Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT”(trong quá trình xây dựng, Đề án này còn được giới chuyên gia gọi là Đề án Tăng tốc).
Đây là cơ hội để ngành CNTT-TT vươn lên sánh vai cùng các nước. Góp phần vào thực hiện mục tiêu này, Báo BĐVN mở diễn đàn "Hiến kế cho Đề án Tăng tốc" để các doanh nghiệp, chuyên gia và những người có tâm huyết cùng hiến kế nhằm hiện thực hoá mục tiêu của Đề án.
Trong Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT – TT, Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phần lớn người dân Việt Nam được sử dụng dịch vụ Internet băng rộng. Báo BĐVN đã phỏng vấn ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam về những ý tướng để tạo ra sự đột phá cho mục tiêu này.
Chính phủ đã thông qua Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT – TT. Theo quan điểm của ông thì đâu là những bước đột phá để chúng ta hiện thực hoá mục tiêu này?
Quan điểm của tôi là muốn đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT – TT thì chúng ta phải mạnh cả về tiêu dùng và sản xuất. Trước hết chúng ta phải mạnh về tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ CNTT – TT vì đây là giá trị cuối cùng của chu trình đem lại giá trị cho cuộc sống. Nếu mạnh về tiêu dùng chắc chắn sẽ tác động đến việc mạnh về sản xuất các sản phẩm CNTT – TT. Nếu chúng ta mạnh về sản xuất CNTT – TT thì chưa chắc đã mạnh về tiêu dùng CNTT – TT vì có thể là gia công xuất khẩu cho đối tượng khác.
Đề án này đã đưa ra các chỉ số mục tiêu và nhà nước điều khiển để thực hiện mục tiêu này và đẩy mạnh các chỉ số tiêu dùng. Hiện nay chính sách rất quan tâm, ưu ái đến đối tượng là người sản xuất, nhưng lại chưa mấy quan tâm đến người tiêu dùng. Để thực sự là quốc gia tiêu dùng mạnh về CNTT thì phải quan tâm đến đối tượng người tiêu dùng mà bản chất là quan tâm đến thị trường. Khi chúng ta có thị trường CNTT – TT mạnh sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước và vươn ra thị trường quốc tế. Như vậy thì cần có những biện pháp kích cầu tiêu dùng và hướng dẫn họ tiêu dùng có hiệu quả mang lại lợi ích. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần sắp xếp thị trường một cách hợp lý để đảm các mục tiêu đưa ra.
Hiện nay chúng ta vẫn đưa ra khái niệm “con gà quả trứng” trong lĩnh vực CNTT – TT rằng cầu sẽ đi trước hay cung đi trước. Quan điểm của cá nhân tôi là chúng ta phải làm sao cầu đi trước cung. Trên thực tế cầu nối giữa cầu và cung là vận động tự nhiên của kinh tế xã hội. Chúng ta không cần tác động thì cầu và cung sẽ vẫn tìm đến nhau. Trong Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về CNTT – TT, chúng ta cần một sự phát triển nhanh thì cần phải tìm cách tác động đến cung cầu mạnh hơn và nó cần có vai trò điều tiết của Nhà nước.
Như tôi vừa đề cập, chúng ta cần quan tâm đến người tiêu dùng, kích thích thị trường phát triển, nhưng cơ quan quản lý nhà nước bắt doanh nghiệp phải chủ động. Theo tôi, để bắt doanh nghiệp phải chủ động thì vai trò của nhà nước trong quy hoạch sản xuất khớp với nhu cầu là điều vô cùng quan trọng. Nhà nước làm được điều này sẽ tạo giá trị ra cả hai phía cung và cầu và tránh việc lãng phí.
Biện pháp quy hoạch nhu cầu và quy hoạch sản phẩm được dựa trên các công cụ pháp lý đi kèm để có hiệu lực. Công cụ này là mở đường cho doanh nghiệp đi chứ không phải là barie để nhấc mở cho doanh nghiệp đi qua.
Theo ông việc quan tâm đến thị trường là yếu tố hàng đầu, nhưng ngoài nhắm đến thị trường CNTT – TT của xã hội thì Chính phủ đóng vai trò như thế nào khi được coi là hộ tiêu dùng lớn?
Đúng vậy, khi chúng ta kích thích thị trường thì Chính phủ phải tiên phong và đóng vai trò là hộ tiêu dùng lớn. Trong đó tôi đặc biệt nhấn mạnh đến Chính phủ điện tử. Chính phủ điện tử, ngoài việc đóng vai trò đem lại hiệu quả về quản lý nhà nước, đem lại lợi ích cho công dân còn là cơ hội kích cầu tiêu dùng và sản xuất. Thúc đẩy Chính phủ điện tử như là thị trường lớn nhưng nó phải khớp vào bản quy hoạch cung cầu như tôi đã nêu ra để các nhà sản xuất Việt Nam được hưởng chứ không phải là người nước ngoài. Vì vậy, một trong những chương trình trọng điểm để phát triển CNTT – TT quốc gia là phát triển Chính phủ điện tử và kéo theo một loạt các tiêu dùng khác phát triển trong đó có thương mại điện tử.
Trong lĩnh vực ICT thì tiêu dùng xã hội đóng vai trò quyết định, nhưng Chính phủ điện tử đóng vai trò mở chốt cho sức bật lò xo của sự phát triển trong lĩnh vực này. Nếu Chính phủ điện tử không đi trước thì lĩnh vực CNTT - TT vẫn phát triển nhưng nó không bao giờ phát triển nhanh được.
Một trong những mục tiêu của Đề án là đưa Internet băng rộng đến hộ gia đình, tuy nhiên vùng nông thôn có thể có dịch vụ băng rộng, nhưng không có máy tính. Theo ông, cần tạo ra máy tính giá rẻ bằng cách nào?
Để có máy tính giá rẻ thì phải có số lượng lớn và phải tiêu dùng nhiều. Vì vậy rất cần nhà nước can thiệp để giải bài toán này thay vì để nó vận động theo quy luật tuần tự của tự nhiên. Trên bản quy hoạch cung cầu, nhà nước nên đứng giữa bảo lãnh, đặt hàng với số lượng lớn để doanh nghiệp yên tâm sản xuất và giảm giá thành, thậm chí là bù lỗ. Sau đó nhà nước kiểm soát tiêu dùng, thậm chí bắt buộc tiêu dùng như Chính phủ điện tử.
Việc bảo lãnh, đặt hàng của nhà nước với những tiêu chí cụ thể để doanh nghiệp nào đạt tiêu chí sẽ được tiêu thụ sản phẩm chứ không nên ưu đãi về thuế, đất đai hạ tầng cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp đem lại giá trị cho xã hội thì mới được hưởng những ưu đãi của nhà nước, tránh chuyện người sản xuất thực sự theo đúng mục tiêu xã hội không được ưu đãi.
Theo www.ictnews.vn