Thứ sáu, 29/11/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 25/10/2010
Đi tìm lý giải thuyết phục về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN

Trong các văn kiện chuẩn bị cho ĐH Đảng, có lẽ vấn đề được quan tâm nhiều nhất là hiểu thế nào về khái niệm KTTT ĐHXHCN. Cần những lý giải thuyết phục về luận điểm cơ bản này của Đảng.

Nền KTTT ĐHXHCN là khái niệm rất mới. Bản thân nền KTTT đã vận hành từ bao nhiêu thế kỷ vẫn còn đang còn đang trong quá trình phát triển với những thực tiễn vô cùng phong phú. Hàng ngàn tạp chí kinh tế vẫn liên tục công bố các công trình nghiên cứu về các khía cạnh khác nhau của nền KTTT

Các giải thưởng NOBEL về kinh tế vẫn được trao cho các kết quả nghiên cứu suất sắc về vấn đề này. Mới đây nhất, giải NOBEL kinh tế 2010 đã được trao cho 3 nhà kinh tế học với những nghiên cứu về THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG, một lọai thị trường trong nền KTTT. Vì thế, nếu ai đó cho rằng khái niệm KTTT ĐHXHCN đã được xác định rõ ràng thì thật khó tin! Câu hỏi KTTT ĐHXHCN là gì đang còn chờ sự trả lời thỏa đáng. Đã ai trong chúng ta nghiên cứu kỹ các công trình vừa được quyết định trao giải NOBEL kinh tế năm 2010? Và nếu đã nghiên cứu kỹ thì THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG trong nền KTTT ĐHXHCN có những vấn đề gì? Những quy luật nào? …. Chỉ vấn đề này thôi, nếu được nghiên cứu sâu sắc cũng có thể tiến gần đến giải NOBEL! Nói vậy để thấy rằng khái niệm KTTT ĐHXHCN, học thuyết dẫn đường cho công cuộc phát triển kinh tế ở nước ta trong thời kỳ quá độ tiến lên CNXH (có thể hàng trăm năm) đang cần rất nhiều nghiên cứu. Chúng ta phải vừa làm  KTTT ĐHXHCN vừa từng bước định hình khái niệm này.

Theo tác giả Hòang Thị Bích Loan (“Giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Cộng sản, số 7, 2007) thì: Đại hội lần thứ IX của Đảng (năm 2001) khẳng định: "... thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Trích dẫn trên không nhằm nêu ra định nghĩa KTTT ĐHXHCN mà chỉ muốn nói rằng có lẽ năm 2001 là thời điểm mà khái niệm KTTT ĐHXHCN được Đảng chính thức xác nhận. Trong bài "Sự phát triển nhận thức của Đảng ta từ Cương lĩnh năm 1991 đến nay", GS.TS. Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, cũng đã nêu rõ: “Phải đến Đại hội IX (tháng 4 năm 2001) khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mới chính thức được nêu trong văn kiện của Đảng, xem đó là mô hình kinh tế tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Mười năm qua, có nhiều bài viết về vấn đề KTTT ĐHXHCN. Tuy nhiên, dường như các nghiên cứu này chưa vượt ra khỏi việc chỉ ra một số đặc điểm có tính chất định tính của thể chế KTTT ĐHXHCN. Những đặc điểm đó là:

  1. Nền KTTT ĐHXHCN có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và mở rộng; kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế; kinh tế hỗn hợp, đa sở hữu, nhất là các doanh nghiệp cổ phần ngày càng phát triển; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
  2. KTTT ĐHXHCN thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.
  3. Nhà nước một mặt quản lý nền KTTT ĐHXHCN bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách; mặt khác bằng lực lượng vật chất mà công cụ chủ yếu chính là vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, nhà nước định hướng, điều tiết, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
  4. KTTT ĐHXHCN là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói giảm nghèo. Điều này vừa thể hiện đúng quy luật của sự phát triển lành mạnh, bền vững trong thời đại ngày nay, vừa nói lên mục đích, bản chất của xã hội XHCN. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này thì không thể nói đến định hướng xã hội chủ nghĩa, tức là không hơn gì kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, càng không thể nói đến tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội.

 

Có thể nói tòa lâu đài KTTT ĐHXHCN đang vừa xây vừa thiết kế. Điều đó cũng là bình thường vì chính tòa lâu đài KTTT, trên đó tọa lạc xã hội tư bản, cũng đã và đang đập đi, xây lại không ít! Tuy nhiên, nền móng hay nói đúng hơn là những nguyên tắc cơ bản của nền KTTT thì đã được định hình vững chắc. Nguyên lý chủ yếu của nền KTTT rất đơn giản, đó là: quy luật cung cầu quyết định số phận của mọi lọai hàng hóa - dịch vụ. Người mua và người bán tác động với nhau để xác định số lượng hàng hoá - dịch vụ, xác định giá cả.  

Nguyên lý này có phải là nền móng của KTTT ĐHXHCN không?

Chắc hẳn là không.

Có lẽ cái khác rất lớn ở đây là trong nền KTTT ĐHXHCN có thành phần kinh tế nhà nước, hơn thế nữa lại đóng vai trò chủ đạo. Nguyên lý cơ bản nêu trên của KTTT lọai bỏ yếu tố kinh tế nhà nước. Các quốc gia tư bản cũng trải qua giai đọan dài lọai bỏ dần kinh tế nhà nước trong cấu trúc kinh tế. Thực ra, có lẽ cho đến nay cũng không có quốc gia nào là quốc gia KTTT tuyệt đối theo nghĩa nhà nước hòan tòan không quản lý nền kinh tế và cả theo nghĩa có thành phần kinh tế nhà nước trong cơ cấu kinh tế quốc gia. Vấn đề là mức độ của những yếu tố này. Còn chúng ta, thì phương châm chỉ đạo rõ ràng là chỉ chấp nhận một phần nguyên lý cơ bản nói trên của cấu trúc KTTT, song song với nó là phải kiên trì vai trò mà là vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong cấu trúc kinh tế quốc gia.

Vì sao cần nguyên tắc này?

Có nhiều cách trả lời câu hỏi trên. Chẳng hạn:

Có người cho rằng đương nhiên phải vậy. Nếu không thì chúng ta xây dựng XHTB ư?

Có người cho rằng mục tiêu cuối cùng của cách mạng XHCN là thủ tiêu chế độ người bóc lột người mà sở hữu tư nhân, bản chất của KTTT, là cội nguồn của chế độ này. Vì vậy nếu chưa thủ tiêu được ngay thì cũng phải làm từng bước.

Chúng tôi đề nghị một cách tiếp cận khác để tìm câu trả lời ít tính áp đặt hơn và hy vọng sẽ tìm ra.

Cách tiếp cận đó là: hãy chỉ ra những ưu điểm lớn và những khuyết tật (chủ yếu liên quan đến vấn đề nâng cao đời sống người dân và sự công bằng xã hội) của cấu trúc KTTT. Người ta thường nói về những ưu điểm lớn của KTTT như: các chủ thể phát triển kinh tế thì phát huy cao độ năng lực tòan diện (con người, vốn, khoa học và công nghệ,…) để tạo thế mạnh và chiến thắng trong cạnh tranh, người tiêu dùng thì được hưởng những sản phẩm – dịch vụ tốt nhất với giá hợp lý nhất. Người ta cũng nói về những khuyết tật chết người của KTTT: KTTT tạo ra khủng hỏang (thừa và thiếu), tạo ra thất nghiệp, tạo ra độc quyền. Từ đó hãy xem sự tồn tại, phát triển và giữ vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước có phát huy được những ưu điểm lớn của thể chế KTTT và khắc phục được những khuyết tật của KTTT hay không?

Có thể có các kết quả khác nhau:

  1. Sự tồn tại, phát triển và vai trò chủ đạo của thành phần KTNN vừa góp phần phát huy những ưu điểm của KTTT vừa góp phần khắc phục các khuyết tật của KTTT. Nếu vậy thì không còn gì để bàn thêm.
  2. Sự tồn tại, phát triển và vai trò chủ đạo của thành phần KTNN góp phần phát huy những ưu điểm của KTTT nhưng lại không góp phần khắc phục các khuyết tật của KTTT. Nếu vậy thì vị trí và vai trò KTNN cần được xem lại. Có lẽ khả năng này khó xảy ra.
  3. Sự tồn tại, phát triển và vai trò chủ đạo của thành phần KTNN không góp phần phát huy những ưu điểm của KTTT nhưng góp phần khắc phục các khuyết tật của KTTT. Có lẽ khả năng này là nhiều. Chúng ta cần nghiên cứu rất kỹ để định lượng vấn đề này để từ đó sử dụng hợp lý vũ khí KTNN trong cuộc chiến vì công bằng xã hội. Kinh nghiệm ở nước ta trong thời gian qua cũng đã có những chứng minh nhất định cho luận điểm này.
  4. Sự tồn tại, phát triển và vai trò chủ đạo của thành phần KTNN vừa không góp phần phát huy những ưu điểm của KTTT vừa không góp phần khắc phục các khuyết tật của KTTT. Khả năng này có lẽ không nhiều, dù sao cũng cần nghiên cứu kỹ và thận trọng. Nếu điều này được minh chứng thì cũng không có gì cần bàn thêm.

Cả 4 khả năng đều còn để ngỏ, chờ các nghiên cứu sâu sắc cả định tính và định lượng và chờ cả thực tiễn. Vì vậy luận điểm KTTT ĐHXHCN trong các văn kiện nên có sự cân nhắc hợp lý, trong  trạng thái còn quá nhiều điều chưa rõ ràng, khi mà chúng ta đang vừa xây vừa thiết kế./.

Nguyễn Trọng,

Nguyên PCT Hội Tin học VN, Nguyên Chánh VP BCĐ Quốc gia về CNTT

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0