Cập nhật: 15/01/2011 |
Việt Nam trong Top 10 Ổ thư rác "bẩn" nhất thế giới |
|
Tính đến thời điểm cuối năm 2010, Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu danh sách "Dirty Dozen" của 12 quốc gia phát tán và tiếp tay cho thư rác nhiều nhất thế giới, theo số liệu của hãng bảo mật Sophos.
|
|
Đại diện Sophos cho biết thứ tự các nước trong "Bảng phong thần" hầu như không có nhiều thay đổi, song điều đáng lo ngại là số lượng thư rác được gửi đi ngày càng nhiều và hình thức cũng ngày càng tinh vi hơn. Điều đó khiến cho tầm nguy hiểm của chúng đã tăng lên gấp bội. "Những chủ đề truyền thống như quảng cáo thuốc tiếp tục gây lo ngại với khoảng 36 triệu người Mỹ đã mua thuốc từ những người bán trên mạng không có chứng chỉ hay giấy phép gì. Tuy nhiên, số lượng thư rác nhằm mục đích phát tán malware đang gia tăng với tốc độ chóng mặt và làm đủ mọi cách để lừa đảo, phishing tên người dùng, mật khẩu cùng các thông tin cá nhân". Sophos cũng ghi nhận được đà đi lên của các cuộc tấn công phishing có trọng tâm (hay còn gọi là phishing lưỡi câu) nhằm vào người dùng. Có cùng xu hướng gia tăng là các ứng dụng độc, các trang profile (hồ sơ cá nhân) đã bị tấn công và chứa mã độc, các tin nhắn ngoài ý muốn đang phát tán rộng rãi trên các mạng xã hội kiểu như Facebook. "Chắc chắn thư rác sẽ còn tồn tại trong một thời gian dài nữa, dù cho động cơ và phương pháp phát tán thay đổi không ngừng để mang lại thành quả lớn nhất cho spammer", chuyên gia cao cấp Graham Cluley của Sophos dự đoán. "Việc gửi mail các đường link dẫn tới web độc đang trở nên hết sức phổ biến: người dùng bị lừa click vào đường link bên trong email rồi sau đó bị dẫn tới một website sẽ tấn công máy tính của họ, hoặc cố cài phần mềm diệt virus giả vào hệ thống". Trở lại với danh sách "Dirty Dozen", Mỹ là nước phải chịu trách nhiệm cho gần 20% tổng lượng thư rác phát tán trên toàn mạng Internet và là nơi lưu ký 18,83% lượng máy chủ thư rác toàn cầu. Ấn Độ là nước đứng thứ hai với 6,88% và Brazil hoàn tất Top 3 với 5,04%. Ngoài Top 3, chỉ có Anh (vị trí số 5 với 4,54%), Rumani (vị trí số 11 với 2,3%) và Tây Ban Nha ( số 12 với 2,24%) là có vị trí không thay đổi so với bảng xếp hạng quý trước. Cả Nga và Ý đều tăng hạng: Nga lên vị trí số 4 với 4,64% so với vị trí số 7 của quý trước, trong khi Ý tăng từ hạng 10 lên hạng 7 (3,17%). Trong khi đó, Pháp, Đức, Hàn Quốc và Việt Nam đều "tụt hạng": Pháp từ vị trí số 4 tụt xuống số 6 (3,45%), Đức từ No 6 tụt xuống vị trí No9, Hàn Quốc từ No7 xuống No8 trong khi Việt Nam giảm một bậc từ vị trí số 9 xuống vị trí số 10.
Theo www.vietnamnet.vn |