Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên trong cả nước vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2006-2010. Một trong những khó khăn của giai đoạn qua là người dân tự ý rời bỏ mạng, gây thất thoát cho cả doanh nghiệp lẫn nhà nước.
Hiện tượng người dân rời bỏ mạng khá phổ biến ở các vùng công ích Thanh Hóa. Theo ông Lê Thế Lữ, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thanh Hóa, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất là do chất lượng nhà mạng còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông của một số doanh nghiệp được giao kế hoạch cung cấp dịch vụ VTCI chưa đáp ứng được yêu cầu. “Khi chất lượng dịch vụ kém mà có một doanh nghiệp khác mời chào, dân sẽ bỏ mạng để chuyển sang dùng của doanh nghiệp khác”, ông Lữ nói.
Trong vấn đề này, nhận thức của người dân vẫn còn thiếu và chưa hiểu rõ quy định của nhà nước. Thực chất, nguyên nhân của vấn đề còn nằm ở khâu tuyên truyền chưa tốt, thiết chế quản lý chưa chặt chẽ. Giai đoạn qua cho thấy công tác thông tin tuyên truyền về các nội dung chính sách VTCI của Nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Vì thế, một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh chưa nắm được các nội dung chính sách, chưa hiểu rõ về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ công ích. Do đó việc tham gia kiểm tra, giám sát người dân trong quá trình thực hiện chính sách VTCI của các đơn vị, doanh nghiệp chưa cao. Một số doanh nghiệp chưa thông tin đầy đủ, rõ ràng đến người dân về chính sách VTCI của Nhà nước, người dân đang còn hiểu nhầm giữa chính sách của Nhà nước với chương trình khuyến mại của doanh nghiệp.
Thứ hai, theo ông Lữ, sở dĩ xảy ra hiện tượng trên là do sự phối hợp của các doanh nghiệp chưa tốt, mà thực chất là do cạnh tranh. “Nhẽ ra các doanh nghiệp phải khảo sát xem hộ gia đình đó đã có máy chưa, phối hợp với doanh nghiệp khác để xem hộ gia đình đó đang dùng mạng nào, có nợ cước không”, ông Lữ nói. Song doanh nghiệp lại mạnh ai nấy làm, vì thế người dân tự rời mạng, có thuê bao đang nợ cước và bỏ mạng sang dùng mạng khác. Điều này vừa gây thất thoát nguồn ngân sách của Nhà nước, lại khiến doanh nghiệp khó thu hồi cước nợ đọng.
Trong kế hoạch năm 2009-2010, Bộ đã quy định phân kế hoạch cho doanh nghiệp phát triển dịch vụ viễn thông công ích theo từng vùng. Vì thế, tình trạng chồng chéo, rời mạng của người dân đã giảm đáng kể. Song vấn đề nảy sinh lại là chất lượng của doanh nghiệp được giao kế hoạch không đảm bảo, vì thế một số trường hợp người dân muốn đề nghị đổi doanh nghiệp khác. Vì thế có ý kiến cho rằng, cần có chế tài đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Ngoài ra, Thanh Hóa cho biết số liệu báo cáo về sản lượng cung ứng dịch vụ VTCI của một số doanh nghiệp còn thiếu chính xác, chưa đúng các biểu mẫu theo quy định, còn sai sót về sản lượng, kê cả thuê bao ngoài vùng công ích, thuê bao đã rời mạng; thuê bao tập thể vẫn kê là thuê bao cá nhân do đó việc triển khai thực hiện của Sở cũng gặp nhiều khó khăn.
Chính vì thế, trong chương trình VTCI giai đoạn mới 2011 – 2015, Thanh Hóa kiến nghị cần giao kế hoạch, chỉ tiêu cung cấp dịch vụ VTCI cho các doanh nghiệp hàng năm sớm hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện kế hoạch của các doanh nghiệp tại các địa phương.
Theo www.ictnews.vn