Chẳng hạn ở môn công nghệ, bất phân giới tính, HS đều được huấn luyện tất cả: nấu ăn; may vá; sửa điện, xe đạp; trồng lúa, nuôi heo... Phải “toàn diện” đến thế ư? Tại sao các cháu không được học các môn phù hợp với tình hình phát triển ở địa phương của mình? Tại sao con trai phải bậm môi xe chỉ luồn kim, con gái lại hùng hục búa dao kềm đục?!...
Ngay cả mỹ thuật, bộ môn hầu hết HS đều ưa thích nhưng việc dạy dường như có điều gì đó bất ổn. Nó dần dần giết chết đi niềm say mê của các cháu. Con tôi cũng thế, đầu năm cháu đã bỏ công sức cả tuần, ngày nào cũng chăm chút bức vẽ phong cảnh thiên nhiên. Rất tiếc, bức vẽ “tuyệt vời” đối với cháu, “khá tốt” đối với cảm nhận của tôi lại “không đạt” dưới sự săm soi về mặt kỹ thuật thể hiện của cô - một giáo viên nhạc được cử đi học dăm ba tuần trở về dạy... vẽ!
Được biết, năm nay tất cả các cấp lớp trong bậc THCS đều phải học môn tự chọn. Hầu như tất cả các trường đều chọn giùm các em văn, toán, Anh, lý, hóa... tùy theo điều kiện của mình. Điều này rõ ràng sai với mục đích ra đời của bộ môn và đã biến tướng thành một dạng tăng tiết bắt buộc. Tất nhiên lỗi này đều do... khách quan! Nhưng như thế thì trên toàn quốc chúng ta có được bao nhiêu trường đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực để triển khai cho đúng tinh thần... tự chọn?!
Con trai tôi rất ghét vá may, nấu nướng, cắm hoa... Cháu thích vẽ bằng sự tưởng tượng phong phú của mình. Và nếu thật sự được “tự”, chắc chắn cháu sẽ chọn môn... bóng đá!
Tại sao phải đánh đồng... toàn diện?! Tại sao mục tiêu không là “đức, trí” và “phát huy năng khiếu sở thích học sinh”?!
Theo Tuổi trẻ