"Nhưng đến nay chưa thấy bộ “thổi còi” và không có ý kiến gì về những việc chúng tôi đã làm để quản lý game online trên địa bàn. Không bị “thổi còi” có nghĩa là chúng tôi làm đúng. Nếu đúng thì các biện pháp này cần phải được áp dụng thống nhất trên toàn quốc, chứ không thể chỉ một mình TP.HCM làm một cách đơn độc như vừa qua” - ông Lê Mạnh Hà, giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, đã bức xúc như vậy về tình cảnh đơn thương độc mã của TP.HCM trong cuộc chiến quản lý game online - một vấn đề “nóng” từ gia đình đến diễn đàn Quốc hội.
|
Trẻ chơi game online tại một cửa hàng Internet cạnh Trường ĐH Văn hóa TP.HCM trên đường Quốc Hương, Q.2, TP.HCM tối 7-1 - Ảnh: Thuận Thắng |
Theo ông Hà, điều mà ông không thể hiểu được là vì sao đến nay Bộ TT-TT vẫn chưa yêu cầu loại bỏ các nội dung bạo lực khỏi trò chơi Đột kích. Vì thế trong khi thôi “đột kích” ở TP.HCM thì các game thủ của trò chơi này ở 62 tỉnh, TP còn lại vẫn vô tư “vãi đạn”.
Ngay cả việc hai công ty VinaGame và FPT ngừng cung cấp hai trò chơi Biệt đội thần tốc và Đặc nhiệm anh hùng, theo ông Hà, cũng là do họ tự nguyện ngừng dưới sức ép từ các biện pháp quản lý của TP.HCM chứ không phải từ yêu cầu của bộ.
Tại hội nghị về quản lý game online do Sở TT-TT TP.HCM tổ chức ngày 5-1, ban tổ chức giới thiệu có đại diện Sở TT-TT chín tỉnh trong khu vực tham dự nhưng chỉ mỗi đại diện tỉnh Bình Dương phát biểu.
Vị này cũng bày tỏ bức xúc về tác hại của game online với lo lắng rằng “con nít chơi game nhập vai để chém giết nhau thì ở ngoài đời chúng cũng có thể chém giết nhau thật”. Có điều vị này không xưng tên và khi phát biểu đã khéo léo “rào trước” rằng “đây chỉ là suy nghĩ của cá nhân tôi chứ không phải của Sở TT-TT Bình Dương”.
Một đại diện của Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử thì trách “nghe quý vị nói nãy giờ dường như cho rằng bộ không làm gì cả”. Theo vị này, bộ cũng đã có các văn bản chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra nhưng quan trọng là vai trò của địa phương, phải thanh tra đột xuất để phát hiện, chấn chỉnh vi phạm.
Thế nhưng, theo ông Hà: “Vấn đề là bộ không làm điều quan trọng nhất là thẩm định và loại bỏ yếu tố bạo lực ra khỏi game online”. Sở TT-TT đã kiến nghị bộ xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ bạo lực trong game online như người chơi nhập vai tích cực hay vai tiêu cực, vũ khí sử dụng trong trò chơi là gì, đối tượng bị tiêu diệt là ai... Nếu căn cứ những tiêu chí này để thẩm định và loại bỏ được yếu tố bạo lực, kích động bạo lực khỏi trò chơi thì sẽ hạn chế được những tác động tiêu cực có thể dẫn đến hành vi bạo lực ngoài xã hội của người chơi.
Cũng như nhiều vị lãnh đạo TP.HCM, ông Hà khẳng định quan điểm không chống game online, thậm chí khuyến khích những game có nội dung tích cực, nhưng không chấp nhận tính chất bạo lực hoặc kích động bạo lực trong loại hình giải trí thời thượng này.
Gây ô nhiễm kiểu xả thải của Công ty Vedan phải cần một thời gian mới phát sinh hậu quả, trong khi “ô nhiễm” từ hành vi bạo lực trong game online có thể bộc phát ra ngay bên ngoài xã hội và có thể làm hỏng nhân cách, tương lai nếu người chơi, nhất là học sinh và trẻ em, không đủ ý thức để tự “miễn dịch” với nó.
Vì lẽ đó, nói như ông Hà, TP.HCM sẽ làm đến cùng dù đơn thương độc mã.
Theo www.nhipsongso.tuoitre.vn