hơn 1.000 đơn yêu cầu đăng ký trong 3 ngày
Kể từ ngày 10/1/2011, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) tự do cấp phát miễn phí tên miền tiếng Việt theo quy định về phí và lệ phí tên miền mới của Bộ Tài chính mà không yêu cầu khách hàng phải có tên miền truyền thống như trước. Theo đó, lộ trình cấp tự do, miễn phí tên miền tiếng Việt được thực hiện qua 2 giai đoạn gồm. Giai đoạn 1 (đăng ký ưu tiên) được triển khai từ ngày 10/1/2011 đến hết ngày 27/4/2011. Giai đoạn này dành cho các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội và tên thương mại, nhãn hiệu hàng hoá, bản quyền đã được công nhận bảo hộ bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Giai đoạn 2 (tự do đăng ký) được triển khai từ ngày 28/4/2011.
Trao đổi với phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam, ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc VNNIC cho biết, việc thay đổi quy định lần này đã tách bạch tên miền truyền thống với tên miền tiếng Việt, góp phần kích thích việc đăng ký và giúp cho người dùng có thêm một sự lựa chọn hiệu quả, hữu ích để phát triển website bên cạnh tên miền truyền thống. Ví dụ như đối với những trang web có yêu cầu phát triển trên nhiều ngôn ngữ, bên cạnh việc sử dụng tên miền truyền thống cho nội dung thể hiện bằng tiếng Anh, khách hàng có thể sử dụng tên miền tiếng Việt để dẫn về phần nội dung tiếng Việt mà không phải mất thêm chi phí cho tên miền khác.
Chính vì thế, kể từ khi bắt đầu áp dụng quy định mới của Bộ Tài chính, trong 3 ngày đầu, VNNIC đã nhận được hơn 1.000 yêu cầu đăng ký tên miền tiếng Việt. (Dù trước đó, sau hơn 3 năm kể từ khi bắt đầu triển khai kể từ tháng 3/2007, số lượng tên miền tiếng Việt chỉ vào khoảng hơn 5000 tên miền). Trong số các yêu cầu này có rất nhiều yêu cầu của những khách hàng, tổ chức cá nhân. “Mặc dù trong các yêu cầu này, nhiều yêu cầu sai đối tượng nhưng điều đó đã cho thấy sự quan tâm rất lớn đối với tên miền tiếng Việt”, ông Tân nhận định.
Theo ông Tân, khi đăng ký dùng tên miền tiếng Việt, ngoài việc được miễn phí và cấp tự do, khách hàng còn được bảo hộ, được bảo đảm quyền khi sử dụng, được hỗ trợ giống như những tên miền quốc gia “.vn” có phí khác. Vì thế, khách hàng khi sử dụng tên miền này chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều so với những tên miền blog hay tên miền cấp dưới miễn phí như “.tk”… Điều đó sẽ tạo cho tên miền tiếng Việt sức hấp dẫn, thu hút đáng kể đối với khách hàng sử dụng cá nhân và góp phần hình thành một cộng đồng sử dụng Internet thuần Việt.
Khó khăn nhất vẫn là thói quen người sử dụng
Ông Tân cho rằng, mặc dù đã có những cải thiện đáng kể nhưng khó khăn lớn nhất trong việc sử dụng tên miền tiếng Việt vẫn là thói quen của người sử dụng trong cách gõ, bỏ dấu theo kiểu cũ, kiểu mới. Hiện tại, bản thân bảng mã font chữ tiếng Việt cũng chưa có bất kì một quy chuẩn nào và các địa phương vẫn sử dụng những bảng mã font chữ khác nhau. Do đó, chủ tên miền tiếng Việt sẽ phải quảng bá các dấu hiệu nhận dạng, quảng cáo ra cộng đồng để người dùng biết được ý nghĩa và phân biệt. “VNNIC sẽ có những lưu ý và hướng dẫn cụ thể để cho người đăng ký có thể hình dung trước”, ông Tân cho biết thêm.
Cùng quan điểm với ông Tân, đại diện của Công ty Viễn thông Quốc tế FPT (FTI) cho rằng, mặc dù quy định mới đã góp phần kích thích và làm tăng nhu cầu sử dụng tên miền tiếng Việt nhưng đa số khách hàng chỉ sử dụng dạng tên miền này để trỏ thêm vào các trang web bên cạnh các tên miền truyền thống. Nguyên nhân cản trở trong việc sử dụng tên miền tiếng Việt chủ yếu đến từ thói quen sử dụng tên miền không dấu của người sử dụng, nhất là khi mặc định của các trình duyệt hiện nay đều được cấu hình để gõ tên miền không dấu. Đó là chưa kể đến một số trường hợp, với các website để tên miền tiếng Việt, rất nhiều người sử dụng do chưa biết đến dạng tên miền này nên khi truy cập vào đã tưởng tên miền đó bị lỗi. Bởi vậy, khi đăng ký, các khách hàng vẫn ưu tiên lựa chọn các tên miền truyền thống và sử dụng tên miền này để quảng bá.
Theo www.ictnews.vn