Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định số 2457/QĐ-TTg chính thức phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020.
Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ nghiên cứu, làm chủ, phát triển các công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, trong đó có các công nghệ bảo đảm cho việc sản xuất, cung ứng được ít nhất 10 sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao đạt trình độ quốc tế; và đến năm 2020 tạo ra được ít nhất 10 công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.Ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng giá trị sản xuất công nghệ cao đạt khoảng 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp vào năm 2015 và đạt khoảng 40% vào năm 2020.
Bên cạnh đó, chương trình cũng xác định mục tiêu đến năm 2015 sẽ hình thành và phát triển ít nhất 200 DN sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; Xây dựng và phát triển khoảng 30 cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN công nghệ cao và cơ sở hỗ trợ sản xuất sản phẩm công nghệ cao; hình thành và phát triển ít nhất 40 cơ sở nghiên cứu, đào tạo, tập thể nghiên cứu khoa học mạnh về công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Đáng chú ý, theo chương trình này, lĩnh vực CNTT-TT là 1 trong 4 lĩnh vực sẽ được Nhà nước tập trung triển khai các hoạt động nghiên cứu, làm chủ, phát triển và tạo ra công nghệ mới.
Cụ thể, các công nghệ thuộc lĩnh vực CNTT-TT được tập trung nghiên cứu, làm chủ và phát triển trong giai đoạn trước mắt là: công nghệ làm nền tảng cho phát triển CNTT-TT, đặc biệt là công nghệ vi mạch điện tử, phần mềm nền; các công nghệ bảo đảm cho xây dựng hạ tầng viễn thông hiện đại, mạng Internet thế hệ mới, chế tạo các thiết bị đầu cuối, nhận dạng và xử lý tiếng Việt cho các thiết bị CNTT-TT, an toàn và an ninh thông tin, vận hành và khai thác hiệu quả vệ tinh viễn thông của Việt Nam.
Đối với nội dung xây dựng và phát triển công nghiệp công nghệ cao, chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 nêu rõ nhiệm vụ phải phát triển nhanh công nghiệp CNTT: chế tạo được một số thiết bị máy tính, truyền thông, phần mềm và dịch vụ thương hiệu Việt Nam đáp ứng nhu cầu trong nước, mở rộng xuất khẩu tại các thị trường mà Việt Nam có lợi thế; phát triển nhanh một số DN mạnh về dịch vụ CNTT, sản xuất thiết bị TT&TT, phần mềm và nội dung số, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời đẩy mạnh các dịch vụ cung cấp thông tin và sản phẩm đa phương tiện trên mạng.
Để tổ chức thực hiện chương trình, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ đạo có nhiệm vụ tổ chức xây dựng các định hướng, kế hoạch hoạt động chung của chương trình; thẩm định các chương trình thành phần; điều phối hoạt động của các chương trình thành phần và các chương trình có liên quan đến công nghệ cao; định kỳ hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả hoạt động của chương trình; kiểm tra, giám sát, phát hiện các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp xử lý kịp thời; chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách thực hiện chương trình, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ban chỉ đạo chương trình sẽ do Phó thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ KH-CN làm Phó trưởng ban thường trực, các thành viên khác là đại diện lãnh đạo của 9 Bộ, cơ quan ngang Bộ gồm: TT&TT, KH-CN, KH-ĐT, Tài chính, Công thương, NN-PTNT, GD-ĐT, Nội vụ và Văn phòng Chính phủ.
Theo www.ictnews.vn