Thứ ba, 23/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 19/10/2010
Nguồn nhân lực BCVT mới cho 2 huyện nghèo Sìn Hồ, Mường Tè

Ngày 13/10, sau 6 tháng đào tạo, lớp học BCVT-CNTT của 33 học viên dân tộc thiểu số, thuộc hai huyện nghèo Sìn Hồ và Mường Tè của Lai Châu đã bế giảng tại Trường Trung học BCVT-CNTT Miền Núi-Thái Nguyên.

Đưa máy tính về bản

Trong lễ bế giảng, cả thầy cô giáo và học sinh đã xúc động và ngạc nhiên, ngẩn ngơ ngắm nhìn 8 cô gái trong trang phục áo cóm khăn piêu của dân tộc Thái, múa bài “Inh lả ơi”. Họ là những thành viên nữ xuất sắc của lớp học và đã tập luyện cả tháng cho tiết mục này. Và cả tiếng hát nam trầm của chàng trai H’Mông Giàng A Mùa với bài hát “Người Mèo ơn Đảng” khi cất lên đã tựa như tiếng của núi rừng... Mới ngày nào nhập trường, các em còn bỡ ngỡ, xa lạ với nhau, và qua tiếng hát, lời ca của mình, lớp học đã chứng tỏ tình thân thiết, đoàn kết của 33 em đến từ các dân tộc và vùng miền khác nhau tại Mường Tè, Sìn Hồ.

Trong nhóm múa đó, dễ dàng nhận ra cô gái Thái 21 tuổi Lò Thị Thắm, “thủ khoa” có điểm tốt nghiệp cao nhất của khóa học. Thắm là con gái thứ hai trong gia đình bốn chị em gái ở bản Mường Mô, xã Mường Mô, huyện Mường Tè. Thắm học giỏi, vừa tốt nghiệp lớp 12 năm ngoái, nhưng vì gia đình quá nghèo nên cô không thể đi học đại học được. Và khi xã thông báo chiêu sinh học viên đi học để về làm cán bộ điểm bưu điện văn hóa xã thì cô đã xung phong ngay. Điểm bưu điện văn hóa xã nơi cũng khá quen thuộc với cô khi một vài lần đến đây lân la làm quen với máy tính. Được thầy cô dậy dỗ tại trường, trong số các môn học, Thắm thấy khó nhất vẫn là môn kỹ thuật viễn thông. Những búi cáp màu xanh đỏ khiến cô rối mắt, không biết phải chia thế nào, nối vào đâu. Khi được hỏi về bí quyết của cô để vượt lên 25 bạn trai trong lớp học và trở thành thủ khoa, Thắm cười nói: “Em cũng chỉ học như các bạn thôi”. Cô mong muốn ngày trở về để được làm việc tại bản làng quê hương cô.

Nhưng không phải ai trong lớp cũng vượt qua các môn thi một cách dễ dàng như Thắm. Cô gái Đao Thị Bằng, từng có bốn năm làm việc tại một điểm bưu điện văn hóa xã nhưng chưa qua lớp đào tạo nào đã phải thốt lên rằng: “Làm quen với máy tính thật khó!”. Bằng kể, ban đầu nhìn bàn phím, cô không biết nốt nào với nốt nào cả, nhưng nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của các thầy cô mà cô đã quen dần với máy tính, biết vào mạng, gửi thư điện tử, soạn thảo văn bản... Bằng nói, cô sẽ truyền lại những kiến thức đã học về máy tính cho người dân chưa từng biết đến máy tính ở bản làng nhỏ bé của mình. Người được các bạn nhắc đến nhiều nhất, như một “người hùng” của tập thể lớp bé nhỏ ấy chính là chàng trai người Thái, Lý Văn Thành, sinh năm 1987. Thành ở bản Nậm Hàng, xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè. Trong lớp, Thành là người duy nhất tiếp xúc với máy tính trước khi tham gia khóa học này, vì thế, em được các bạn tín nhiệm bầu làm lớp trưởng. Thành kể, cậu được học về CNTT từ lúc học lớp 12, nhưng vẫn thấy còn nhiều kiến thức mà trong trường phổ thông chưa được học đến. Là lớp trưởng, Thành kèm thêm môn tin học cho nhiều bạn trong lớp còn học kém như Chang Văn Sạ, Khoàng Sè Sơn, Lý Xé Lòng... Kết quả là các bạn này đều vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp.

Thầy trò lớp học đặc biệt 30a.

Trong lớp học đặc biệt ấy, ngoài những học viên của các dân tộc khá đông người như Thái, Dao, Mông, Hà Nhì... còn có những học viên là đại diện duy nhất của một dân tộc. Gặp cô gái người La Hủ duy nhất Phùng Mò Pứ ở bản Nậm Cấu, xã Bum Tở, huyện Mường Tè có số điểm tốt nghiệp chỉ đứng sau bốn bạn khá nhất lớp. Mặc dù đây là lần đầu tiên Pứ làm quen với máy tính, nhưng cô đã nhanh chóng nắm bắt được những kiến thức cơ bản. “Giờ đây em đã biết sửa ảnh, chèn hình ảnh vào văn bản và cả sử dụng Internet để phục vụ công việc của mình” Pứ nói. 

Ưu ái đặc biệt cho Sìn Hồ, Mường Tè

Là nơi chuyên đào tạo cán bộ cho 16 tỉnh miền núi phía bắc, nhưng các thầy cô giáo trường Trung học BCVT-CNTT Miền núi ở Thái Nguyên vẫn xem lớp học theo Đề án 30a của Chính phủ về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo trong cả nước này là một lớp học đặc biệt. Theo các thầy cô, tính chất đặc biệt của lớp học vì các em đều là người dân tộc, có phong tục, tập quán; cách sinh hoạt rất khác nhau, thậm chí, có em nói, nghe hiểu tiếng Kinh chưa thông thạo. Vì thế, nhà trường đã phải soạn thảo giáo trình riêng, cử cô giáo phụ trách lớp có nhiều kinh nghiệm nhất làm chủ nhiệm. Và đặc biệt hơn, người trực tiếp đứng lớp giảng dạy cho các em chính là các thầy giáo chủ nhiệm khoa của nhà trường. Thầy Vũ Châu Minh, Trưởng khoa Tin học của trường cho biết, vì các học viên trong lớp gần như chưa được tiếp xúc với máy tính và CNTT nên thầy phải giảng giải từ những khái niệm ban đầu.Và giờ đây, ít nhất mỗi học viên đều có một hộp thư điện tử để trao đổi thông tin với nhau, biết sử dụng Excel, Microsoft Word để soạn thảo văn bản...

Quyến luyến cùng các học viên nhất phải kể đến cô giáo chủ nhiệm Bùi Thị Nhuần. Trong lễ bế giảng cho 33 học viên tốt nghiệp, cô Nhuần vẫn bùi ngùi kể chuyện 33 học viên còn lại, ai cũng nỗ lực hết mình để “xóa mù nét” cho mình, rồi góp phần xóa mù cho đồng bào ở quê hương mình. Nhờ giáo trình hợp lý, phương pháp giảng dạy “cầm tay chỉ việc” và tình thương yêu, gắn bó coi các em như con em trong gia đình khi chuyển tải những kiến thức cho học viên, “lớp học 30a” của cô đã tốt nghiệp với kết quả 18% đạt loại khá, 38% đạt trung bình khá và 44% đạt loại trung bình.

Các nữ học sinh biểu diễn văn nghệ tại lễ bế giảng.

Sau lễ bế giảng, ngay hôm sau, vào sáng sớm ngày 14/10, các thầy cô giáo trường Trung học BCVT-CNTT miền núi đã trực tiếp đưa các học viên của lớp học đặc biệt ấy trở về miền Tây Bắc xa xôi. Sau khi tốt nghiệp trở về, 33 học viên sẽ trở về quê mình để phục vụ tại các điểm bưu điện văn hóa xã, hoặc sẽ là những người đưa thư, truyền báo đến tận hộ gia đình. Trong buổi sáng chia tay các em, Thầy Hiệu trưởng Đinh Quang Minh đã không quên dặn các em “CNTT và BCVT là một ngành phát triển nhanh, nên trong quá trình làm việc cần phải đọc thêm sách và cập nhật thông tin thường xuyên. Nếu có điều kiện, các em cần tham gia tiếp các khóa học nâng cao để củng cố tay nghề”…

Trở về bản làng, quê hương với những kiến thức mới, những học viên đã có thể thực hiện những mong ước của mình trước đây là trở thành các nhân viên điểm BĐVH xã, trở thành người bưu tá, trở thành nhân viên của VNPT…Dù đảm nhận công việc nào thì họ cũng sẽ là những người được tham gia phát triển, đưa dịch vụ BCVT – CNTT đến với bà con bà con dân tộc của mình. Niềm vui ấy được thể hiện qua ánh mắt, nụ cười của những chàng trai, cô gái người dân tộc ở  những nơi vùng sâu, vùng xa…của đất nước.

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0