Quy định vẫn chung chung
Bộ Tài chính dẫn chứng Điều 3 Thông tư 42 quy định các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách Nhà nước khi đầu tư, mua sắm các loại sản phẩm CNTT có trong danh mục nêu tại Thông tư phải ưu tiên lựa chọn các sản phẩm đáp ứng các tiêu chí xác định sản phẩm CNTT sản xuất trong nước. Tuy nhiên, Thông tư lại không quy định rõ phải ưu tiên như thế nào đối với các sản phẩm CNTT sản xuất trong nước trong danh mục được ưu tiên đầu tư, mua sắm. Hiện một số hồ sơ mời thầu của Cục Tin học & Thống kê tài chính hoặc của các hệ thống thuộc Bộ Tài chính như Thuế, Hải quan… đã quy định đánh giá điểm xuất xứ hàng hoá Việt Nam ngang bằng với các nước công nghiệp đang phát triển như Úc, Iceland, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Czech, Hungary… nhưng vẫn thấp hơn nhóm các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản.
Một nội dung chưa cụ thể khác là Điều 4 của Thông tư 42 quy định đơn vị chủ trì đầu tư mua sắm lập hồ sơ giải trình chi tiết về sự cần thiết phải đầu tư, mua sắm sản phẩm nhập ngoại trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt việc đầu tư, mua sắm và gửi xin ý kiến các cơ quan chuyên môn (trường hợp sản phẩm CNTT cần đầu tư, mua sắm thuộc danh mục ưu tiên nhưng do yêu cầu đặc thù chỉ có sản phẩm nhập ngoại mới đáp ứng được). Trong bối cảnh cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính gồm có nhiều đơn vị được tổ chức từ Trung ương đến cấp huyện, rất cần có hướng dẫn rõ hơn về cấp phê duyệt việc đầu tư, mua sắm và cơ quan chuyên môn được xin ý kiến.
Mặt khác, hiện các đơn vị vẫn thường chưa thực hiện đầy đủ việc lập hồ sơ giải trình chi tiết về sự cần thiết phải đầu tư, mua sắm sản phẩm CNTT nhập ngoại trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt việc đầu tư, mua sắm và xin ý kiến cơ quan chuyên môn. Hồ sơ giải trình vẫn cần được chuẩn hoá về mẫu với những hướng dẫn cụ thể hơn để tạo thuận lợi cho cả đơn vị giải trình, cơ quan chuyên môn tham gia ý kiến và cơ quan thẩm định, phê duyệt việc đầu tư.
Sẽ được cụ thể hoá
Để khắc phục những bất cập vừa nêu, Bộ Tài chính sẽ ban hành công văn hướng dẫn chi tiết hơn để các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ thực hiện.
Đơn cử, đối với việc đầu tư, mua sắm các loại sản phẩm CNTT sản xuất trong nước, việc ưu tiên sản phẩm CNTT sản xuất trong nước được xác định như sau: Đánh giá về mặt kỹ thuật theo phương pháp chấm điểm và xác định giá đánh giá theo hiệu suất đầu tư để bảo đảm lựa chọn được phương án có điểm kỹ thuật cao với giá dự thầu phù hợp. Xây dựng thang bảng điểm về xuất xứ hàng hoá, trong đó, xuất xứ các sản phẩm CNTT trong danh mục ưu tiên của Thông tư 42 phải được đánh giá bằng điểm với sản phẩm có xuất xứ từ các nước công nghiệp đang phát triển như Úc, Síp, Đan Mạch, Hồng Kông, Iceland, Israel, Hàn Quốc, New Zealand, na Uy, Singapore, Thuỵ Điển, Thuỵ Sỹ, Áo, Bỉ, Phần Lan, Hy Lạp, Ireland, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Nga, Đài Loan, Ấn Độ, Czech, Hungary. Trường hợp các nhà thầu có giá đánh giá bằng nhau thì ưu tiên nhà thầu chào thầu các sản phẩm CNTT có tổng giá trị hàng hoá sản xuất trong nước lớn hơn.
Theo www.mic.gov.vn