Thông tin “nguội”
Theo thống kê của Ban quản lý dự án phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Hà Nội (đơn vị thực hiện cổng giao tiếp điện tử Hà Nội), sau bốn năm hoạt động mới có hơn 800.000 lượt truy cập vào cổng giao tiếp điện tử Hà Nội. “Đó là một con số quá thấp, cho thấy hiệu quả hoạt động thấp và chưa mấy thuyết phục so với mục tiêu đặt ra khi xây dựng cổng giao tiếp điện tử Hà Nội” - ông Nguyễn Mạnh Dũng, giám đốc Sở Bưu chính - viễn thông Hà Nội, đơn vị chủ quản của cổng giao tiếp điện tử Hà Nội, cho biết.
Theo đề án, cổng giao tiếp điện tử Hà Nội là một “cổng hành chính trực tuyến” mà người dân, doanh nghiệp... vào đây sẽ được cung cấp thông tin về chính quyền, được hướng dẫn các thủ tục hành chính, đồng thời được cung cấp các dịch vụ công như: trợ giúp đăng ký kinh doanh; dịch vụ hỏi đáp, tư vấn trực tuyến; các dịch vụ cộng đồng... Tuy nhiên, phần lớn những “món ăn” này đã “nguội”. Hiện tại, truy cập vào cổng giao tiếp điện tử Hà Nội người dân chỉ tìm thấy các thông tin mang tính chất tra cứu như: giới thiệu về chính quyền thành phố, giới thiệu về Hà Nội, thông tin về các đơn vị, thông tin qui hoạch, tra cứu văn bản pháp qui...
Ông Dũng cho biết: “Điểm mạnh của cổng giao tiếp điện tử là việc hoàn thành 40 trang web thành phần của các sở ban ngành mà khi truy cập vào đây người dân, doanh nghiệp được đáp ứng thông tin và cung cấp dịch vụ công”. Tuy nhiên khi truy cập những trang thành phần của các sở ban ngành này chúng tôi đều nhận được những thông tin khô cứng và tẻ nhạt như giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ, các phòng ban... Ngay như những thông tin mang tính chất cập nhật như công khai văn bản mới, lịch làm việc, tin hoạt động... của các đơn vị cũng phập phù, chậm chạp. Tại các trang thành phần của Sở Tư pháp, Sở Văn hóa - thông tin, Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn... cập nhật toàn lịch hoạt động, báo cáo, kế hoạch của những ngành này từ năm 2004.
Đợi đến bao giờ?
Theo thống kê, đến nay cổng giao tiếp điện tử Hà Nội nhận được 1.818 câu hỏi, đã trả lời được 688 câu hỏi (chiếm 37%). Nhiều đơn vị nhận được hàng trăm câu hỏi của người dân nhưng không hề trả lời câu nào như: Sở Qui hoạch - kiến trúc nhận được 149 câu hỏi, Sở Kế hoạch - đầu tư nhận được 133 câu hỏi về thủ tục đăng ký kinh doanh...
|
Lộ trình xây dựng cổng giao tiếp điện tử Hà Nội đang bước vào giai đoạn II, tức là chuyển từ giai đoạn chính quyền cung cấp thông tin một chiều sang giai đoạn tương tác với người dân và doanh nghiệp. Thực hiện lộ trình này, cổng giao tiếp điện tử Hà Nội đã triển khai một mục đáng chú ý là “hỏi đáp và dịch vụ trực tuyến”. Theo đó, khi tiếp cận dịch vụ này người dân, doanh nghiệp sẽ được các ban ngành của Hà Nội hướng dẫn chi tiết cụ thể những thắc mắc về thủ tục hành chính trong từng lĩnh vực. Mặc dù hấp dẫn vậy nhưng đến nay mục “hỏi đáp và dịch vụ trực tuyến” nhận được rất ít câu hỏi của người dân, doanh nghiệp và phần lớn những câu hỏi này thường không có hồi âm.
Để minh chứng điều này, chúng tôi gửi hàng chục câu hỏi cho các ban ngành của Hà Nội đến cổng giao tiếp điện tử Hà Nội, sau hơn một tuần chờ đợi chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời “Câu hỏi của bạn đang được xem xét và trả lời. Xin vui lòng chờ và kiểm tra lại sau”.
Ông Dũng cũng thừa nhận tính kém hấp dẫn và thiếu hiệu quả của cổng giao tiếp điện tử Hà Nội. Lý giải điều này ông Dũng cho hay cổng giao tiếp điện tử Hà Nội muốn phát triển đến trình độ là một “cổng hành chính trực tuyến” thật sự của người dân cần phải phát triển đồng bộ nhiều mặt gồm con người, cơ sở vật chất, công nghệ, cải cách hành chính và trình độ dân trí.
Ông Dũng cũng cho biết: “Sắp tới Sở Bưu chính - viễn thông Hà Nội sẽ trả cổng giao tiếp điện tử về cho UBND thành phố Hà Nội quản lý vì Sở Bưu chính - viễn thông chỉ có thể can thiệp bằng kỹ thuật vào cổng hành chính trực tuyến chứ không thể vận hành nó được”.
Theo Tuổi trẻ