Thông tin trên được Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đưa ra tại Hội nghị quản lý trò chơi trực tuyến sáng 5-1 tại TP.HCM.
|
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lê Mạnh Hà phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Lê Mỹ |
Biện pháp mạnh
Ba trò chơi bắn súng trực tuyến đã ngưng hoạt động bao gồm Biệt đội thần tốc của VinaGame (ngưng từ 17-10), Đặc nhiệm anh hùng của FPT (ngưng từ 1-11), riêng trò chơi Đột kích của VTC Intecom đã bị buộc ngưng cung cấp trên địa bàn TP.HCM.
Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM cũng yêu cầu 9 doanh nghiệp loại bỏ tính năng đối kháng trong 29 trò chơi kiếm hiệp có cốt truyện và các hành vi đối kháng kém quyết liệt kèm theo âm thanh mang tính kích động bạo lực không cao như các trò chơi thể loại bắn súng.
Hiện đã có 2 doanh nghiệp là Saigontel và Netgame đã hoàn thành loại bỏ yếu tố đối kháng 6 trò chơi. FPT, VTC và Asiasoft cam kết thực hiện loại bỏ tính năng đối kháng của 14 trò chơi trước ngày 1-4-2011.
Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM cũng đã đồng ý với thời hạn này doanh nghiệp phụ thuộc vào đối tác nước ngoài trong việc điều chỉnh về cấu trúc của phần mềm và các yếu tố kỹ thuật khác.
Trường hợp VinaGame (VNG) cung cấp nhiều trò chơi kiếm hiệp có yếu tố bạo lực nhất nhưng cho đến nay chưa cam kết thời hạn loại bỏ tính năng đối kháng của 8 trò chơi, Sở Thông tin - Truyền thông sẽ sử dụng biện pháp mạnh để buộc công ty phải chấp hành.
Một vấn đề khác được nêu ra trong hội nghị là công tác ngăn chặn các trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực được cung cấp từ nước ngoài cũng được Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM Lê Mạnh Hà cho biết Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet (ISP) ngăn chặn các trò chơi trực tuyến chưa được phép lưu hành (máy chủ đặt trong nước hoặc ở nước ngoài).
Sở Thông tin - Truyền thông đang thực hiện việc thống kê danh sách các trò chơi chưa được phép đang hoạt động để chuyển cho các quận, huyện yêu cầu các đại lý Internet không cung cấp các trò chơi này.
Đình chỉ kinh doanh 66 đại lý Internet cách trường học dưới 200m
Báo cáo tại hội nghị nêu rõ 23/24 quận/huyện tại TP.HCM đã kiểm tra 1.395 đại lý Internet và xử phạt 190 đại lý Internet vi phạm kinh doanh trò chơi trực tuyến quá giờ quy định và các hành vi vi phạm khác với tổng số tiền phạt là gần 175 triệu đồng, đình chỉ kinh doanh đối với 66 đại lý Internet cách trường học dưới 200m.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu tham dự hội nghị từ các quận huyện TP.HCM cho biết rất khó khăn trong việc kiểm tra các đại lý Internet cung cấp trò chơi trực tuyến. Nhiều lý do xuất phát từ việc thiếu nhân sự, không thống nhất giữa nội bộ ngành thông tin và truyền thông, chưa nhất quán trong chủ trương và hiện chỉ có TP.HCM là "mạnh tay" nhất trong việc quản lý trò chơi trực tuyến lẫn việc cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến tại các đại lý Internet.
Nhiều biện pháp khác đang được thúc đẩy bao gồm việc triển khai quản lý thời gian chơi trò chơi trực tuyến tại tất cả các đại lý Internet (từ 22g đêm hôm trước đến 8g sáng hôm sau) thông qua ISP và doanh nghiệp cung cấp game online từ ngày 31-1-2011. Ngoài ra còn có hình thức quản lý độ tuổi người chơi trò chơi trực tuyến và quản lý nội dung kinh doanh (ngăn chặn tình trạng mua/bán vật phẩm ảo trong game).
Việc thống nhất "tiêu chí đánh giá mức độ bạo lực" trong trò chơi trực tuyến được cho là yếu tố quan trọng để xác định tính bạo lực của một game vẫn còn là vấn đề tranh luận từ các tổ chức và doanh nghiệp phát hành trò chơi trực tuyến. Một khi đánh giá được mức độ bạo lực của từng trò chơi trực tuyến sẽ giúp cho việc xử lý hiệu quả hơn các hành vi vi phạm của các nhà phát hành trò chơi.
Theo www.nhipsongso.tuoitre.vn