra sự song hành giữa công nghệ điện và công nghệ thông tin, bởi cả hai đều là công nghệ phổ quát, cả hai đều được triển khai dưới dạng các dịch vụ tiện ích, chúng ta đã quen với điện và cần hiểu thêm về thông tin, một công nghệ có nhiều ưu thế hơn hẳn.
Chắc rằng Vũ Duy Mẫn là một nhà khoa học tỉnh táo. Trong cuốn sách mà ông chọn dịch có cả những lời nhắc nhở: “Khi xem xét loại thế giới nào mà mình muốn tiếp xúc, chúng ta cần thận trọng với những từ ngữ mang tính khích động của các nhà công - nghệ - không - tưởng”. Chuyển đổi lớn bàn cả đến những khái niệm mới mẻ, đôi khi chưa phải là một kết luận, mà là những gợi ý để nghiên cứu hay tranh luận, như khi nói đến “nền kinh tế quà tặng”, nói về sự phân cực do công nghệ hay về quan hệ giữa tự do và kiểm soát trên mạng. Một vấn đề khá gần gũi với chúng ta: an toàn thông tin, khi mỗi lần chúng ta nhấp chuột là một lần chúng ta tự bộc lộ mình, khi những thói quen bị người khác nắm giữ một cách bí mật và khi số tài khoản bị đánh cắp.
Đúng là có nhiều nhu cầu mới nảy sinh, yêu cầu chúng ta phải đủ sức để lựa chọn.
|
Hai cuốn sách của dịch giả Vũ Duy Mẫn
|
Gốc tin học
Randy Pausch là một chuyên gia hàng đầu về thực tế ảo và trí tuệ nhân tạo. Nicholas Carr là một nhà văn vô cùng sắc bén về công nghệ thông tin. Bản thân Vũ Duy Mẫn đã là chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước về ứng dụng tin học trong quản lý (1985-1988) và từ năm 2000 đến nay ông tham gia việc phát triển và bảo hành hệ thống thông tin quản lý tích hợp của Liên Hiệp Quốc. Bản thân ông làm việc trong ban thư ký, nơi mỗi tháng phải trả lương cho 20.000 nhân viên. Trước khi sang làm ở Liên Hiệp Quốc, Vũ Duy Mẫn là phó giáo sư (1991), phó viện trưởng Viện Tin học thuộc Viện Khoa học VN (1990-1992). Lúc đó ông 40 tuổi.
Chiều 6-1-2011, khi bước chân vào cơ sở chính của Trường đại học Văn Lang, Vũ Duy Mẫn rất cảm động. Vì ngôi nhà 45 Nguyễn Khắc Nhu chính là cơ sở trước đây của Sinco, cơ sở công nghiệp của TP.HCM đã rất gắn bó với ngành công nghệ thông tin trong những năm đầu tiên. Ông thốt lên: “Như có duyên, có số”.
Vào những năm 1980, Vũ Duy Mẫn thuộc về nhóm các nhà tin học đầu tiên của VN, với sự giúp đỡ của kiều bào ta ở nước ngoài, đã tìm cách lắp ráp chiếc máy tính cá nhân ở Việt Nam và đưa vào ứng dụng trong sản xuất. Ông kể lại với các sinh viên: “Lúc đó tôi đưa một nhóm vào TP.HCM, vì Sinco có giám đốc Vương Hữu Trường, đại biểu Quốc hội, một người hăng hái, có tầm, tin vào cái mới. Chỉ có một máy tính, bốn người viết chương trình, nối tiếp nhau, 24/24 giờ trong một ngày. Viết cả chương trình quản lý, chương trình thông dịch, tìm cách chuyển mọi cái từ máy tính lớn sang vi tính. Sau bốn tháng làm việc cật lực như vậy, có thể chạy được chương trình quản lý vật tư và sản phẩm của Sinco. Lúc đó Chủ tịch UBND TP Mai Chí Thọ nói vui: giống như chiến công kiểu Leningrad, và chúng tôi được lãnh đạo thành phố chiêu đãi một bữa bò bảy món ra trò”.
Năm 1997, Vũ Duy Mẫn được Liên Hiệp Quốc cử đi dự hội nghị “Trí tuệ 97” tại Montreal, Canada. Tại đây, ông được gặp đoàn VN do GS Đặng Hữu, trưởng Ban Khoa giáo trung ương, dẫn đầu, có khá nhiều thành viên tham gia. Lúc đó chúng ta đã nghiên cứu việc triển khai Internet qua những kinh nghiệm của Úc. Câu hỏi không đơn giản được đặt ra: có mở cửa cho Internet hay không? Câu trả lời thì tất cả chúng ta đều đã biết: VN thuộc về số nước thực hiện cuộc cách mạng về tin học và viễn thông tương đối sớm và có hiệu quả.
Vũ Duy Mẫn tâm sự: “Các bạn trẻ hôm nay có thể nghĩ và làm không giống chúng tôi. Chúng ta không làm nhiệm vụ phán xét, chúng ta chấp nhận khác biệt, cái khác biệt có thể tạo ra động lực cho sự phát triển”.
Dự bị, chứ không phải là đặc biệt
Năm 1966, ở tuổi 15 Vũ Duy Mẫn bước chân vào Trường đại học Tổng hợp. Ông thuộc số những học sinh đầu tiên được chọn vào lớp A0, lớp toán đặc biệt mà chúng ta vẫn nhắc đến nhiều dịp vừa qua khi GS Ngô Bảo Châu nhận giải Fields. Ngày ấy, trường sơ tán ở xã Văn Yên thuộc huyện Đại Từ, Thái Nguyên, một vùng đất truyền thống cách mạng từ những ngày tiền khởi nghĩa.
Gặp lại nhau lần này, nhớ lại kỷ niệm xưa với “toán đặc biệt”, Vũ Duy Mẫn cải chính ngay: “Ngày chúng tôi mới tập trung, thầy Hoàng Tụy không cho gọi là toán đặc biệt đâu, thầy nói lớp này chỉ là một lớp dự bị thôi, dự bị để sau này vào đại học”. Vũ Duy Mẫn là một trong những học sinh trẻ nhất, hay đội cái mũ lông, do hát hay lại ham hoạt động nên chạy khắp các khoa, các làng để làm công tác tuyên truyền, văn nghệ. Bây giờ gặp lại tóc ông đã điểm bạc. Tuổi vừa 60 nhưng trông còn rất trẻ. Rồi ông cười: “Vẫn dự bị thôi. Dự bị cho những nhiệm vụ mới, niềm vui mới, khi hết nhiệm kỳ này ở Liên Hiệp Quốc vào năm 2013”.
Theo www.tuoitre.vn