Lựa chọn trọng điểm
Hiện nay, Thừa Thiên Huế ưu tiên hàng đầu cho các chương trình tin học hóa quản lý hành chính nhà nước - khởi đầu của chính quyền điện tử (eGovernment). Các lĩnh vực kinh tế xã hội khác của tỉnh đều cần sự tiếp sức của CNTT để phát triển vượt trội, tạo bước phát triển về chất nhằm mang lại giá trị gia tăng cao. Các lĩnh vực có thế mạnh của Thừa Thiên Huế là văn hóa, du lịch, khoa học-công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục-đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Đây cũng là các lĩnh vực được Thừa Thiên Huế ưu tiên đầu tư, ứng dụng CNTT.
Trong nhiều năm liền, CNTT được xác định là chương trình trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên Huế. Việc đầu tư cho CNTT không còn là đầu tư cho các phòng thí nghiệm đắt tiền mà là đầu tư cho các giải pháp. Với đặc điểm như vậy, CNTT được xác định là lĩnh vực khoa học công nghệ cần được ưu tiên đầu tư đầu tiên trong số các ngành khoa học công nghệ được chọn để làm cho Thừa Thiên Huế nhanh chóng trở thành trung tâm khoa học công nghệ của cả nước và khu vực. Mục tiêu ứng dụng và phát triển CNTT tại Thừa Thiên Huế đến năm 2020 là tổ chức thành công các ứng dụng vào những lĩnh vực ưu tiên trong lộ trình phát triển Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương. Phát triển CNTT thành một ngành công nghiệp mạnh và bền vững của Thừa Thiên Huế cả trên 4 yếu tố: Hạ tầng kỹ thuật CNTT (phần cứng), các tài nguyên thông tin (cơ sở dữ liệu), các phân hệ thông tin (PM) và nhân lực (đào tạo kỹ năng ứng dụng và phát triển CNTT).
Thừa Thiên Huế hiện đang xây dựng mạng diện rộng dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các cơ quan đảng và cơ quan quản lý nhà nước. Đây là nền tảng hạ tầng quan trọng để trên đó phát triển các ứng dụng tin học hóa quản lý nhà nước và chia sẻ các tài nguyên thông tin chung. Tiếp tục bổ sung các trang thiết bị CNTT cho các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt các cơ quan được phân công thực hiện các chương trình dự án lớn và duy trì các ứng dụng CNTT đã được hình thành. Hình thành hệ thống thông tin quản lý (MIS) tập hợp từ các cơ sở dữ liệu quan trọng của tỉnh như cơ sở dữ liệu dân cư, tài nguyên, địa lý, luật pháp, văn hóa-du lịch.
Tăng cường công cụ
Thừa Thiên Huế cũng đang tập trung xây dựng các PM tin học hóa quản lý nhà nước có sự tích hợp giữa các cơ sở dữ liệu từ các cơ quan quản lý cấp tỉnh dần xuống cấp huyện, xã; chú trọng dịch vụ công hóa các thủ tục hành chính trên mạng nhằm tiến đến hình thành chính quyền điện tử mọi lúc, mọi nơi. Để thực hiện điều này, Thừa Thiên Huế chú trọng cả 2 lĩnh vực: Các PM điều hành tác nghiệp và các PM quản lý phục vụ các hoạt động hành chính hàng ngày trong các cơ quan quản lý nhà nước (G2E - Government to Employee, G2G- Government to Government); các dịch vụ công trực tuyến từ các bộ thủ tục hành chính đã được phê duyệt (G2C- Government to Citizen, G2B-Government to Business).
Việc ứng dụng CNTT trong tổ chức và quảng bá du lịch tại Thừa Thiên Huế được xem là phương tiện hiệu quả nhất để đưa thông tin ra thế giới. Tỉnh đã tổ chức các chợ điện tử, các sàn giao dịch thương mại điện tử trong lĩnh vực văn hóa-du lịch. Xây dựng Huế thành thành phố Festival điện tử với các ứng dụng CNTT cao cấp như tham quan hệ thống các di tích lịch sử ảo, đăng ký, đặt vé, thanh toán qua mạng... Mặt khác, Thừa Thiên Huế cũng tổ chức, nghiên cứu phát triển các ứng dụng CNTT trong giáo dục đào tạo, phục vụ cho việc tự đào tạo và đào tạo từ xa. Trong tương lai, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành một trung tâm đào tạo qua môi trường điện tử (eEducation City) sôi động.
Theo www.pcworld.com.vn