Cứ mỗi năm, khi thế giới công nghệ tụ hội về "thành phố tội lỗi" Las Vegas để trẩy hội CES, không khó để nhận ra những chủ đề chung "hot" nhất, phổ biến nhất, thời thượng nhất. Năm nay, nhiều khả năng những chủ đề đó sẽ là laptop và desktop siêu tốc sử dụng dòng chip Sandy Bridge mới toanh của Intel, vô vàn tablet trên nền Android với khao khát, ước ao cháy bỏng là hạ bệ iPad. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là sự mở rộng của công nghệ 3D trong thế giới của những chiếc TV và máy ảnh số.
Ngày mai, CES mới chính thức khai màn song hàng loạt các thông cáo quan trọng sẽ được các hãng đua nhau đưa ra hôm nay, trong khuôn khổ các cuộc họp báo bên lề CES (vốn đã được xếp lịch kín đặc cả ngày).
1. Laptops và Desktops
Tất cả các bản tin liên quan đến hai hạng mục này sẽ đều đề cập đến dòng chip Sandy Bridge, một cấu trúc hoàn toàn mới từ Intel - được thiết kế để cải thiện đáng kể khả năng hiển thị video, chơi game và mã hoá video siêu tốc trên những hệ thống không có card đồ hoạ chuyên biệt.
Những màn trình diễn ban đầu của Intel về một số mẫu laptop có trang bị chip Sandy Bridge thực sự ấn tượng. Mã hoá video - công việc mà các thế hệ chip trước đây phải oằn mình gánh vác, giờ đây chỉ chớp mắt là xong, dù đúng là nó có khiến cho CPU bị "nặng tải" hơn một chút.
Intel cho biết chip Sandy cũng tiết kiệm điện năng hơn. Và khác với đại bộ phận các loại chip hiện hành, vốn chỉ nhắm đến những cỗ máy cao cấp phục vụ các Thượng đế lắm tiền nhiều của, loạt chip Sandy đầu tiên sẽ rơi vào tầm trung để người dùng trung bình cũng có thể thử "liền tay".
Riêng trong địa hạt laptop, đừng nên kỳ vọng ngoại hình của những mẫu laptop mới sẽ thay đổi nhiều. Hầu hết các hãng đều đưa chip Sandy vào trong những hệ thống quen thuộc. Với desktop, nhiều hệ thống đa năng tất-cả-trong-1 sẽ xuất hiện nhiều hơn với tính năng mạnh mẽ hơn.
2. Tablets
Chắc chắn, tablet sẽ là từ khoá "bỏng môi" tại CES năm nay và đa số chúng sẽ sử dụng hệ điều hành Android của Google. Câu hỏi đặt ra là liệu có gương mặt nào trong số đám đông này nổi lên được như là đối thử xứng đáng của Apple iPad hay không. Hoặc giả, nhiệm vụ còn khó khăn hơn gấp bội khi iPad 2 đang được đồn là sắp được Apple công bố?
Đối thủ đáng kể duy nhất của iPad tính đến thời điểm này vẫn là Samsung Galaxy Tab. Tuy nhiên, gần đây Verizon đã giảm giá 100 USD cho Tab, tặng kèm theo 60 USD phí thuê phim miễn phí. Theo giới phân tích, hành động này có thể là dấu hiệu cho thấy lượng tiêu thụ của Tab không được thoả mãn cho lắm.
Một vấn đề mà các mẫu tablet Android đầu tiên vấp phải là chúng buộc phải xài tạm bản Android được thiết kế chuyên cho điện thoại chứ không phải máy tính bảng, như Google đã tự mình thừa nhận. Bất cứ thiết bị nào xuất xưởng ngay tại CES chắc chắn sẽ dính phải điểm yếu này. Đó là lý do vì sao mẫu tablet mà Motorola bóng gió nhắc đến trong một đoạn video clip trên YouTube lại đình đám như vậy. Đoạn cuối của video clip xuất hiện một chú ong, ám chỉ rằng tablet này sẽ cài Android 2.4 (tên mã là Hũ mật). Đây là phiên bản Android đầu tiên được tối ưu hoá cho máy tính bảng, song sớm sủa nhất, nó cũng không thể lộ diện trước tháng 3.
Tất nhiên, Android không phải là hệ điều hành duy nhất dành cho máy tính bảng tại CES. RIM có thể sẽ muốn chia sẻ nhiều thông tin hơn về BlackBerry Playbook, bên cạnh các tin đồn về tablet chạy hệ điều hành WebOS do HP sản xuất. Và cuối cùng, một số nhà sản xuất có lẽ cũng muốn phiêu lưu một chuyến với Windows 7.
3. HDTV
HDTV 3D là một trong những chủ đề chính tại triển lãm CES năm ngoái, nhưng suốt 12 tháng qua, cộng đồng người dùng nói chung là chưa mấy ấn tượng với công nghệ này, dù mối quan tâm là có.
Có khá nhiều lý do để giải thích cho sự hờ hững này: nội dung 3D rất thiếu và hiếm, hiệu ứng 3D trên TV khá nhạt nhoà chứ không nổi bật như trong môi trường rạp chiếu. Hơn nữa, TV 3D đòi phải có cặp kính sập động vừa đắt, vừa nặng đi kèm.
Công nghệ TV 3D không cần kính, trong khi đó, vẫn quá đắt so với mức thu nhập trung bình của người dùng, vì vậy, giải pháp trong lúc chờ đợi là nhà sản xuất sẽ tung ra nhiều hơn các model tương thích với loại kính phân cực thường dùng trong rạp. Giá đầu tư ban đầu cho TV có thể cao, song kính 3D sẽ rẻ hơn nhiều, lại nhẹ và dễ dùng hơn.
Bên cạnh TV 3D, chắc chắn CES 2011 sẽ chứng kiến rất nhiều cải tiến mới trong công nghệ sản xuất TV LCD. Một số màn hình LCD, nhất là TV siêu mỏng sử dụng đèn nền LED ở viền TV, thường gặp khó khăn khi hiển thị những vật thể tối di chuyển trên nền sáng hoặc ngược lại. Vấn đề mấu chốt là làm sao làm tối được chính xác một số khu vực trên màn hình, trong khi vẫn duy trì ánh sáng bình thường cho các khu vực khác, nhất là khi đèn nền không nằm ngay sau màn hình mà được bố trí chạy dọc theo đường viền. Tất cả các hãng đều đã nhận biết được nhược điểm này và có thể, CES 2011 sẽ đưa đến câu trả lời mới cho người dùng.
4. Smartphones
Năm 2010 đã chứng kiến các mạng di động Sprint, Verizon và T-Mobile đua nhau nói về mạng 4G, dù chưa mạng nào thực sự đáp ứng được định nghĩa chính thức của 4G cả. Mặc dù vậy, thị trường vẫn đón nhận được một số ít mẫu điện thoại 4G thực sự ấn tượng và hấp dẫn. Giới phân tích tin rằng mọi sự sẽ đổi khác tại CES, khi các hãng sẽ trình diễn nhiều mẫu điện thoại Android tương thích với nền mạng LTE của Verizon, WiMax của Sprint và HSPA+ của T-Mobile.
Phiên bản mới nhất của Android (2.3 hay có tên mã là Bánh gừng) đã hỗ trợ 2 camera, nhiều hãng chắc chắn sẽ công bố những mẫu dế với camera phụ ở mặt trước để phục vụ chat thấy hình. Chơi game cũng sẽ trở nên thú vị hơn khi các model Android đã được trang bị la bàn số để có thể điều khiển game thông qua việc vẩy hoặc rung điện thoại. Kết hợp với chip Tegra của Nvidia (với khả năng xem video "nuột" hơn và hình ảnh đồ hoạ 3D "sạch" hơn, điện thoại thông minh của năm 2011 sẽ trở thành thiết bị giải trí bỏ túi tuyệt nhất mà bạn từng biết.
5. Máy ảnh số
Các hãng TV không phải là những người duy nhất bàn tán về 3D tại CES 2011. Khả năng hiển thị hình ảnh 3 chiều vốn chỉ tìm thấy ở một số ít máy ảnh số chuyên nghiệp đắt tiền trước đây, sẽ cập bến máy ảnh số trong năm nay. Tin vui hơn: Sẽ không chỉ có máy ảnh số mà một số dòng máy quay camera cầm tay/camera bỏ túi cũng có thể được 3D hoá.
Hầu hết các nhà sản xuất máy ảnh đều đã nhận ra rằng đối thủ lớn nhất của họ không phải là các mẫu camera khác mà chính là smartphone. Những linh kiện camera tích hợp ngày càng tinh vi bên trong smartphone đã khiến cho nhiều người dùng tự hỏi liệu họ có cần tới một chiếc máy ảnh thông thường nữa hay không. Để đối phó lại, một số hãng máy ảnh đã lựa chọn hướng đi "điện thoại hoá" sản phẩm của mình.
Để cho việc chia sẻ ảnh trở nên dễ dàng như với điện thoại, thế hệ camera mới sẽ được trang bị tính năng chia sẻ không dây. Không chỉ bó hẹp ở Wi-Fi, chúng còn tương thích với nhiều công nghệ độc quyền khác như Wi-Fi Direct, 4G.... Và việc với ngày càng có nhiều camera điều khiển bằng màn hình cảm ứng, khả năng các hãng máy ảnh tự mở quầy ứng dụng riêng là hoàn toàn có.
6. Lưu trữ
USB 3.0, công nghệ mà trên lý thuyết sẽ tăng tốc độ truyền file lên gấp 10 lần, đã xuất hiện được khoảng 1 năm nay. Nhưng dù nó đã được tích hợp vào trong hầu hết ổ cứng song người dùng lại chưa ứng dụng rộng rãi công nghệ này lắm. Đó là bởi vì đại đa số vẫn chưa có máy tính trang bị cổng USB 3.0. Tuy nhiên, điều này sẽ bắt đầu thay đổi với CES 2011.
Các bo mạch chủ sử dụng chip Sandy Bridge của Intel cũng sẽ được trang bị cổng USB 3.0, vì thế tất cả những gì bạn cần chỉ là một đầu cáp phù hợp. Ngoài ra, hãy tìm kiếm tại CES năm nay các ổ SSD nhỏ gọn và rẻ hơn. Tuần trước, Intel vừa công bố dòng SSD 310, với khả năng nén 80 GB lưu trữ vào trong một ô vuông chỉ nhỏ bằng 1/8 ổ SSD X25 trước đây.
Theo www.vietnamnet.vn