|
Thẻ ATM hiện tại vẫn chỉ được dùng để rút tiền mặt - Ảnh: D.Đ.M
|
Tại Hội thảo Banking Vietnam 2010 khai mạc hôm 9.10.2010 ở TP.HCM, vấn đề TTKDTM đã được đưa ra mổ xẻ.
ATM chủ yếu để rút tiền
Thẻ ATM do các ngân hàng phát hành có thể dùng để rút tiền, nạp tiền, chuyển khoản và thanh toán khi sử dụng mua hàng hóa, dịch vụ. Thế nhưng theo kết quả khảo sát 100 ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn TP.HCM trong quý 3/2010, gần 80% doanh số giao dịch của khách hàng sử dụng thẻ ATM chủ yếu để rút tiền mặt. Tương tự, các NHTM cho biết ủy nhiệm chi vẫn là phương tiện thanh toán được sử dụng phổ biến hiện nay với 79,1% trong khi sử dụng thẻ thanh toán chỉ chiếm 18,8%. Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM - nhận xét TTKDTM qua thẻ thanh toán tuy có tăng lên so với trước nhưng vẫn còn khá khiêm tốn, không tương xứng với sự phát triển của một số dịch vụ khác của ngành ngân hàng.
Rào cản cho việc phát triển TTKDTM là các phương tiện thanh toán hiện đại chưa phổ biến đối với một số tầng lớp dân cư nên việc tiếp cận và sử dụng còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp không muốn minh bạch hóa doanh thu nên không muốn chấp nhận thanh toán thẻ qua máy cà thẻ (POS); Nhiều sản phẩm thanh toán ra đời nhưng chỉ tập trung ở khu vực đô thị, cầu thanh toán lại chưa được phát triển mạnh ở khu vực công và khu vực doanh nghiệp, dân cư.
Vì vậy theo ông Dũng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải kết nối hệ thống máy POS mới đẩy nhanh được vấn đề TTKDTM. Ông Bùi Quang Tiên - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - cũng nhận xét hạ tầng cơ sở phục vụ cho hoạt động thanh toán chưa đồng bộ như hệ thống ATM chỉ chuyển khoản trong nội bộ từng ngân hàng; hệ thống POS chưa phát triến. Ngoài ra, hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước vẫn còn một số khoản thực hiện bằng tiền mặt, nhất là trong công tác thu thuế với các doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể. Đồng thời các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy TTKDTM cũng chưa đồng bộ và chưa khuyến khích các tổ chức cung ứng dịch vụ đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng.
Giảm tối đa sử dụng tiền mặt
TTKDTM đã phát triển mạnh ở nhiều nước trên thế giới bởi có nhiều ưu thế. Đó là tiết kiệm được chi phí in ấn và bảo quản tiền mặt đối với Chính phủ; tiết kiệm chi phí nhân sự cho các ngân hàng và tiết kiệm chi phí giao dịch cũng như an toàn hơn cho người sử dụng. Việc TTKDTM sẽ khiến cho việc quản lý và thu thuế của chính phủ hiệu quả hơn; việc chi tiêu của chính phủ, doanh nghiệp được minh bạch công khai và đây cũng là xu hướng của ngành ngân hàng hiện đại trên thế giới mà Việt Nam không thể đứng ngoài.
Ông Bùi Quang Tiên cho biết mục tiêu cụ thể sắp tới là phải giảm tối đa việc sử dụng tiền mặt trong khu vực công mà trước mắt là trong thu thuế, phí và các loại phí. Từ đó tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng các phương thức TTKDTM trong giao dịch giữa các doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng; thanh toán định kỳ đối với các dịch vụ điện, nước, điện thoại, internet,…
Đồng thời áp dụng một số biện pháp đồng bộ trong việc lắp đặt, sử dụng các máy POS và khuyến khích người tiêu dùng mua hàng hóa, dịch vụ qua POS. Còn theo ông Nguyễn Văn Dũng - trong thời gian tới, phải tiến tới hình thành trung tâm chuyển mạch thẻ quốc gia để hoàn thiện và phát triển việc kết nối cả hệ thống ATM và POS. Ở góc nhìn của một NHTM, ông Nguyễn Đình Thắng - thành viên HĐQT Ngân hàng Liên Việt - cho rằng cần phải tập trung phát triển các kênh thanh toán điện tử đa dạng và dễ sử dụng hơn nữa để thu hút người tiêu dùng tham gia. Bên cạnh đó, việc liên kết phối hợp giữa ngân hàng với nhau và giữa ngân hàng với các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ cần phải được thúc đẩy để tạo dựng ra một thị trường thanh toán điện tử rộng khắp.
Theo www.thanhnien.com.vn