Thứ ba, 23/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 15/10/2010
Hội nhập từ chất lượng

Ngày 14/10/2010, tại TP.HCM, CLB Phóng viên CNTT-VT, Hội Nhà báo TP.HCM cùng Hội đồng phát triển Ngoại thương Đài Loan (TAITRA) tổ chức tọa đàm “CNTT: Hội nhập từ chất lượng”.

Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm chuẩn hóa chất lượng, hướng đi của các DN CNTT, bước chuyển mình từ gia công sang sản xuất của các thương hiệu CNTT Đài Loan và khả năng đẩy mạnh hợp tác CNTT Việt Nam - Đài Loan...

Toạ đàm "CNTT: Hội nhập từ chất lượng".

Tới dự có đại diện Bộ TTTT, Hội Nhà báo TP.HCM, Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam VEIA, Hội Tin học TP.HCM HCA, Hội đồng phát triển Ngoại thương Đài Loan TAITRA, các DN và đông đảo thành viên Câu lạc bộ Phóng viên CNTT-VT TP.HCM…

Thiết thực

Ông Nguyễn Văn Phùng.
Ông Nguyễn Văn Phùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP.HCM nói: “Toạ đàm giúp các DN và giới truyền thông trả lời các câu hỏi làm thế nào để tạo ra những sản phẩm công nghệ có chất lượng tốt, có những tính năng phong phú, mẫu mã đẹp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng không chỉ trong một đất nước, một khu vực mà có thể hội nhập, cạnh tranh toàn cầu…”.

Theo ông Phùng, đây là buổi giao lưu giữa nhà báo CNTT với các DN CNTT nhằm tuyên truyền, giúp DN phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, hoạt động của CLB còn cung cấp thông tin chuyên ngành cho các nhà quản lý… “Trong nhiều năm, CLB đã rất thành công trong hoạt động này”, ông Phùng nhấn mạnh.

Ông Tso Wei Dar, Trưởng Văn phòng đại diện TAITRA tại Việt Nam nói: “Trong vài năm qua, nền công nghiệp CNTT Đài Loan đã phát triển lớn mạnh, trở thành thị trường CNTT lớn của thế giới. Chúng tôi đã chuyển đổi từ sản xuất đơn giản thành một nền công nghiệp toàn cầu, chuyên cung cấp dịch vụ, nguyên liệu, từ khâu thiết kế cho đến sản xuất và thực hiện công tác Nghiên cứu & Phát triển (R&D) với các thương hiệu CNTT hàng đầu thế giới. Thông qua toạ đàm, chúng tôi muốn giới thiệu đến thị trường Việt Nam những sản phẩm chất lượng tốt nhất cũng như mang đến cho các DN Việt Nam những kinh nghiệm thiết thực trong kinh doanh”.

Được biết, từ tháng 4/2010, TAITRA được Đài Loan giao tổ chức chiến dịch quảng bá các thương hiệu mạnh của Đài Loan về CNTT. Trong chuỗi hoạt động này, ngày 16/10/2010, TAITRA cũng sẽ tổ chức một hoạt động CNTT lớn tại TP.HCM.

Ông Đinh Thế Lịch.
Ông Đinh Thế Lịch, Trưởng cơ quan đại diện phía Nam, Bộ TTTT nói: “Đề án Tăng tốc sớm đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt ra chỉ tiêu đạt 8% - 10% GDP vào năm 2020 cho ngành công nghiệp CNTT. Bộ TTTT đang hoàn thiện các hành lang pháp lý, chính sách, biện pháp tổ chức thực hiện Đề án. Chính phủ đang dự kiến trình Quốc hội 15 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có sớm đưa các thiết bị CNTT xuống từng hộ dân, để các vùng sâu vùng xa có cơ hội tiếp cận thông tin tốt nhất… CLB PV CNTT-VT TP.HCM có nhiều ý tưởng tốt, tổ chức các toạ đàm thiết thực thế này, giúp cho cơ quan quản lý thêm kênh thông tin phục vụ tốt công tác của mình”.

Số và chất

Ông Phạm Thiện Nghệ, Phó Chủ tịch VEIA, Tổng thư ký HCA tham luận về công nghiệp sản xuất và phân phối phần cứng của Việt Nam, cho biết: “Tại Hội thảo của UNIDO ngày 7/6/2010, VEIA công bố, năm 2009 xuất khẩu phần cứng cả nước đạt 2,774 tỷ USD. Theo Bộ Công Thương, năm 2009, cả nước nhập khẩu ~4,5 tỷ USD phần cứng; ước tính năm 2010 xuất khẩu phần cứng là 3,5 tỷ USD (tăng trưởng trên 25%); nhập khẩu phần cứng ~4,5 tỷ USD (tương đương 2009) nhưng theo số liệu mới nhất của Sở Công Thương TP.HCM (đầu mối nhập khẩu lớn nhất nước) thì chỉ trong 6 tháng đầu năm đã nhập khẩu mặt hàng này tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2009 nên nhập khẩu sản phẩm phần cứng CNTT sẽ vượt ~5 tỷ USD.

Theo Bộ TTTT, thị trường CNTT trong nước năm 2009 là ~6,3 tỷ USD, trong đó phần cứng chiếm ~4,7 tỷ USD. Như vậy, so với doanh số xuất khẩu 2,774 tỷ USD, phần cung ứng cho nội địa là ~1,9 tỷ USD; cộng với hàng nhập khẩu về thiết bị CNTT ~4,5 tỷ USD, tiêu thụ hàng CNTT trong năm 2009 ~6,4 tỷ USD. Ông Nghệ ước tính năm 2010, thị trường CNTT trong nước ~7,6 tỷ USD.

Ông Phạm Thiện Nghệ.
Theo ông Nghệ, phần giá trị gia tăng trong nước do các hoạt động dịch vụ CNTT từ tư vấn, cung ứng giải pháp tích hợp... đến nhập khẩu, bán sỉ, bán lẻ phần cứng đạt ~1 tỷ USD. Nếu xét trên quan điểm sản xuất và phân phối là một thể thống nhất, thì lao động trong nhóm này là khoảng 200.000 người, đặc biệt lực lượng DN vừa và nhỏ tham gia trong quá trình tạo giá trị gia tăng này, kể cả các cửa hàng nhỏ và rất nhỏ cũng tạo thêm gần 50.000 việc làm. Năng suất lao động bình quân của nhóm DN liên quan công nghiệp sản xuất, phân phối phần cứng là hơn 40.000 USD/người/năm. Ông nghệ cho rằng, nói đến phần cứng thì không nên chỉ chú ý đến sản xuất mà phải để ý tới mảng lưu thông phân phối.

“Chúng ta cần có một cái nhìn khách quan về bản chất của công nghiệp CNTT theo “thế giới phẳng”, nơi sản xuất phần cứng không có nghĩa là làm tất cả các khâu cho ra sản phẩm hoàn chỉnh, mà theo sự phân công quốc tế”, ông Nghệ nói. Theo ông, hiện R&D đang là hướng đi chủ yếu của nền công nghiệp, bao gồm cả nghiên cứu phát triển kiểu dáng công nghiệp, các giải pháp ứng dụng tới nghiên cứu phát triển chip điện tử chuyên dụng, thiết kế vi mạch và sản phẩm nhúng; tại Việt Nam các công ty lớn như TMA, Global Cybersoft... cũng đã bắt đầu xây dựng đường lối kinh doanh theo hướng này.

Theo ông Nghệ, trong sản xuất phần cứng, đã có những thương hiệu đạt giá trị gia tăng trên 30%. HCA cho biết, năm 2010, giá trị cộng thêm bình quân tại các DN là 24%. Doanh thu phần máy tính thương hiệu Việt năm 2009 chỉ ở mức 200 triệu USD, chiếm 3% thị trường là quá nhỏ bé so với tiềm năng; nếu các địa phương thực hiện triệt để Thông tư số 42/2009/TT-BTTTT của Bộ TTTT về việc sử dụng ngân sách khi trang bị CNTT thì giá trị này sẽ tăng lên đáng kể. Dù con số doanh thu năm 2009 chỉ 200 triệu USD nhưng, giá trị gia tăng tại Việt Nam mà nó mang lại gần 50 triệu USD, con số không hề nhỏ.

Ông Tsor Wei Dar.
Quan điểm của VEIA với công nghiệp phụ trợ của ngành sản xuất, lắp ráp máy tính là những nhà máy sản xuất những loại thiết bị trên chứ không phải là sản xuất ốc vít, khung nhựa, thùng carton… Hiện nay ở Việt Nam đã có nhà máy sản xuất bo mạch chủ Foxconn, nhà máy sản xuất bộ vi xử lý Intel, nhà máy sản xuất màn hình của Samsung, LG, nhà máy sản xuất máy in của Canon, Brother... Muốn xây dựng một nền công nghiệp về CNTT tại Việt Nam ngoài việc thu hút đầu tư từ những DN lớn, các công ty FDI thì các nhà quản lý cũng nên quan tâm và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để sản xuất các sản phẩm bằng tay hoặc số lượng khiêm tốn nhưng mang giá trị gia tăng cao, trong đó hàm lượng về chất xám, kiểu dáng, chất liệu cao cấp sẽ tạo nên nét rất riêng.

Ông Nghệ phân tích khá kỹ về hàng rào kỹ thuật và phi kỹ thuật. Ngoài việc đặt ra rào cản về kỹ thuật đối với các loại hàng hóa có nguồn gốc từ các nước thứ ba, thế giới đang có xu hướng còn đặt ra những cơ chế, rào cản phi kỹ thuật như chính sách đối với người lao động của nước sở tại, tác động của hoạt động sản xuất đối với môi trường... Việt Nam cần mau chóng đưa ra những tiêu chuẩn phi kỹ thuật thích hợp như: tỷ lệ % trên doanh số nhập khẩu đóng góp cho quỹ R&D, quỹ giáo dục, đào tạo tay nghề, y tế... Theo ông Nghệ, hỗ trợ của Nhà nước với các DN phần cứng trong nước là luôn luôn cần thiết và phải giữ nghiêm quy định dự án sử dụng ngân sách ưu tiên mua hàng sản xuất trong nước.

Bắt đầu từ DN, từ R&D…

Ông Ngô Văn Vị.
Ông Ngô Văn Vị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Điện tử Tân Bình nói: “20 năm trước, chúng ta đã trăn trở với chính sách! Chính sách nội địa hoá không thành công do định nghĩa nội địa hoá không chuẩn. Công nghiệp điện tử giờ chỉ nội địa hoá được ~10%, chủ yếu là bao bì. Chính sách khuyến khích nội địa hoá không có, các DN không đầu tư vào công nghiệp phụ trợ. Các DN Việt Nam chủ yếu gia công. Công tác R&D yếu nên không thể có sản phẩm chiều sâu, không ra được các khuôn mẫu chất lượng. Chất lượng phải từ DN, từ R&D. Nhà nước phải có chính sách đúng”.
Ông Phạm Đức Tài.
Ông Phạm Đức Tài, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Hoàng Đạo, nhà phân phối sản phẩm máy chiếu Optoma của Đài Loan chia sẻ, để có máy chiếu chất lượng tốt, Optoma mua chip của Texas Instrument (Mỹ), làm cho nó phù hợp và có giá phải chăng nên máy chiếu Optoma đã chiếm lĩnh được thị trường.

Ông Tài dự kiến, sản phẩm máy chiếu Optoma sẽ vươn lên vị trí thứ 2 về thị phần ở Việt Nam ngay trong năm nay do Hoàng Đạo đã có hàng trăm đại lý trên toàn quốc. Chia sẻ kinh nghiệm thành công, về phía Đài Loan còn có đại diện Zyxel, DN có nhiều sản phẩm viễn thông nổi tiếng.

Ông Nghệ bình luận: “Sản phẩm của Đài Loan nổi tiếng toàn cầu vì giá phải chăng. Optoma theo công nghệ Mỹ, dùng linh kiện Mỹ nhưng kiểu dáng, giá cả Optoma. Hoàng Đạo làm phân phối tốt nên có khả năng chiếm thị phần nhiều. Học tập Đài Loan, chúng ta không nhất thiết đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện, cứ mua của Đài Loan về lắp máy tính Việt Nam sẽ tốt hơn. “Nhà nước nên rót tiền cho Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số để họ làm R&D rồi chuyển giao cho các DN”, ông Nghệ gợi ý.

Theo www.pcworld.com.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0