Thứ năm, 16/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 06/01/2011
Lớp trẻ hãy tự tin theo học CNTT

Với việc triển khai Đề án đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT-TT cùng với nhiều dự án và kế hoạch khác, thị trường CNTT sẽ không ngừng mở rộng và nhu cầu nhân lực chắc chắn sẽ tăng cao trong thời gian tới.

1a.jpg
Nhu cầu nhân lực CNTT sẽ tăng cao trong thời gian tới. Ảnh: THANH HẢI

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng nhận định đầy lạc quan về triển vọng phát triển của ngành CNTT-TT Việt Nam trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu năm mới với báo Bưu điện Việt Nam.

1a.jpg
Thứ Trưởng Nguyễn Minh Hồng

Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT (Đề án nước mạnh) đã được Thủ tướng phê duyệt nhưng vẫn còn khá nhiều ý kiến cho rằng chúng ta chỉ nên tập trung phát triển ngành phần mềm và dịch vụ nhờ thế mạnh về nguồn nhân lực đông đảo, không nên đi theo công nghiệp phần cứng. Là người được giao phụ trách về CNTT, ông nhận xét thế nào về ý kiến trên? Trong thời gian tới, định hướng của công nghiệp CNTT Việt Nam sẽ phát triển theo hướng nào?

Công nghiệp phần mềm và dịch vụ đang là xu thế phát triển của CNTT thế giới và trong khu vực, đem lại giá trị gia tăng cao trong khi yêu cầu vốn đầu tư ban đầu có thể thấp hơn so với công nghiệp phần cứng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không nên “đi theo” công nghiệp phần cứng như bạn đặt vấn đề. Thay vào đó, chúng ta nên nhận thức rằng, một nước mạnh về CNTT là một nước có sự phát triển đồng đều, trong đó có một số ngành, lĩnh vực nằm trong nhóm những nước dẫn đầu, còn một số ngành, lĩnh vực nằm trong nhóm những nước trung bình khá của thế giới. Vì vậy, phát triển công nghiệp phần mềm dịch vụ và công nghiệp phần cứng điện tử là 2 nhiệm vụ trong số những nhiệm vụ mà Đề án đặt ra.

Để định hướng phát triển của công nghiệp CNTT Việt Nam thời gian tới, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ mà Đề án đặt ra, Bộ TT&TT hiện đã trình Chính phủ dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2015 và định hướng đến 2020, trong đó xác định năm yếu tố quan trọng để phát triển công nghiệp CNTT Việt Nam trong thời gian tới là: thị trường, doanh nghiệp, nhân lực, sản phẩm và đầu tư. Bên cạnh đó, Chương trình cũng sẽ tập trung phát triển công nghiệp CNTT tại các tỉnh, thành phố có tiềm năng, đặc biệt là tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và vùng phụ cận.

Thưa ông, trong đề án nước mạnh về CNTT có nói đến việc hình thành các tập đoàn CNTT-TT mạnh, tầm cỡ quốc tế, nhưng có vẻ như đây là các tập đoàn nhà nước. Vậy triển vọng có các tập đoàn CNTT dân doanh tầm cỡ quốc tế của Việt Nam là như thế nào thưa ông?

Mục tiêu Đề án đặt ra là hình thành được các tập đoàn CNTT-TT mạnh, quy mô ASEAN và thế giới, không phân biệt tập đoàn nhà nước hay tư nhân. Với những lợi thế riêng của mình như sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức sản xuất cũng như ra các quyết định đầu tư, nhanh chóng nắm bắt được thời cơ, triển vọng phát triển của các doanh nghiệp CNTT tư nhân là rất lớn. Kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp CNTT-TT trên thế giới cùng với sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn tư nhân cũng đã chứng minh điều đó. Ở Việt Nam, với quy mô cỡ 1.000 lao động trong lĩnh vực dịch vụ phần mềm, TMA là một ví dụ điển hình.

Chúng ta hiện có khá nhiều các doanh nghiệp CNTT, phần mềm, phần cứng, dịch vụ và viễn thông nhưng số lượng các "đại gia" thực sự chỉ chiếm trên đầu ngón tay. Theo ông, đâu là những lý do khiến quy mô của phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT là nhỏ? Trong thời gian tới, chính sách nhà nước sẽ có những hỗ trợ để tăng quy mô của nhóm doanh nghiệp này?

Ngành CNTT ở Việt Nam mới phát triển được hơn 10 năm qua, còn tương đối non trẻ, nhìn chung, các cấp, các ngành, các địa phương chưa thực sự coi ứng dụng và phát triển CNTT là nhiệm vụ ưu tiên trong khi triển khai các nhiệm vụ kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, CNTT là một lĩnh vực khó, liên quan đến các yếu tố công nghệ cao, trong khi chúng ta có xuất phát điểm từ một nền kinh tế - xã hội còn nghèo và lạc hậu, trình độ quản lý, trình độ khoa học và công nghệ còn chưa cao, môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách còn đang trong qua trình hoàn thiện nên nói chung chưa thể có được nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này.

Trong dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2010, Bộ có đề xuất một số nội dung nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp CNTT, hình thành doanh nghiệp mạnh, ví dụ:

- Nhà nước ưu tiên đầu tư vốn vào các doanh nghiệp CNTT để hình thành các doanh nghiệp mạnh;

- Ưu tiên các doanh nghiệp CNTT mạnh của Việt Nam tham gia làm tổng thầu thực hiện một số dự án lớn về CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước.

- Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng quy trình sản xuất, quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế.

- Rà soát, sửa đổi thuế giá trị gia tăng theo hướng đưa sản phẩm và dịch vụ phần mềm vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng; sửa đổi thuế xuất nhập khẩu theo hướng thuế nhập khẩu linh kiện phần cứng máy tính, điện tử không cao hơn thuế nhập khẩu sản phẩm hoàn chỉnh; sửa đổi thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phần mềm và sản xuất sản phẩm nội dung số được hưởng mức ưu đãi tương tự như doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phần mềm.

- Áp dụng các chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật dành cho công nghệ cao để phát triển ba trung tâm công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và ba cụm công nghiệp phần cứng, điện tử tại ba miền Bắc, Trung, Nam.

1a.jpg

Đánh giá của ông về vai trò của khu vực dân doanh trong sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam? Nhà nước đã làm được những gì để khu vực này phát huy được những ưu việt của khu vực tư nhân, trong đó đặc biệt là sức trẻ, sự sáng tạo?

Khu vực dân doanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển của ngành CNTT Việt Nam. Để đạt được các mục tiêu phát triển cần phải có sự thống nhất hành động của các tầng lớp xã hội, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia, huy động vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân và thực hiện tốt mô hình hợp tác công – tư.

Trong thời gian qua, Nhà nước đã tập trung hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực này. Đến nay hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực CNTT đã tương đối đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy cạnh tranh, mọi thành phần kinh tế đều có thể tham gia đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó cũng đã chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về CNTT; xã hội hoá đầu tư cho CNTT-TT đặc biệt là phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng; đẩy mạnh đầu tư của Nhà nước đối với các chương trình, dự án CNTT; hỗ trợ các DN CNTT phát triển thông qua chính sách tài chính, đầu tư; tập trung phát triển hợp tác quốc tế trong lĩnh vực mang tính hội nhập cao này.

So với nhiều năm trước đây, hiện ngành CNTT không còn sáng giá như trước nữa, đặc biệt là thu hút nguồn nhân lực. Điều đó có ảnh hưởng như thế nào đến việc thực hiện đề án? Là người được giao phụ trách về CNTT, ông sẽ nói gì để hâm nóng nhiệt huyết của lớp trẻ đối với ngành CNTT Việt Nam non trẻ này?

Vì nhiều lý do, có thể thời gian gần đây, ngành CNTT không thu hút được sự quan tâm của đông đảo các phụ huynh và các bạn học sinh như giai đoạn mới phát triển vào những năm trước, nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ tiêu tuyển sinh ngành CNTT và điện tử viễn thông vẫn tăng khoảng 6-8% mỗi năm. Nếu tốc độ này được duy trì thì mục tiêu đạt 1 triệu nhân lực theo Đề án cho ngành CNTT-TT đến 2020 hoàn toàn khả thi.

Tôi cho rằng, CNTT đã, đang và sẽ là một trong những ngành kinh tế quan trọng bậc hàng đầu của bất cứ quốc gia nào trên thế giới, thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực đời sống, xã hội và có vai trò ngày càng lớn, trở thành một phần không thể thiếu được trong sự phát triển của các ngành kinh tế. Tôi nghĩ, lớp trẻ ngày nay hết sức nhạy bén và mỗi bạn trẻ sẽ tự nhận thấy được tiềm năng phát triển của ngành CNTT và thế mạnh của cá nhân mình để có sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.

Tôi cũng tin rằng, bằng việc thực hiện Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT, các Chương trình quốc gia về ứng dụng và phát triển CNTT, các dự án, kế hoạch của các Bộ, ngành và địa phương, và với một số cơ chế, chính sách của Nhà nước sắp được ban hành, thị trường CNTT sẽ không ngừng mở rộng, nhu cầu nhân lực CNTT chắc chắn sẽ tăng cao trong thời gian sắp tới.

Những năm gần đây, sự phát triển Internet ở Việt Nam rất nhanh, được xếp vào hàng top đầu thế giới. Nhiều người tự hỏi sao không có những tỷ phú Internet Việt Nam như Trung Quốc có Robin Lee (Baidu), Jack Ma (Tencent) hay Mark Zuckerberg (Facebook)? Theo ông Việt Nam còn thiếu những điều kiện gì để có được những tỷ phú Internet như vậy? Theo ông, vai trò của chính sách như thế nào để gây dựng, nuôi dưỡng nên những tỷ phú như vậy?

Nhìn chung, vào cuối năm 2009, Việt Nam mới thoát ra khỏi danh sách những nước nghèo để bước vào hàng ngũ những nước có thu nhập trung bình trên thế giới. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta chưa thể ngay lập tức có nhiều tỷ phú như bạn mong muốn. Để nâng cao mức sống và mức thu nhập bình quân đầu người, chúng ta cần thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Trong lĩnh vực CNTT-TT, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện môi trường pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển; tiếp tục xây dựng thực thi mạnh mẽ hơn nữa những chính sách thu hút, khuyến khích và sử dụng nhân tài...

Trong những năm qua, ông đã dành rất nhiều thời gian đi thực tế doanh nghiệp CNTT cả trong và ngoài nước. Ông nhận thấy đặc điểm khác biệt giữa DN CNTT trong nước và nước ngoài như thế nào? Mình thua kém họ ở điểm nào và hơn họ ở những điểm gì? Để Việt Nam có doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế, theo ông các doanh nghiệp Việt Nam phải khắc phục những điểm gì? Chính sách nhà nước cần có những đột phá cụ thể gì?

Các doanh nghiệp phần cứng - điện tử nội địa hầu hết có quy mô vừa và nhỏ. Ngoài một số rất ít doanh nghiệp có công nghệ tương đối hiện đại, các doanh nghiệp còn lại đều sở hữu công nghệ, trang thiết bị lạc hậu. Tuy mức tăng trưởng của doanh nghiệp nội địa cao nhưng tỉ trọng trong tổng giá trị sản xuất vẫn rất thấp do tiềm lực tài chính và công nghệ bị hạn chế. Bên cạnh một số doanh nghiệp lớn, phần nhiều các doanh nghiệp phần mềm - nội dung số Việt Nam vẫn là các công ty vừa và nhỏ, với năng lực cạnh tranh còn hạn chế, quy trình sản xuất và quản lý chất lượng chưa cao, đội ngũ chuyên gia bậc cao còn ít, chưa có kinh nghiệm marketing.

Tuy nhiên, các DN CNTT Việt Nam có lợi thế đi sau, học tập được nhiều kinh nghiệm quý giá của các khu vực và thế giới. Phần lớn các DN có quy mô nhỏ nên linh động, phản ứng nhanh. Bên cạnh đó là sự quyết tâm cao của Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển DN CNTT, tạo điều kiện tốt nhất để các DN có thể phát triển vươn ra quốc tế.

Để có được những doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế, chúng ta cần khắc phục mặt hạn chế đồng thời phát huy các mặt mạnh. Các chính sách đột phá để hình thành các doanh nghiệp CNTT mạnh tôi đã đề cập ở phần trước.

Xin cảm ơn ông!

Theo www.ictnews.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0