|
Cần tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm hàng hóa. Trong ảnh: công nhân Công ty Nidec sản xuất tại Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: THANH ĐẠM |
- Sau 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nước ta đã trải qua nhiều bước phát triển, mỗi đại hội Đảng đều để lại dấu ấn riêng. Đại hội lần thứ IX thông qua chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2010 đã đánh dấu việc nước ta thoát khỏi tình trạng nước có thu nhập thấp, chuyển sang thành nước có thu nhập trung bình. Đại hội lần này sẽ đánh dấu bước chuyển từ nước nông nghiệp sang nước công nghiệp. Đó là những mốc có ý nghĩa lịch sử, từ thuở dựng nước nay mới có.
Để đạt được mốc đó phải có sự tiếp cận rất mới, phù hợp với tầng nấc phát triển mới, phù hợp với tình hình thế giới đã thay đổi. Vì thế, tôi trông đợi đại hội lần này sẽ có sự tiếp cận vấn đề phát triển theo cách mới.
Từ lượng sang chất
* Theo ông, đó là cách tiếp cận như thế nào?
- Ngày nay khái niệm công nghiệp hóa rộng hơn trước nhiều, không chỉ thể hiện qua các tiêu chí về cơ cấu sản nghiệp nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ mà còn bao hàm các tiêu chí văn hóa - xã hội. Bản thân nội hàm các tiêu chí về sản nghiệp cũng chú trọng về chất, ví dụ trong công nghiệp thì công nghiệp chế tác, nhất là các ngành kinh tế tri thức chiếm bao nhiêu phần trăm. Về con đường đi tới mục tiêu công nghiệp hóa người ta coi trọng nhiều hơn nhân tố chất lượng, kể cả nhân tố môi trường là điều trước kia không để ý. Nói một cách hình tượng thì điều quan trọng là bằng cách gì, tốn bao nhiêu chứ không chỉ được bao nhiêu.
Vừa qua ta đạt nhiều thành tựu về lượng, nay đã đến lúc đưa lên hàng đầu yêu cầu chất lượng, hiệu quả. Ví dụ ngày nay công nghiệp và xây dựng của ta đã chiếm gần 40% GDP, như vậy là cao hơn cả các nước công nghiệp phát triển nhưng vấn đề là “cái ruột” thế nào? Hay đến năm 2020 thu nhập trung bình tính theo đầu người ở nước ta có thể lên trên 3.000 USD, nhưng cái quan trọng là ta phải đổ ra bao nhiêu vốn để đạt con số đó và nội hàm của nó ra sao. Nếu cứ đổ 7-8 đồng mới làm ra được 1 đồng, cái ruột lại chỉ là gia công, lấy công rẻ mạt làm lãi thì đâu có phải là nước công nghiệp theo hướng hiện đại?
|
Ông Vũ Khoan - Ảnh: K.H. |
* Thưa ông, như vậy những vấn đề nào sẽ phải giải quyết?
- Một là tỉ lệ đầu tư. Hiện nay tổng đầu tư của toàn xã hội quá cao rồi, suýt soát 42%, trên thế giới chẳng đâu cao thế. Huy động cao quá thì dễ gây bất ổn vĩ mô, sinh ra lắm sự phiền toái.
Thứ hai là đổ vào đâu và hiệu quả thế nào.
Thứ ba là cơ cấu kinh tế. Lâu nay thường nói đến sự chuyển dịch cơ cấu các sản nghiệp lớn là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, ít đi sâu phân tích và có biện pháp mạnh mẽ để chuyển dịch cơ cấu ở bề sâu. Về công nghiệp tôi đã đề cập ở trên. Còn trong nông nghiệp thì câu chuyện “trồng cây gì, nuôi con gì” vẫn kéo dài, khi trồng khi nhổ. Đó là chưa kể dịch vụ nhiều năm giẫm chân tại chỗ, vẫn loay hoay trên dưới 38% GDP. Cũng có tâm tư về “ngành mũi nhọn”. Đã mấy lần nêu ra chuyện này nhưng đều không thành.
Thứ tư là cách quản lý, thể chế thế nào. Thể chế ở đây là mối tương quan giữa “bàn tay vô hình” của thị trường và “bàn tay hữu hình” của Nhà nước. Nếu để bàn tay vô hình tung hoành thì có thể loạn. Nhưng nếu nhúng bàn tay Nhà nước quá nhiều thì nó lại xơ cứng. Vấn đề là làm sao sử dụng hai bàn tay đó đúng mức, đúng chỗ, đúng cách và hài hòa với nhau.
Tôi cho rằng Nhà nước nên tập trung vào việc tạo hành lang pháp lý, điều tiết vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, khi cần thì can thiệp để chỉnh sửa những mất cân đối chứ không đi kinh doanh, còn lại để doanh nghiệp làm ăn.
Thứ năm là mối quan hệ giữa nội lực và ngoại lực. Vừa qua mình tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư, thu hút viện trợ. Sắp tới mình vẫn cần đi theo hướng ấy do mình vẫn có nhu cầu và trên thế giới còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên mọi chuyện phải hướng vào chất. Xuất khẩu làm sao giảm bớt hàng khoáng sản, hàng thô, hàng gia công và thay vào đó là sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, bớt tỉ lệ gia công, đồng thời làm sao nhập siêu ít đi, tiến tới cân bằng.
Ở “đầu vào” thì viện trợ phát triển (ODA) sẽ giảm do người ta coi mình đã khá giả rồi, do đó cần chọn lọc đích đáng dự án, hướng mạnh về chất lượng và hiệu quả. Tương tự, cần rà soát vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng theo hướng ấy. Bên cạnh đó cần làm sao để người dân đưa tiền vào sản xuất chứ cứ đổ vào vàng, đôla, đất đai như vừa rồi thì làm sao có vốn để phát triển?
Thứ sáu là căn chỉnh mối quan hệ giữa tăng trưởng và tính bền vững. Chúng ta đang phải trả giá khá đắt cho những dự án đầu tư phá hoại môi trường. Ta lại là nước chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu, nếu không thì mọi thành quả phát triển, xóa đói giảm nghèo sẽ đổ xuống sông xuống biến mất.
* Theo ông, chúng ta sẽ mất bao lâu để giải quyết những vấn đề của hiện nay?
- Tôi cảm nhận thấy cần không ít thời gian vì cùng một lúc ta sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề. Một là phải lấy lại phong độ đã mất qua đợt suy giảm lần này. Năm 2007 chúng ta đã đạt tốc độ tăng trưởng 8,46%, giờ muốn ngoi trở lại cũng phải vài ba năm nữa. Thứ hai là tái cấu trúc nền kinh tế một cách tổng thể. Thứ ba là mình lại phải đuổi theo thế giới. Sau khủng hoảng, thế giới đi vào sản xuất những sản phẩm tiết kiệm điện và thân thiện với môi trường như điện gió, điện mặt trời, xe chạy điện..., còn mình cứ lẹt đẹt lắp xe máy, ôtô gây ô nhiễm môi trường sao được?
Phát triển nguồn nhân lực toàn diện
* Thưa ông, trong thông điệp đầu năm Thủ tướng nêu ra ba khâu đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới...
- Tôi quan tâm nhất là nguồn nhân lực vì làm gì cũng là do con người và vì con người. Nhưng tôi lăn tăn mấy điều. Nói nhân lực mà không kèm theo phát triển khoa học - công nghệ thì vẫn là gia công, chỉ có là ở trình độ cao hơn. Từ Đại hội III (năm 1960) đến giờ chúng ta luôn luôn nói khoa học - công nghệ là then chốt, là quốc sách hàng đầu nhưng nó vẫn rất yếu, thậm chí tiền dành cho lĩnh vực này tiêu không hết.
Muốn trở thành nước công nghiệp mà không có khoa học - công nghệ thì làm sao được. Một vế nữa trong vấn đề nhân lực tôi thấy chưa được nêu rõ là phong cách lao động công nghiệp, cách sống hiện đại? Làm sao quản lý được nhà máy điện nguyên tử nếu tùy tiện? Nếu không đặt vấn đề nguồn nhân lực toàn diện thì không thể có xã hội công nghiệp theo hướng hiện đại được.
* Ông có đề cập vấn đề quan trí, vậy ông trông đợi gì vấn đề này ở Đại hội Đảng lần thứ XI?
- Cái bức xúc nhất của tôi là hình như đại hội của tất cả các địa phương vừa qua đều không chọn đủ lãnh đạo trẻ theo tỉ lệ Bộ Chính trị đề ra là 15% nhưng có vẻ mọi người đều coi chuyện đó là bình thường.
Sở dĩ có tình trạng này là do cả hai chiều: có thể lớp trẻ chưa phấn đấu đúng mức nhưng anh chị em có phấn đấu được hay không còn nhờ ở môi trường lớp trước tạo ra nữa chứ. Chúng ta nói phải đổi mới về chính trị thì đấy là một trong những vấn đề phải đổi mới, phải tạo điều kiện cho thế hệ trẻ, cho những người tài đi lên.
* Vâng thưa ông, Thủ tướng cũng cho rằng phải đổi mới kinh tế đồng thời với chính trị trong thông điệp đầu năm của mình?
- Đổi mới chính trị có nhiều cấp độ, nhiều hình thức. Thật ra vừa qua ta đã tiến hành một số đổi mới về chính trị, ví dụ gia tăng vai trò, tiếng nói của Quốc hội, của các cơ quan dân cử. Hệ thống tư pháp cũng đang chuyển mình. Trước kia ở ta nặng về nhân trị, bây giờ coi trọng pháp trị. Phương thức lãnh đạo của Đảng cũng được đề cập nhiều, hi vọng đại hội lần này sẽ làm rõ hơn bên cạnh nhiệm vụ đổi mới bản thân sinh hoạt của Đảng. Cái quan trọng nữa là quan tâm thích đáng đến dư luận xã hội. Về dân chủ xã hội cũng được nói đến không ít nhưng hình thù ra sao, thực hiện thế nào cũng cần được làm rõ và nhất là thực hiện.
* Gần đây cũng có ý kiến rằng VN nên tiến hành đổi mới lần hai, ông chờ đợi gì về sự đổi mới này sau đại hội?
- Nói thế cũng chỉ là từ “có cánh” chứ không thể trong một câu, một chữ, một việc được. Trong kinh tế, đổi mới kinh tế là chuyển từ lượng sang chất. Đổi mới về chính trị đã được đặt lên bàn nghị sự một cách nghiêm túc hơn. Đổi mới đối ngoại cũng đã tiến hành, ví dụ trước kia mình chỉ nói hội nhập kinh tế, giờ nói hội nhập chung. Tôi rất tán thành quan điểm này vì trên thực tế về chính trị mình đã hội nhập rồi, đã tham gia Hội đồng Bảo an, chủ trì ASEM, APEC, ASEAN... Văn hóa thì bây giờ thế giới có gì hôm sau VN có ngay. Còn quân sự thì trong văn kiện lần này cũng nói nhiều tới hợp tác quốc phòng. Vấn đề cốt tử là hội nhập thì làm sao “mình vẫn là mình”, nghĩa là giữ được độc lập, tự chủ đi đôi với việc tích cực, chủ động đóng góp cho hòa bình, hợp tác.
Theo www.tuoitre.vn