Làm nhiều thì hiểu...
Hầu hết các diễn giả tham gia buổi giao lưu đều đề cao các yếu tố “ngoài nhà trường”. Thầy Bùi Thế Duy, giảng viên - Chủ nhiệm Khoa CNTT Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết hiện nay, ngoài các giờ dạy trên lớp, thầy vẫn xin đi làm thêm trong các dự án phần mềm để có thêm kiến thức, kinh nghiệm. Và dù là một giảng viên trên giảng đường, nhưng khi đã đi làm, thầy không nề hà bất kỳ một công việc gì. Có khi thầy nhận làm quản lý dự án, thiết kế phần mềm nhưng cũng có dự án, thầy chỉ đảm nhiệm vai trò lập trình viên, kiểm thử phần mềm… Theo thầy, mỗi vị trí công việc cho thầy những kinh nghiệm khác nhau và quan trọng hơn, thầy thấy hạnh phúc khi được làm trong lĩnh vực phần mềm bởi đó là đam mê.
|
Từ phải sang: các CEO Nguyễn Hòa Bình, Nguyễn Nhật Quang, Bùi Hồng Liên và Hoàng Minh Châu đang giao lưu với sinh viên. |
Còn với ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc BKACAD, qua những kinh nghiệm của bản thân, ông đã đúc rút ra rằng “nghe nhiều thành quen, thấy nhiều thì nhớ và làm nhiều thì hiểu”. Chính việc tham gia vào các dự án công việc thực tế sẽ giúp kiến thức lý thuyết trên lớp “vỡ” ra, giúp người học hiểu sâu hơn.
Trong khi đó, bí quyết thành công của ông Hoàng Minh Châu, Phó Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT còn phải kể đến những thất bại. “Tháp” kinh nghiệm được ông Châu vẽ ra theo thứ tự từ ít đến nhiều là: học như tri; hành như tri, du như tri và khốn như tri (nghĩa là kiến thức có được nhờ: học, làm, đi, thất bại). Theo ông Châu, kiến thức có được trong quá trình học tập ở nhà trường là ít nhất, cho dù mang tính căn bản. Trái lại, những thất bại giúp ông có nhiều bài học giá trị nhất.
Đam mê và dám ước mơ
Có một điều mà thầy Bùi Thế Duy luôn lưu ý các bạn sinh viên là không nên nhầm lẫn giữa “đam mê” với sở thích nhất thời. Có đam mê và quyết tâm theo đuổi đến cùng các đam mê, điều đó sẽ giúp mang đến thành công. Điều này ứng với câu chuyện thành công của ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng Giám đốc Công ty Peacesoft. Năm 2000, khi đang là sinh viên năm thứ 2, ông Bình đã đặt câu hỏi “Liệu mình có thể thành công với dịch vụ trực tuyến trên Internet?”, và ông từng bước hiện thực hóa cho câu trả lời bằng việc thành lập công ty riêng và nỗ lực không ngừng. Với ông Nguyễn Nhật Quang, Giám đốc Công ty Hài Hòa, khi còn đang là một nhân viên nhà nước, khi mà cụm từ “CNTT” còn rất mới lạ với nhiều người, ông đã nghĩ “liệu có sống được bằng việc sản xuất và bán phần mềm hay không?”. Sau đó, ông cũng đã quyết định lập công ty riêng. Đến nay, sản phẩm phần mềm của Công ty Hài Hòa đã có mặt ở thị trường Bắc Âu, một trong những thị trường khó tính nhất thế giới.
|
Hơn 12 giờ trưa, hội trường 10/12 vẫn chật kín sinh viên giao lưu với các CEO. |
Các CEO tổng kết rằng, càng về sau, các công ty trẻ càng rút ngắn được thời gian để trở thành “doanh nghiệp 1 tỷ USD”, trong đó rất nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực CNTT. Đơn cử, hãng ô tô Toyota mất hơn 100 năm; hãng phần mềm Microsoft chỉ mất vài chục năm; còn Google chỉ mất 5 năm. Vì vậy, thế hệ trẻ ngày nay có rất nhiều cơ hội. Các bạn được tiếp xúc với máy tính từ rất sớm, mạng Internet có mặt ở khắp nơi… Nhưng, đồng thời, các bạn sinh viên cũng cần phải rèn luyện mình nhiều hơn, nhất là về kỹ năng mềm và ngoại ngữ. Bởi theo ông Hoàng Minh Châu, so với thế giới, chúng ta đang đi thụt lùi vì họ đi nhanh hơn chúng ta rất nhiều. Thế hệ của ông Châu chỉ cần biết dùng phần mềm xử lý bảng tính Lotus 1-2-3 (như MS Excel sau này) để tính lương đã được coi là chuyên gia bởi CNTT lúc đó còn rất xa lạ, những người sở hữu nó dễ dàng gây được ấn tượng mạnh. Còn ngày nay, sinh viên muốn thể hiện năng lực bản thân khó hơn rất nhiều. Đây chính là thách thức đối với thế hệ trẻ mà các CEO muốn nhắn nhủ tới các bạn, mong các bạn nỗ lực hơn nữa, học hỏi - giao du nhiều hơn nữa…
Theo www.pcworld.com.vn