Đó là một nhận định xác đáng bởi hơn ai hết, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng là một trong không nhiều nhà lãnh đạo đã gắn bó và ghi dấu ấn của mình trong sự phát triển của CNTT Việt Nam suốt 10 năm vừa qua, từ khi ông còn là lãnh đạo tại TP.HCM, trực tiếp phụ trách phát triển CNTT và đã đưa thành phố này (cùng với Hà Nội) trở thành một địa chỉ gia công hấp dẫn trên bản đồ phần mềm thế giới. Đó cũng là một trong những thành công nhất mà chúng ta đã đạt được sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 58/CT-TW, một văn kiện lớn đầu tiên của Bộ Chính trị về lĩnh vực CNTT tại Việt Nam.
Cũng chính vì thế mà nhiều nhà lãnh đạo, chuyên gia và doanh nghiệp bỗng “nhớ, thèm” cái không khí sục sôi và tràn đầy nhiệt huyết của cộng đồng CNTT Việt Nam 10 năm về trước, khi họ được cùng bàn, cùng làm để triển khai bản chỉ thị quan trọng này, cũng như nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ tối đa của Chính phủ trong việc thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng và phát triển CNTT tại Việt Nam. Tại Hội nghị vừa qua, nhiều người đã đề nghị cần “làm sống lại” cái không khí sôi nổi và tinh thần tấn công cách mạng của 10 năm trước cho làn sóng thứ hai của một giai đoạn mới trong phát triển CNTT.
Một bầu không khí sôi nổi và tràn đầy khí thế mới thực sự luôn cần thiết để tạo sức mạnh tập hợp lực lượng hình thành nên một làn sóng mới, nhất là trong không khí có vẻ trầm lắng như hiện nay của CNTT Việt Nam. Nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần mà chưa đủ. Nếu như 10 năm về trước một khí thế sục sôi sẽ khiến mọi hành động, mọi quyết sách được thực hiện nhanh chóng để CNTT Việt Nam vươn lên thì giờ đây, bên cạnh khí thế đó chúng ta cũng cần phải giữ được một chút tĩnh lặng, một chút tỉnh táo để thấy được CNTT Việt Nam đang đứng ở vị trí nào sau 10 năm, những bài học thành công nào cần phải phát huy và những bài học thất bại nào cần tránh lặp lại. Nếu như 10 năm về trước chúng ta đặt yêu cầu và mục tiêu phát triển nhanh chóng của CNTT lên hàng đầu thì giờ đây, “sức phát triển bền vững, có trọng điểm và có chiều sâu” sẽ cần là yêu cầu nổi bật nhất của CNTT Việt Nam trong giai đoạn mới.
10 năm về trước, Chỉ thị 58/CT-TW đã đặt ra những quan điểm, những nguyên tắc hết sức quan trọng để CNTT Việt Nam phát triển mạnh mẽ và có được vị thế nhất định trên bản đồ CNTT thế giới. Giờ đây, bên cạnh việc tiếp tục đảm bảo và làm phong phú thêm những nguyên tắc phát triển đã được chứng minh trong thực tế của Chỉ thị 58, thì điều mà CNTT Việt Nam cần có nhất chính là những hành động, những quyết sách rất trực tiếp, rất cụ thể, bám sát thực tiễn và có khả năng linh hoạt, điều chỉnh theo kịp sự phát triển của CNTT thế giới.
Quyết tâm của Chính phủ với CNTT Việt Nam đã được thể hiện rõ với Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT. Tuy nhiên, cộng đồng CNTT Việt Nam vẫn thực sự mong muốn có được một quyết tâm chính trị ở tầng mức cao nhất: Trong các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Nếu được như vậy thì chắc chắn sẽ thổi lên một bầu nhiệt huyết và quyết tâm mới không chỉ trong cộng đồng CNTT Việt Nam mà ở cả quy mô toàn xã hội, và như thế chắc chắn “Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT” là mục tiêu không xa.
Theo www.ictnews.vn