|
Đối với lĩnh vực CNTT - Internet, công nghệ thay đổi theo từng năm. |
VNPT, Viettel đi trước
Trong Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT – TT” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có các mục tiêu như: Đến năm 2015, Việt Nam cơ bản hoàn thành mạng băng rộng đến xã phường, kết nối Internet đến tất cả các trường học, 20 - 30% hộ gia đình có máy tính và truy cập Internet băng rộng. Mục tiêu đến năm 2020 có 50 – 60% hộ gia đình có máy tính và Internet băng rộng, trong đó 25 - 30% truy nhập băng rộng sử dụng cáp quang.
Theo chiến lược phát triển băng rộng của VNPT, tập đoàn này sẽ phát triển mạng cáp quang băng rộng phủ đến tận xã với mức đầu tư 1 tỉ USD. Nếu VNPT thực hiện tốt chiến lược phát triển băng rộng thì Việt Nam có thể đi trước những nước trong khu vực trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, Viettel lại thực hiện chiến lược băng rộng của mình theo cách dùng công nghệ 3G. Viettel đang nuôi tham vọng 80% lưu lượng 3G sẽ được dành cho laptop và máy tính để bàn. Những động thái của Viettel cho thấy họ đang muốn biến 3G thành “ADSL di động”. Viettel đang quyết tâm nâng số trạm BTS 3G của mạng này lên con số 27.000 trạm vào quý I/2011. Với việc đột phá phủ sóng 3G như vậy, năm 2011, Viettel sẽ hoàn thành mục tiêu này và về đích trước 9 năm.
Trước những mục tiêu này, ông Trần Bá Thái, Phó chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, để thực hiện các mục tiêu phát triển băng rộng như trong Đề án này không chỉ có giải pháp băng rộng hay ý chí của cơ quan quản lý mà nó là sự kết hợp tổng hợp.
Cần trung lập về công nghệ
Ông Thái cho biết đối với lĩnh vực CNTT - Internet, công nghệ thay đổi theo từng năm. Vì vậy, chúng ta đưa ra các mục tiêu công nghệ quá dài thì chúng ta khó có thể quán xuyến khả năng thực hiện. Chẳng hạn trước đây nói Internet chủ yếu là qua dial up, sau đó công nghệ ADSL ra đời làm bùng nổ người dùng Internet. Thế nhưng, bây giờ có dấu hiệu ADSL thoái trào và lại đang hình thành thị trường băng rộng mới, nhưng mới ở mức phôi thai.
Thị trường băng rộng mới này có thể là 1 phần ở băng rộng không dây và 1 phần ở cáp quang, vì vậy không thể nói trước được 5 năm tới băng rộng sẽ là công nghệ gì? Cáp quang, 3G, 4G, WiMAX, vệ tinh... Chúng ta đồng ý rằng tương lai là băng rộng, nhưng không thể nói trước được rằng đó là hữu tuyến hay vô tuyến hay vệ tinh. Chẳng hạn vùng sâu vùng xa, nơi mà không phủ mạng cáp quang tới được sẽ là công nghệ vô tuyến hay vệ tinh.
Về mặt thiết bị đầu cuối, chúng ta cũng đã thấy những thiết bị “quái vật” lai ghép giữa điện thoại và máy tính. Những thứ “quái vật” công nghệ ở dạng máy tính không ra máy tính, điện thoại không ra điện thoại và biết đâu đó nó sẽ trở thành những thiết bị đầu cuối được sử dụng chính trong trào lưu xã hội. Hay những chiếc tivi trong tương lai có thể liên hệ 2 chiều như điện thoại nên cũng không thể gọi là tivi được.
Như vậy, trong Đề án chúng ta cũng không nên đề cập đến chuyện thiết bị đầu cuối là máy tính, điện thoại, tivi cho tương lai vì chưa thể đoán trước hết được trào lưu công nghệ. Vì thế, về hạ tầng công nghệ, các mục tiêu và chính sách phát triển Internet băng rộng của chúng ta cần trung lập về công nghệ.
Đối với việc phát triển phục vụ cộng đồng, tôi cho rằng không chỉ có chúng ta mới có điều tiết nhà nước, nhiều nước cũng có điều tiết nhà nước. Trong Đề án này cũng cần có sự điều tiết của nhà nước. Tuy nhiên, những chính sách hỗ trợ của nhà nước để có thiết bị truy nhập đầu cuối giá rẻ cho người dân không thể ưu ái cho công nghệ này hoặc công nghệ kia, doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia mà cần phải khách quan và không nên để tất cả trứng vào trong một rổ”.
“Những bài học về công nghệ cho thấy CDMA vượt trội hơn GSM, nhưng GSM lại là thắng thế bởi yếu tố thị trường. Nhiều công nghệ bậc thấp vẫn thắng thế”, ông Trần Bá Thái, Phó chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết.
Theo www.ictnew.vn