|
Cùng với sự phát triển của dịch vụ chữ ký số, các loại thiết bị phục vụ cho chữ ký số cũng đã xuất hiện. Ảnh: T.Ba
|
Sẽ có cạnh tranh
Giữa tháng 9, Bkav bắt đầu cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng, đồng thời cam kết nhận hồ sơ và trao chữ ký số ngay tại địa điểm của khách hàng. Theo đó, không phải mất thời gian đi lại và làm nhiều thủ tục rắc rối, khách hàng doanh nghiệp hoặc cá nhân chỉ cần đăng ký qua mạng là chữ ký số sẽ được Bkav mang đến tận nơi.
Để có chữ ký số, khách hàng chỉ cần truy cập website bkavca.vn hoặc gọi điện thoại đến nhà cung cấp dịch vụ để đăng ký. “Mọi thủ tục còn lại như nhận hồ sơ và trao chữ ký số sẽ được Bkav chịu trách nhiệm thực hiện tại địa điểm của khách hàng. Đây là hình thức cung cấp dịch vụ chữ ký số duy nhất mà người dân và doanh nghiệp được phục vụ tận nơi mà không phải trả thêm phí, thay vì phải trực tiếp đến các điểm giao dịch của nhà cung cấp”, ông Ngô Tuấn Anh, Giám đốc Công ty An ninh mạng Bkav khẳng định.
Tại Việt Nam hiện có 5 nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số được cấp phép. Tuy nhiên cho đến nay, mới chỉ có chữ ký số sử dụng cho kê khai thuế qua mạng và vẫn chưa có doanh nghiệp nào chính thức đưa đầy đủ các dịch vụ vào hoạt động. Công ty An ninh mạng Bkav là doanh nghiệp đầu tiên cung cấp rộng rãi ra thị trường đầy đủ các loại chữ ký số phục vụ kê khai thuế qua mạng, giao dịch ngân hàng, chứng khoán, hải quan điện tử, ký và mã hóa email, văn bản...
Nếu như Bkav nhắm đến thị trường cá nhân khá rõ ràng trong hoạt động của mình thì VNPT lại nhắm đến khối doanh nghiệp lớn. Ngày 21-9, VNPT và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc triển khai áp dụng chữ ký số cho các giao dịch điện tử trong hoạt động chứng khoán.
Theo thỏa thuận này, hai bên nhất trí hợp tác lâu dài trong các hoạt động thiết lập, cung cấp, sử dụng hạ tầng chứng thực chữ ký số công cộng, thúc đẩy ứng dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử của hoạt động chứng khoán.
Ngay tại lễ ký kết, SSC và VNPT đã trao chứng thực chữ ký số cho 20 doanh nghiệp đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán. Đây cũng sẽ là những doanh nghiệp thí điểm triển khai thực hiện dịch vụ chữ ký số. VNPT là doanh nghiệp đầu tiên được Bộ Thông tin – Truyền thông cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Hiện dịch vụ này của VNPT đang được nhiều cơ quan, doanh nghiệp sử dụng, trong đó có nhiều đơn vị của ngành tài chính như Tổng cục Thuế, Hải quan. Đến nay đã có khoảng 2.000 tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ chữ ký số của VNPT trong các ứng dụng kê khai Thuế điện tử và Hải quan điện tử…
Qua đây cho thấy, định hướng trong việc triển khai dịch vụ chữ ký số đã khá rõ ràng. Việc Bkav hướng đến khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ trong giao dịch điện tử và VNPT hướng đến khối doanh nghiệp lớn, cơ quan Nhà nước cũng là 2 lớp khách hàng chủ yếu của dịch vụ mới mẻ này ở Việt Nam. Điều này đặt ra vấn đề, khi FPT, Viettel và Công ty CP Công nghệ thẻ Nacencomm triển khai dịch vụ này, chắc chắn sự cạnh tranh sẽ còn diễn ra mạnh mẽ hơn.
Tiện ích và khó khăn
Theo các chuyên gia, việc phát triển các ứng dụng chữ ký số góp phần thúc đẩy Chính phủ điện tử, thương mại điện tử và giao dịch trực tuyến phát triển. Các giao dịch giữa các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đang dần được số hóa, đảm bảo an toàn thông tin và tăng tính cạnh tranh, tiết kiệm thời gian, tiền bạc. Trên thực tế, chữ ký số không chỉ được thực hiện cho các giao dịch điện tử trên internet mà còn được thực hiện qua mạng viễn thông di động. Hướng đi này giúp đẩy nhanh các giao dịch, đơn giản hóa mua sắm trực tuyến và giúp người dùng có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi.
Chủ tịch SSC Vũ Bằng cho rằng, việc sử dụng dịch vụ chữ ký số cho các giao dịch điện tử trong hoạt động chứng khoán là mục tiêu ưu tiên của ứng dụng CNTT trong thời gian tới của SSC. Trong hoạt động quản lý giám sát của SSC, việc áp dụng chữ ký số đảm bảo quy trình tiếp nhận và trao đổi các báo cáo, thông tin giữa các cơ quan quản lý và các đối tượng quản lý được nhanh chóng, an toàn, hiệu quả, góp phần cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt sẽ thúc đẩy hoạt động của các nhà đầu tư do thủ tục giao dịch đơn giản hơn, an toàn và nhanh chóng hơn.
Trong khi đó, ông Ngô Tuấn Anh, Giám đốc Công ty An ninh mạng Bkav cho biết, cản trở không nhỏ cho quá trình phổ biến chữ ký số tại Việt Nam là băn khoăn của các doanh nghiệp về tính phân cấp trách nhiệm khi ký bằng chữ ký số. Ví dụ, khi lập một tờ khai thuế, thường mỗi bản kê khai phải có chữ ký của người lập biểu, kế toán viên, kế toán trưởng, rồi mới đến lãnh đạo doanh nghiệp. Nếu sử dụng chữ ký số, chỉ có lãnh đạo doanh nghiệp chịu trách nhiệm ký, điều này khiến các doanh nghiệp không yên tâm. Đây cũng là tâm lý chung của hầu hết các cá nhân khi đề cập đến việc sử dụng chữ ký số. Bkav đã giải quyết được hạn chế này bằng bộ công cụ BkavCA PlugIn, cho phép việc chữ ký số được thực hiện với từng vị trí trách nhiệm trong doanh nghiệp, thay vì chỉ duy nhất lãnh đạo chịu trách nhiệm ký. Với BkavCA PlugIn, người sử dụng có thể ký được nhiều file đồng thời theo lô văn bản.
Đánh giá chung của giới chuyên môn cho rằng, vấn đề nhận thức và hiểu đúng về chữ ký số ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Điều này được xem là mấu chốt của việc triển khai ứng dụng của chữ ký số trong giao dịch điện tử hiện nay, mặc dù nó đã được pháp luật Việt Nam thừa nhận. Không phải ngẫu nhiên mà cả VNPT và SSC khi ký kết thỏa thuận nói trên đều phải ra tuyên bố, sẽ phối hợp cùng nhau trong các hoạt động truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tác dụng của chữ ký số; hỗ trợ cung cấp chứng thư số cho người tham gia sử dụng các dịch vụ giao dịch chứng khoán điện tử.
Theo www.sggp.org.vn