Trong 5 năm qua, doanh thu ngành CNTT-TT của Nghệ An tăng 29%/ năm. Riêng năm 2009, với sự tham gia của VTC Online trong lĩnh vực sản xuất dịch vụ PM và nội dung số, doanh thu toàn ngành tăng đột biến 164% so với năm 2008, đạt doanh thu 2.900 tỷ đồng (so với tổng GDP của tỉnh Nghệ An là 35.118 tỷ đồng). Ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước (CQNN) của tỉnh Nghệ An cũng phát triển khá nhanh: 100% CQNN sử dụng PM tác nghiệp, quản lý hồ sơ công việc và điều hành qua mạng. Hệ thống thư điện tử công vụ thường xuyên có gần 5.000 người sử dụng. Hệ thống giao ban điện tử trực tuyến đã liên thông 20 huyện, thành phố, thị xã với Tỉnh ủy và UBND tỉnh hoạt động tốt, hiệu quả.
Ông Hồ Đức Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết, quá trình phát triển CNTT-TT nói chung và các dịch vụ CNTT-TT nói riêng ở Nghệ An vừa có những khó khăn nhưng cũng có những lợi thế nhất định. Mục tiêu phát triển CNTT-TT của Nghệ An đến năm 2015 là 100% xã, phường có Internet băng rộng; 100% CQNN có mạng LAN, Internet; Từng bước xây dựng hệ thống 13 cơ sở dữ liệu (CSDL) trọng điểm, 11 dịch vụ công cơ bản; Phát triển công nghiệp CNTT thành ngành kinh tế quan trọng (doanh thu toàn ngành đạt 6.000 tỷ đồng). Nghệ An là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực CNTT cho tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ; Vinh trở thành trung tâm CNTT-TT khu vực.
Mục tiêu đến năm 2020: Hạ tầng CNTT-TT phát triển đồng bộ, hiện đại, thỏa mãn các yêu cầu ứng dụng CNTT của các CQNN, doanh nghiệp; Người dân thực hiện các thủ tục hành chính chủ yếu qua mạng với mô hình CPĐT ở mức độ cao; Nghệ An là đầu mối về cơ sở dữ liệu và cung cấp các dịch vụ Internet chất lượng cao của khu vực; Nguồn nhân lực CNTT-TT được đào tạo cho khu vực với chất lượng đạt chuẩn có thể tham gia lao động hợp tác quốc tế; Công nghiệp CNTT-TT phát triển đóng góp từ 15-20% GDP của tỉnh; Nghệ An trở thành tỉnh mạnh về CNTT-TT so với khu vực và so với các địa phương trong cả nước.
Để đạt được những mục tiêu trên, Nghệ An đưa ra 3 giải pháp chủ yếu: Một là, xây dựng quy hoạch CNTT phải đi trước một bước. Đồng thời, xây dựng các chương trình và một chuỗi các dự án khả thi để chủ động thực hiện. Chú trọng xây dựng các danh mục dự án đầu tư trọng điểm và lập các dự án khả thi để thực hiện và thu hút đầu tư. Hai là, tăng cường công tác quản lý nhà nước, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời uốn nắn những sai sót xảy ra, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực CNTT, đồng thời tăng cường pháp chế nhà nước trong hoạt động CNTT đúng pháp luật, mang lại lợi ích cho đất nước và doanh nghiệp. Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp bằng các dịch vụ công trực tuyến; tăng cường hợp tác, liên kết quốc tế để phát triển CNTT-TT, thu hút công nghệ mới hiện đại
Trang thông tin điện tử của tỉnh đã cung cấp nhiều thông tin kinh tế xã hội và nhiều thủ tục hành chính khác. Hiện có 181 dịch vụ công cấp 1; 62 dịch vụ công cấp 2; 05 dịch vụ công cấp 3 trực tuyến.
|
Theo www.ictnews.vn