Ngày 27/10, Báo Bưu điện Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm "Viễn thông - Internet Việt Nam 10 năm thực hiện Chỉ thị 58" với sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia và các doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông.
10 năm qua: Từ xa xỉ tới bình dân
Sau 10 năm phát triển, ngành viễn thông đã đạt được thành tựu lớn nhất là đưa di động từ dịch vụ xa xỉ trở thành bình dân. Năm 2000, cả nước mới có 0,3 triệu thuê bao di động. Nhưng nay, với cước di động trung bình chỉ còn 900 đồng/phút, ngang bằng hoặc thấp hơn các nước trong khu vực, số lượng thuê bao điện thoại đã tăng đột biến, lên 156,1 triệu thuê bao (trong đó di động chiếm 90,32%) và đạt mật độ 180,7 máy/100 dân.
Thị trường Internet cũng phát triển khá nhanh nhưng chưa đạt tới sự bùng nổ như di động. Đến nay, Việt Nam mới có 3,38 triệu thuê bao Internet băng rộng, đạt mật độ 3,95% dân số và khoảng 25,09 triệu người sử dụng Internet, tức khoảng 29,24%.
Sự phát triển của thị trường viễn thông đã tác động sâu sắc đến nền kinh tế Việt Nam. Từ chỗ là dịch vụ xa xỉ, di động hiện nay đã đến được với những người bán hàng rong và phần lớn người dân vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc đã có cơ hội tiếp cận. "Đóng góp của ngành viễn thông không chỉ đơn thuần là con số hơn 7% GDP cả nước vào năm 2009 mà quan trọng hơn, viễn thông là hạ tầng, là chất xúc tác và là công cụ bôi trơn cho toàn bộ hoạt động của nền kinh tế", tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét.
Theo ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT (nay là Bộ TT&TT), thành công trên của thị trường viễn thông, đặc biệt là lĩnh vực di động, đến từ việc Chính phủ đã quyết tâm mở cửa thị trường viễn thông và quyết định đi ngay vào công nghệ hiện đại từ khá sớm. Một trong các dấu mốc chính đó là việc thành lập Viettel và Công ty cổ phần Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (Saigon Postel) vào năm 1995, mở cửa thị trường Internet vào năm 1997 và việc cho phép Viettel cung cấp dịch vụ điện thoại VoIP vào tháng 2/2000.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nhìn nhận sự thành công của thị trường viễn thông là điển hình của tư duy mở cửa, chấp nhận cạnh tranh để hình thành thị trường cạnh tranh lành mạnh và tiến lên công nghệ hiện đại ngay từ đầu. Ông Thiên còn cho rằng sự phát triển của ngành viễn thông 10 năm qua là hình mẫu mà Chính phủ cần đúc kết để từ đó tìm ra hướng phát triển phù hợp cho các ngành kinh tế khác.
Mặc dù thành công về giá cước và độ phổ cập dịch vụ, nhưng theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông đang xuất hiện một số nguy cơ: lợi nhuận trên doanh thu, vốn đầu tư và nộp ngân sách nhà nước đang có dấu hiệu chững lại. Bên cạnh đó, khoảng cách về khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông giữa người giàu và người nghèo, giữa thành thị và nông thôn đang ngày càng rộng hơn.
10 năm tới: Bùng nổ Internet băng rộng
Thị trường viễn thông của Việt Nam trong 10 năm tới theo dự báo của Thứ trưởng Lê Nam Thắng sẽ là "hạ tầng băng rộng hội tụ, tích hợp các dịch vụ viễn thông, phát thanh, truyền hình và CNTT trên một nền tảng băng rộng với độ an toàn và bảo mật cao".
Ở khía cạnh của các doanh nghiệp, thị trường viễn thông thời gian tới được dự báo sẽ là kỷ nguyên của các công nghệ băng rộng mới như cáp quang và các băng rộng di động như 3G, 4G. Với mật độ lên tới 140 thuê bao/100 dân, các doanh nghiệp viễn thông cho rằng thị trường di động đang tiến tới vùng bão hòa. Vì vậy, thị trường viễn thông thời gian tới sẽ tiến vào cuộc chơi mới là phổ cập dịch vụ Internet băng rộng, trong đó di động sẽ là nền tảng chủ yếu.
Với 3,38 triệu thuê bao băng rộng trong thị trường hơn 86 triệu dân, rõ ràng thị trường Internet băng rộng vẫn còn khoảng trống rất lớn cho các nhà khai thác. Tuy nhiên, cơ hội khai thác khoảng trống này đang dành ưu ái cho các công nghệ cáp quang và băng rộng di động như 3G và sắp tới là LTE (tiền 4G), còn ADSL đang có xu thế co hẹp lại cùng với sự đi xuống của dịch vụ điện thoại cố định.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho rằng công nghệ băng rộng di động như 3G đang có những lợi thế hơn hẳn ADSL về khả năng phát triển thị trường. Chi phí đầu tư cho băng rộng 3G rẻ hơn, chỉ khoảng 50 USD cho mỗi thuê bao trong khi đầu tư cho một thuê bao ADSL lên tới 150-200 USD. Bên cạnh đó, giá cước băng thông đi quốc tế đã giảm (hiện khoảng 100 USD/Mbps) đến mức cho phép các nhà mạng cung cấp dịch vụ băng rộng với giá chỉ 30.000 đồng/tháng. Vì vậy, khả năng phổ cập dịch vụ băng rộng di động dễ dàng hơn nhiều ADSL.
Trên thực tế, với 1 tỷ USD đầu tư, Viettel hiện có 20.000 trạm thu phát sóng 3G phủ khắp cả nước và đang cung cấp dịch vụ Internet băng rộng với nhiều loại gói cước, trong đó có gói cước chỉ có 30.000 đồng. Chỉ sau hơn 6 tháng cung cấp dịch vụ, nhà mạng này đã phát triển được số lượng thuê bao Internet băng rộng di động (3G) nhiều hơn số thuê bao ADSL phát triển trong 6 năm.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng khả năng bùng nổ thị trường băng rộng di động ở Việt Nam đang gặp một rào cản là giá thiết bị phần cứng còn đắt. Để giải quyết vấn đề này, Viettel đang nghiên cứu sản xuất thiết bị điện thoại di động thông minh (smartphone) với giá 80 USD và máy tính với giá 150 USD dự kiến ra mắt vào giữa năm 2011. Đặc biệt, nhà mạng này dự kiến sẽ trợ giá cho người dùng, chỉ bán máy tính với giá 100 USD.
Nếu rào cản giá thiết bị đầu cuối được giải tỏa, "tôi tin rằng băng rộng di động sẽ bùng nổ ở Việt Nam trong thời gian tới tương tự như câu chuyện phát triển dịch vụ di động", ông Hùng nói. "Khả năng đạt mục tiêu 60% số hộ gia đình sử dụng Internet băng rộng vào năm 2015 là hoàn toàn khả thi".
Theo www.ictnews.vn