Ngày 23/12, Hội Tin học Việt Nam đã tổ chức hội nghị giữa các trường đại học và cao đẳng bàn về hướng đột phá trong đào tạo CNTT. Điểm đáng lưu ý nhất từ hội nghị này là xu hướng thí sinh dự thi vào ngành CNTT đang sụt giảm nhanh kể từ vài năm gần đây.
Mặc dù báo cáo thống kê từ Bộ GD-ĐT cho rằng đào tạo nhân lực CNTT vẫn tăng trưởng đều đặn trong những năm gần đây và đạt 56.400 chỉ tiêu vào năm 2009. Tuy nhiên, ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường đại học FPT cho rằng đấy chỉ là con số thống kê dựa trên chỉ tiêu đào tạo ngành CNTT của Bộ GD-ĐT cấp cho các trường, chứ không phải là số lượng thí sinh các trường tuyển vào đào tạo. “Bộ GD-ĐT hiện cũng không có số liệu chính xác về số lượng nhân lực đào tạo trong ngành CNTT”, ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, thời kỳ điểm đỉnh của việc thu hút nhân lực vào ngành CNTT-TT là năm học 2007-2008. Từ sau năm học đó, số lượng thí sinh dự thi vào ngành này đang giảm dần, ước giảm 15% trong năm 2009 và 22% trong năm 2010.
Ông Tùng cho rằng số lượng các trường đại học tuyển sinh nguyện vọng 2 vào ngành CNTT-TT tăng lên trong khi điểm chuẩn của các trường top trên giảm dần đã minh chứng minh điều này. Hơn nữa, khảo sát của đại học FPT cho thấy tỷ lệ học sinh có nguyện vọng theo học ngành CNTT-TT sụt giảm nhanh chóng. Trong năm 2010, đại học FPT đã thực hiện khảo sát 11.000 học sinh phổ thông ở Hà Nội phát hiện chỉ có 6,25% học sinh có mong muốn theo học ngành CNTT-TT. Trong khi đó, tỷ lệ này của năm 2009 là 8,76%.
Đại diện các trường khác như Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Công nghệ cũng thừa nhận đang có xu hướng giảm sức hút vào ngành CNTT-TT sang các ngành “hot” hơn như tài chính, ngân hàng và ngoại thương. Xu hướng này là thực trạng đáng ngại trong bối cảnh ngành CNTT-TT đang đặt mục tiêu tăng tốc, thu hút 1 triệu nhân lực vào năm 2020.
Tại hội nghị này, một số ý kiến cho rằng cần sớm lập hội đồng có sự tham gia của hiệu trưởng và trưởng khoa CNTT-TT của các trường để cùng hợp tác thúc đẩy ngành này phát triển. Bên cạnh đó, đại diện một số trường đại học khuyến nghị Bộ GD-ĐT sớm lập khảo sát thống kê về nhu cầu nhân lực để các tổ chức đào tạo và người học có thông tin chính xác.
Theo www.ictnews.vn