|
GS Hà Huy Khoái và đoàn học sinh Việt Nam dự kỳ thi Ô-Lim-Pich toàn quốc tế lần thứ 51(2010) tại Ca-Dắc-Xtan.
|
ND- Ðã hơn 30 năm, Việt Nam có đội tuyển dự thi ô-lim-píc toán học quốc tế, và ở mức độ khác nhau, năm nào chúng ta cũng gặt hái được những thành công. Tuy nhiên, mấy năm gần đây chất lượng đội tuyển ô-lim-pích của chúng ta đang có chiều hướng đi xuống...
Trong dư âm phấn khởi xen lẫn tự hào về sự kiện GS Ngô Bảo Châu, vừa nhận giải thưởng cao quý Fields, góp phần nâng vị thế của Việt Nam trên "bản đồ" toán học thế giới, GS, TSKH Hà Huy Khoái (nguyên Viện Trưởng toán học), Viện sĩ Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba, tâm sự: Ðội ngũ những người làm toán học nước nhà đón nhận niềm vui là Nhà nước vừa quyết định đầu tư cho chương trình trọng điểm toán quốc gia giai đoạn 2010 - 2020 với hơn 650 tỷ đồng. Ðây là cơ hội mở ra triển vọng phát triển mới cho ngành toán học nước ta. Chương trình sẽ thực hiện nhiều nội dung, dĩ nhiên trong đó có Dự án thành lập Viện nghiên cứu toán học cao cấp theo mô hình mới, và khả năng sẽ do GS Ngô Bảo Châu phụ trách. Tuy nhiên ngay từ bây giờ chúng ta phải suy nghĩ đến cách thức tổ chức các trường chuyên ở bậc phổ thông (trong đó có bộ môn toán), việc tuyển chọn và thành lập đội tuyển hằng năm tham gia kỳ thi ô-lim-pích toán quốc quốc tế (IMO) sao cho có chất lượng hơn...
Ðến nay, Việt Nam đã tham dự 34 lần các kỳ thi ô-lim-pích toán quốc tế và đều đạt các loại huy chương, nếu xếp theo đoàn, phần lớn chúng ta đều nằm trong tốp 10 - 15 so thế giới. Gặt hái được thành tích cao nhất phải kể đến IMO lần thứ 48 (năm 2007) tổ chức tại nước ta, đoàn học sinh Việt Nam đạt ba huy chương vàng, ba huy chương bạc. Nhưng ba năm gần đây, là người liên tục được Bộ Giáo dục và Ðào tạo cử làm trưởng đoàn các kỳ thi ô-lim-pích toán quốc tế, GS Hà Huy Khoái có điều kiện theo dõi chất lượng đội tuyển của chúng ta, và ông cảm thấy lo lắng vì chất lượng đội tuyển đang giảm xuống. Chẳng hạn tại IMO năm nay (tổ chức tại Astana, Ca-dắc-xtan từ ngày 2 đến 14-7-2010), đoàn học sinh Việt Nam gồm sáu học sinh từ khối chuyên toán - tin Ðại học Khoa học tự nhiên (ÐH QG HN) và các trường chuyên trong cả nước được tuyển chọn tham dự. Từ 150 đề thi các nước gửi đến, nước chủ nhà chọn ra 28 - 30 đề. Trước hai ngày khai mạc kỳ thi, Hội đồng giám khảo quốc tế họp bàn, chọn ra sáu đề chính thức. Chương trình thi chính thức diễn ra trong hai ngày, mỗi ngày một thí sinh phải làm ba bài toán trong thời gian bốn giờ 30 phút. Giống như thời còn là học trò, những cán bộ phụ trách đoàn đi thi cũng hồi hộp, lo lắng, mong chờ. Kết quả, đoàn Việt Nam đạt một huy chương vàng (28/42 điểm), bốn huy chương bạc (21-22/42 điểm) và một Huy chương đồng (20/42 điểm). Trong sáu bài thi, đoàn học sinh nước ta chỉ có một người giải được trọn vẹn bài ba, còn các bài năm và sáu không ai làm được, tất nhiên không có điểm.
Có một điều đáng quan tâm là tính bảo mật của đề thi. Năm 2007, IMO tổ chức tại Việt Nam, nước chủ nhà quy định sau khi Hội đồng giám khảo quốc tế chọn sáu đề chính thức (có trưởng đoàn các nước dự) trước hai ngày thí sinh làm bài, không ai được dùng điện thoại di động hay in-tơ-nét; và trách nhiệm bảo mật đề thi trước hết thuộc về người giữ cương vị trưởng đoàn. Ðiều này, chúng ta đã thực hiện một cách nghiêm túc dù IMO tổ chức ở đâu. Nhưng thực tế vẫn có hiện tượng không hay xảy ra. Chẳng hạn kỳ thi IMO năm nay tại Ca-dắc-xtan, đoàn học sinh của một nước dự thi, có hai thí sinh làm hoàn chỉnh sáu đề thi, bốn người làm được các bài khó nhưng lời giải giống y đáp án? Nước chủ nhà không cấm sử dụng điện thoại di động và in-tơ-nét, chẳng biết trách nhiệm bảo mật đề thi của trưởng đoàn đến đâu, song sau các thủ tục cần thiết, Ban tổ chức IMO lần thứ 51 đã hủy kết quả của đoàn học sinh nước nói trên.
Trở lại chất lượng đội tuyển ô-lim-pích của chúng ta, vài năm trở lại đây có chiều hướng giảm sút, do một số nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính, theo GS Hà Huy Khoái là chúng ta bỏ chính sách những học sinh đạt giải quốc gia (từ giải nhất đến giải ba) được vào thẳng đại học. Ðiều đó đã làm "nhụt chí" khá nhiều trường hợp có năng lực nhưng thiếu hào hứng tham gia đội tuyển, mà tập trung học đều các môn của khối thi (A, B, C...) để đạt điểm cao vào đại học. Trong khi các đội tuyển thi ô-lim-pích quốc tế hằng năm được tuyển chọn trên cơ sở các em đạt giải quốc gia. Cho nên việc chọn một đội tuyển ô-lim-pích toán quốc tế thật "tinh nhuệ" chẳng hạn, ngày càng khó khăn. Mặt khác hình thức thi học sinh giỏi quốc gia, mấy năm trở lại đây cũng thiếu khoa học. Trước đây thường tổ chức hai buổi thi, nhưng vài năm nay chỉ diễn ra trong một buổi, số lượng bài thi như nhau (giống thi hai buổi) nhưng tỷ lệ bài dễ nhiều hơn. Vậy nên, việc tuyển chọn đội tuyển ô-lim-pích cho bảo đảm chất lượng không dễ dàng. Cũng qua kết quả bài làm của học sinh Việt Nam dự thi IMO các năm gần đây, các trường THPT chuyên trong cả nước cần điều chỉnh nội dung và phương pháp dạy toán. Một mặt vừa thực hiện toàn diện chương trình, nhưng mặt khác cũng nên tăng thời lượng cho phần toán rời rạc, hay chú ý nhiều hơn phần tổ hợp trong quá trình học tập và nghiên cứu của cả thầy và trò...