Trường hàng đầu vắng bóng sinh viên
Bộ GD-ĐT đã cho phép 2 trường có cơ chế tuyển sinh riêng với rất nhiều thuận lợi nhưng hiện có rất ít sinh viên (SV) giỏi đầu quân vào đây.
Giảm chỉ tiêu, giảm cả tiêu chuẩn xét tuyển
Trường ĐH Việt - Đức (VGU) thành lập tháng 3.2008, với vốn vay 180 triệu USD của Ngân hàng Thế giới (WB) trên cơ sở hợp tác quốc tế giữa 2 chính phủ VN và Đức. Với định hướng là trường ĐH nghiên cứu theo mô hình tiên tiến và trở thành một trung tâm nghiên cứu hàng đầu của VN đạt chuẩn quốc tế, năm đầu tiên, trường có 80 chỉ tiêu, đào tạo 2 ngành bậc ĐH là Kỹ thuật điện và Công nghệ thông tin. Đối tượng xét tuyển là những thí sinh dự thi khối A theo đề chung của Bộ GD-ĐT, đạt 21 điểm trở lên. Thông báo tuyển sinh được phát đi từ khi trường chưa có quyết định thành lập nhưng đến tháng 9.2008, trường chính thức khai giảng khóa đầu tiên chỉ với 32 SV.
Đến năm thứ hai, chỉ tiêu của trường giảm xuống một nửa, mức điểm xét tuyển chỉ còn 17 nhưng cũng không tuyển đủ khi chỉ có 28 SV nhập học. Năm 2010, VGU thực hiện hình thức tuyển sinh mới với 60 chỉ tiêu. Xét tuyển thí sinh có tổng 6 môn (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tiếng Anh và Văn) của 3 năm cuối cấp THPT thuộc loại khá giỏi. Bên cạnh đó, trường tiếp tục tuyển những thí sinh có điểm thi ĐH khối A từ 21 trở lên. Kết quả, kỳ tuyển sinh năm 2010 trường cũng chỉ tuyển được 39 SV trong 60 chỉ tiêu, trong đó có chưa tới 20 SV đạt mức điểm 21 trở lên.
“Đãi cát tìm vàng”
Tình hình tuyển sinh khó khăn cũng diễn ra tại trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Trường được thành lập theo hiệp định song phương giữa Chính phủ VN và Pháp với mô hình là ĐH công lập quốc tế. Năm 2010 trường chính thức tuyển sinh khóa đầu tiên. Để tạo cơ hội cho trường, Bộ GD-ĐT đã có công văn cho phép trường được tuyển với một cơ chế riêng. Đầu tháng 9, trường thông báo tuyển sinh 40 chỉ tiêu cho 2 ngành Công nghệ sinh học - dược học và Khoa học vật liệu - công nghệ nano. Đối tượng tuyển sinh là thí sinh dự thi ĐH khối A, B, D với mức điểm từ 19 điểm lên.
Đến ngày 25.9, hạn cuối cùng nộp hồ sơ, trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Để mở rộng đầu vào, trường đã quyết định hạ mức điểm tuyển xuống chỉ còn 15. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó hiệu trưởng trường cho biết, đến trước ngày khai giảng 7.10, trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Tổng số hồ sơ nộp đến chỉ có 51, qua sơ tuyển chỉ có hơn 30 SV đủ điều kiện nhập học. Ông Nguyễn Văn Hùng thừa nhận: “Những SV vào trường năm nay chưa phải là những người xuất sắc nhất. Trong tổng số hơn 30 SV trúng tuyển, chỉ có 5-6 em từ trường khác chuyển sang, còn lại là những SV thi ĐH nhưng chưa trúng tuyển. Mức điểm cao nhất của SV đăng ký vào trường là 22,5 và chỉ có 1 SV”.
Khó tuyển vì học phí cao
Theo một cán bộ của trường ĐH Việt - Đức, việc trường khó khăn trong tuyển sinh một phần vì rào cản ngoại ngữ đầu vào, phần do hạn chế về sự lựa chọn ngành học. Hiện nay trường chỉ có một ngành đào tạo bậc ĐH, lại thuộc lĩnh vực kỹ thuật nên khó thu hút học sinh giỏi. Bên cạnh đó, mức học phí lại khá cao (1.500 USD/năm). Thêm nữa, dù thời gian học tập chủ yếu ở VN nhưng vì chưa có phòng thí nghiệm nên SV phải mất từ nửa năm đến 1 năm sang Đức học tập, các khoản sinh hoạt phí (khoảng 500 USD/tháng) trong thời gian trên SV đều phải tự lo. Do vậy, dù muốn nhưng không phải SV nào cũng có thể theo học tại trường này.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho rằng nguyên nhân trường tuyển không đủ chỉ tiêu là do thời gian thông báo tuyển sinh muộn (ngày 9.9.2010), nên thí sinh đã vào trường khác. Ngoài ra, mức học phí cao cũng là một trở ngại. Hiện trường này cũng có mức học phí 1.500 USD/năm nhưng SV chỉ phải đóng 750 USD, còn lại được Nhà nước hỗ trợ.
Theo www.thanhnien.com.vn